Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) năm 2006 ra đời trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới với vị thế một nước có thu nhập bình quân đầu người thấp, tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào tăng quy mô vốn đầu tư, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên không tái tạo.
Tuy nhiên, đến nay bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi, buộc chúng ta phải rà soát nội dung của Luật để có điều chỉnh phù hợp, đáp ứng kịp thời các yêu cầu mới phát sinh từ thực tiễn. Vì thế việc sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ là một đòi hỏi rất cấp thiết.
Xoay quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn TS. Đỗ Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ.
PV: Xin ông cho biết những ưu điểm của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006?
- TS. Đỗ Hoài Nam: Luật Chuyển giao công nghệ được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2007. Luật đã tạo dựng hành lang pháp lý về hoạt động KH&CN, góp phần đưa hoạt động KH&CN phát triển. Vào thời điểm đó thì đây là một trong những Luật có nhiều điểm tiến bộ nhất so với các văn bản quy định trước đây (như Pháp lệnh về chuyển giao công nghệ và các quy định, hướng dẫn dưới pháp lệnh). Tôi cho rằng, Luật CGCN năm 2006 có những điểm tiến bộ đáng ghi nhận.
Thứ nhất, trong Luật CGCN năm 2006 có ban hành 3 danh mục công nghệ (danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao và danh mục công nghệ cấm chuyển giao). Đối với danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, khi xem xét những công nghệ đó thì cơ quan có thẩm quyền phải cấp giấy phép CGCN. Còn công nghệ được khuyến khích chuyển giao thì không bắt buộc các bên phải đăng ký hợp đồng CGCN mà các bên có quyền tự nguyện đăng ký hợp đồng để hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật. Đây là một trong những điểm tiến bộ của Luật vào thời điểm Việt Nam chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Thứ hai, về mức phí thanh toán cho CGCN, trước đây có quy định mức phí tối đa thanh toán cho CGCN thì ở Luật CGCN năm 2006 đã cho các bên tự thỏa thuận mức phí thanh toán cho CGCN.
Thứ ba, về thời hạn CGCN, trước đây quy định thời hạn tối đa là 7 năm, trong trường hợp đặc biệt là 10 năm. Luật CGCN năm 2006 cho phép các bên tự thỏa thuận thời hạn hợp đồng CGCN.
Thứ tư, liên quan đến áp dụng Luật, Luật đã cho phép nếu CGCN có yếu tố nước ngoài thì áp dụng pháp luật quốc tế nhưng phải phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Trước đây, ngôn ngữ trong hợp đồng quy định phải là tiếng Việt thì trong quy định của Luật CGCN năm 2006 cho phép có thể áp dụng tiếng nước ngoài nhưng phải có bản tiếng Việt nếu giao dịch tại Việt Nam. Bản tiếng Việt và tiếng nước ngoài có giá trị pháp lý như nhau. Có thể nói rằng, các quy định pháp luật mang tính phù hợp ở thời điểm nhất định. Nên chúng tôi thấy rằng, Luật CGCN năm 2006 là một trong những Luật có nhiều điểm tiến bộ.
PV: Vậy đâu là điểm còn chưa phù hợp của Luật CGCN năm 2006, thưa ông?
- TS. Đỗ Hoài Nam: Như tôi đã chia sẻ, quy định pháp luật mang tính lịch sử, thời điểm năm 2006, 90% hợp đồng CGCN là từ nước ngoài vào Việt Nam. Chính vì vậy, phần CGCN trong nước, thương mại hóa nghiên cứu từ viện, trường chưa được chú trọng. Cho nên trong Luật CGCN năm 2006 nội dung về phát triển thị trường công nghệ vẫn còn chung chung. Tôi thấy rằng đây là điểm còn chưa phù hợp cho đến thời điểm hiện nay sau khi chúng ta đã thực thi Luật CGCN gần 10 năm.
Thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ, một số ngành, lĩnh vực sẽ tiếp nhận và làm chủ những công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của công nghiệp CNH-HĐH đất nước
Dưới góc nhìn về mặt quản lý nhà nước, qua theo dõi thực thi Luật, chúng tôi thấy đối với các hợp đồng CGCN từ nước ngoài đặc biệt là CGCN từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì không bắt buộc đăng ký nhưng việc họ CGCN từ công ty mẹ sang công ty con 100% vốn mà họ vẫn là chủ sở hữu sẽ dẫn đến rủi ro là họ sẽ chuyển giá trong hợp đồng CGCN. Thứ hai là mình xem xét xem nội dung của hợp đồng có đúng là hợp đồng CGCN hay không? Nội dung phải là đối tượng công nghệ chuyển giao theo quy định của Luật.
Trong một số trường hợp, các hợp đồng này không phải là đối tượng công nghệ. Sau khi luật được thông qua trong một số trường hợp họ nâng mức phí thanh toán CGCN. Mà điều này lại đi ngược lại với xu thế trong CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam. Hoạt động CGCN chủ yếu là cấp quyền sử dụng công nghệ. Việc cấp quyền như vậy, lẽ ra nếu không có thay đổi gì về nội dung công nghệ thì phí thanh toán CGCN phải giảm dần. Nhưng do thông thoáng của Luật người ta lại tăng mức phí lên. Chúng tôi cho rằng đó là việc đi ngược lại các xu thế cũng như lý luận về CGCN.
PV: Với Dự thảo Luật CGCN (sửa đổi) sẽ có cách “gỡ” ra sao để tạo những bước đột phá tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, thưa ông?
- TS. Đỗ Hoài Nam: Đối với Luật CGCN sửa đổi qua hai kỳ họp của Quốc hội. Kỳ họp thứ 2 Quốc hội đã thống nhất từ Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật CGCN và chuyển thành Luật CGCN (sửa đổi). Như vậy, về cơ bản nội dung của Luật CGCN năm 2006 đã được sửa đổi. Với Luật CGCN (sửa đổi) có rất nhiều kỳ vọng mới để làm sao các doanh nghiệp được hưởng điều kiện tốt hơn, đặc biệt là CGCN trong nước của các doanh nghiệp Việt Nam. Khi xây dựng Luật này trong phần phát triển thị trường công nghệ đã chú trọng đến phát triển các tổ chức trung gian. Bên cung và bên cầu công nghệ làm sao phải có tổ chức trung gian kết nối để hai bên gặp nhau và đàm phán hợp đồng, triển khai được các công nghệ từ các kết quả nghiên cứu của các viện, trường.
PV: Trong Dự thảo Luật CGCN (sửa đổi) sẽ quy định các bên tham gia vào dịch vụ chuyển giao công nghệ ra sao, thưa ông?
- TS. Đỗ Hoài Nam: Trong luật sẽ nêu trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của các bên tham gia vào tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ. Mức cụ thể sẽ được hướng dẫn bằng Nghị định của chính phủ. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm các nước thì mình không nên quy định cứng ở trong Luật mà phải căn cứ vào tình hình thực tiễn phát triển kinh tế từng thời kỳ để có những điều chỉnh phù hợp. Cũng giống như danh mục công nghệ, Quốc hội không ban hành cụ thể danh mục mà chỉ nêu các tiêu chí cần thiết ban hành danh mục, sau đó Chính phủ sẽ ban hành danh mục dựa trên đề xuất của các bộ, ngành. Bộ KH&CN sẽ là cơ quan tổng hợp trình Chính phủ ban hành ba danh mục cụ thể của Luật CGCN (sửa đổi).
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Bài, ảnh: Lê Hà