Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 05:42 am
Cập nhật : 30/12/2021 , 09:12(GMT +7)
Thúc đẩy phát triển chăn nuôi thủy cầm ở Việt Nam
Nhiều mô hình nuôi ngan cho hiệu quả kinh tế cao (Nguồn: internet)
Cụm công trình “Phát triển chăn nuôi thủy cầm ở Việt Nam” của TS. Nguyễn Văn Trọng và 30 đồng tác giả tập hợp các công trình nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ lớn và toàn diện về chăn nuôi thủy cầm trong suốt 40 năm, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành thủy cầm của Việt Nam.

Công trình đặc biệt xuất sắc và giá trị khoa học

GS.TS. Nguyễn Văn Thanh, Ủy viên Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng cho biết, đây là một công trình đồ sộ, tập hợp các nhà khoa học hàng đầu về chăn nuôi. Cụm công trình được thực hiện tại các cơ sở nghiên cứu thuộc Viện Chăn nuôi, các Trung tâm thuộc Viện Chăn nuôi phối hợp với các tổ chức cá nhân các cơ sở chăn nuôi trong phạm vị cả nước. 

Tác giả của Cụm công trình với nhiều cương vị khác nhau, là những nhà quản lý, những nhà nghiên cứu cơ bản, những nhà nghiên cứu chuyển giao với kinh nghiệm và tâm huyết tham gia vào quá trình nghiên cứu đã chọn tạo và phát triển được các giống, dòng thủy cầm hướng thịt, hướng trứng có năng suất, chất lượng cao phù hợp với nhiều vùng sinh thái và thị hiếu của người tiêu dùng tại Việt Nam.

Cụm công trình gồm 01 nhiệm vụ Quốc tế, 7 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 17 nhiệm vụ cấp Bộ, 5 nhiệm vụ cấp tỉnh và nhiều nhiệm vụ cấp cơ sở. Các nhiệm vụ KH&CN được nghiên cứu, kết quả được triển khai và áp dụng trên phạm vi toàn quốc, thay đổi cơ bản số lượng, năng suất, chất lượng đàn giống, quy mô sản xuất, phương thức canh tác, tạo sản phẩm mang tính cạnh tranh cao phù hợp với mọi vùng sinh thái, đem lại hiệu quả cao cho sản xuất. 

Đây là Cụm Công trình đặc biệt xuất sắc, 46 sản phẩm khoa học của các công trình được công nhận tiến bộ kỹ thuật, 32 giống mới được công nhận, 37 dòng vịt siêu thịt, 12 dòng vịt siêu trứng, 4 dòng vịt kiêm dụng, 12 dòng ngan được chọn tạo (65 dòng vịt, ngan). Một số giống vịt được tạo ra có năng suất cao nhất thế giới hiện nay như vịt siêu trứng TC, tạo ra được giống vịt và cũng là giống gia súc, gia cầm duy nhất được nuôi ở môi trường nước biển (hải đảo và ven biển). Cùng với đó, năng suất các giống vịt chuyên thịt, kiêm dụng và ngan tương đương với các giống vịt của các nước tiên tiến trên thế giới như Anh, Pháp. Đến nay, các chỉ tiêu năng suất như khối lượng xuất chuồng cao gấp 1,5-2 lần, năng suất trứng cao gấp 1,5 lần; tiêu tốn thức ăn giảm khoảng 20-30% so với những năm 90 trở về trước. Nhiều công nghệ mới được đưa ra như nuôi vịt trên khô không cần nước bơi lội. Chính từ đây cũng đã làm thay đổi cơ bản hành vi của người chăn nuôi vịt từ trước tới nay quan niệm đã nuôi vịt là cần phải có ao hồ, sông ngòi. Chế tạo được tủ ấp trứng gia cầm thủ công, máy ấp trứng, xây dựng được quy trình ấp trứng đa kỳ - đa giống, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học với 5 phương thức nuôi gồm 3 phương thức nuôi trên khô không cần nước bơi lội (nuôi nhốt hoàn toàn trong chuồng, nuôi nốt trong chuồng có sân chơi, nuôi nhốt trong vườn cây); 2 phương thức nuôi có nước bơi lội (nuôi nhốt trên ao kết hợp nuôi cá, nuôi thả đồng có khoanh vùng kiểm soát); quy trình thụ tinh nhân tạo ngan cho vịt để tạo con lai ngan – vịt lần đầu tiên áp dụng thành công ở Việt Nam. 

Kết quả của các nhiệm vụ khoa học thuộc Cụm công trình đã đạt được nhiều giải thưởng: với 08 giải thưởng sáng tạo kỹ thuật của tỉnh và toàn quốc, 7 giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam, 3 huy chương vàng cho sản phẩm, 23 Bằng lao động sáng tạo cho các tác giả gắn với các công trình nghiên cứu khoa học. Với những kết quả nghiên cứu của 3 đơn vị tập thể và các cá nhân đã được tặng thưởng 01 Huân chương lao động hạng Nhất, 4 Huân chương lao động hạng Nhì, 6 Huân chương lao động hạng Ba, trên 100 Bằng khen của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

Các giống thủy cầm hiện nay đạt được năng suất vượt trội, làm thay đổi cơ bản diện mạo của ngành chăn nuôi thủy cầm (Nguồn: internet) 

Đem lại hiệu quả kinh tế

Đây là Cụm Công trình khoa học đầu tiên ở Việt Nam đạt trình độ khu vực và quốc tế và lĩnh vực chọn tạo giống thủy cầm với hệ thống giống hình tháp. Kết quả công trình đã có đóng góp quan trọng trong phát triển chăn nuôi thủy cầm ở nước ta trong những năm qua luôn duy trì vị trí thứ hai thế giới về đàn thủy cầm, số lượng đàn thủy cầm đã cán mốc trên 100 triệu con bằng 170% so với Chiến lược phát triển chăn nuôi (theo mục tiêu của Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 tổng đàn thủy cầm đạt 55-60 triệu con). Việt Nam đang sở hữu bộ giống thủy cầm đa dạng nhất thế giới, các giống thủy cầm năng suất cao của thế giới đều có ở Việt Nam, bên cạnh là bộ giống thủy cầm bản địa có giá trị cao, cùng với đó là các giống mới, dòng mới được tạo ra có năng suất cao nhất thế giới, thích ứng với các điều kiện sinh thái khác nhau, thích ứng biến đổi khí hậu (xâm nhập mặn đó là vịt biển), tạo sản phẩm lợi thế vùng, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng thành chăn nuôi chuyên nghiệp, chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn, các giống mới cùng với quy trình công nghệ chuyển giao kịp thời cho sản xuất, làm thay đổi cơ bản tập quán của người chăn nuôi (chăn nuôi thủy cầm không cần nước bơi lội, phương thức chăn nuôi mới kết hợp với chăn nuôi truyền thống), là duy nhất trong các đối tượng vật nuôi của Việt Nam đã chủ động hoàn toàn trong nước được con giống thủy cầm ông bà, bố mẹ và thương phẩm có năng suất và chất lượng; sản phẩm đã được xuất khẩu nhiều năm qua (trứng vịt muối), chăn nuôi thủy cầm đã trở thành nghề sản xuất chính trong sản xuất nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu các ngành nông nghiệp và giúp người dân làm giàu. Tạo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống với nguồn cung cấp thịt, trứng có giá trị dinh dưỡng cao với giá thành ngày càng giảm.

Các kết quả đạt được của Cụm công trình đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo đảm sự phát triển bền vững của nghành thủy cầm. Từ dòng vịt, ngan được chọn tạo và con lai thương phẩm tạo ra góp phần phục vụ đắc lực cho sản xuất, tăng sản lượng thịt trứng thủy cầm qua các năm. Đã xây dựng được hệ thống giống 4 cấp: dòng thuần, ông bà, bố mẹ và thương phẩm là hệ thống sản xuất và nhân giống tiên tiến chỉ có các nước có trình độ chăn nuôi tiên tiến mới có được.

Đặc biệt là đã chọn được các dòng vịt chịu mặn phục vụ cho chăn nuôi thủy cầm vùng ven biển, hải đảo, thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm ngập mặn (giống vịt Biển 15 – Đại Xuyên ở 28 tỉnh ven biển và các đảo Bạch Long Vỹ, Đảo Cồn Cỏ, Đảo Cù Lao Xanh, Đảo Phú Quý và đặc biệt là được nuôi ở Quần đảo Trường Sa), góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng ở ven biển và hải đảo.

Ảnh hưởng lâu dài trong đời sống nhân dân

Đây là công trình có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển nền kinh tế quốc dân, khoa học, công nghệ và ứng dụng trong thực tiễn.

PGS.TS. Trần Huê Viên, Ủy viên Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng đánh giá, việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu của công trình đã làm thay đổi cơ bản số lượng, năng suất, chất lượng đàn giống thủy cầm của Việt Nam. Từ kết quả nghiên cứu của công trình đã làm cho năng suất thủy cầm hiện nay với khối lượng xuất chuồng cao cấp 1,5-2 lần, năng suất trứng cao gấp 1,5 lần, tiêu tốn thức ăn giảm khoảng 20-30% so với những năm 90 trở về trước, cùng với quy trình tiên tiến và phù hợp với các phương thức nuôi khác nhau. Các sản phẩm của Cụm công trình đã được triển khai và áp dụng ở 63 tỉnh, thành trong cả nước, trên nhiều đối tượng và thành phần kinh tế, nhiều loại quy mô sản xuất, ở nhiều phương thức chăn nuôi khác nhau, từ truyền thống đến công nghiệp hiện đại. Phải nói rằng từ trung du, miền núi, tới đồng bằng, ven biển đến hải đảo xa xôi đâu đâu cũng có thủy cầm là sản phẩm của Cụm công trình. 

Các kết quả nghiên cứu của Cụm công trình đã góp phần quan trọng tạo ra sự đột phá về năng suất và hiệu quả kinh tế xã hội trong chăn nuôi thủy cầm ở Việt Nam theo hướng hiện đại hóa, quy mô lớn kết hợp với chăn nuôi truyền thống để phát triển bền vững. Từ việc ứng dụng kết quả nghiên cứu của Cụm công trình đã làm thay đổi thói quen, phương thức chăn nuôi (từ chăn thả tự do, chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa, hiện đại); tạo việc làm cho nhiều lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi; góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, giúp xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế với thu nhập cao; đa dạng hóa nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu của người tiêu dung.

GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh, thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng khẳng định, đây là công trình đặc biệt có ý nghĩa đóng góp cho đồng bào dân tộc miền núi và hải đảo. Ngoài ra còn làm thay đổi cách tiếp cận khoa học trong chọn giống thủy cầm tại những vùng đặc biệt khó khan mà không có lợi thế của thủy cầm như vịt cạn, vịt biển.

Cụm công trình “Phát triển chăn nuôi thủy cầm ở Việt Nam” là công trình có giá trị rất lớn cả về KH&CN cũng như đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng. Đây là một trong số những Cụm công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN đợt 6.

Bài: Lê Chi


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner