Thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ giữa Việt Nam và liên minh châu Âu
Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Mai Hoàng)
Hội thảo chương trình khung thứ 7 (FP7) về nghiên cứu và phát triển công nghệ của liên minh châu Âu đã được Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Quốc gia – Bộ KH&CN tổ chức ngày 25/5 tại Hà Nội.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được cung cấp những thông tin mới nhất về FP7, thể thức của chương trình và cơ hội tài trợ dành cho cộng đồng các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng như kinh nghiệm của các nước châu Âu và ASEAN trong việc thúc đẩy cộng đồng khoa học tham gia FP7 và những ưu thế của sự hợp tác.
Được biết chương trình Khung về nghiên cứu và phát triển công nghệ lần thứ 7 của Liên minh châu Âu (viết tắt là FP7) được coi là công cụ chính để Liên minh châu Âu tài trợ cho hoạt động nghiên cứu ở châu Âu với thời gian hoạt động từ năm 2007 đến 2013. Đây là một chương trình nghiên cứu lớn nhất của châu Âu từ trước đến nay với tổng kinh phí đầu tư gần 54 tỷ euro, trong đó khoảng 32 tỷ euro dành cho các dự án hợp tác nghiên cứu chung trên 10 lĩnh vực ưu tiên: y tế; thực phẩm, nông nghiệp và thủy sản, công nghệ sinh học; công nghệ thông tin và truyền thông; khoa học nano, công nghệ nano, vật liệu và công nghệ sản xuất mới; năng lượng; môi trường (gồm cả biến đổi khí hậu); giao thông (gồm cả hàng không); khoa học kinh tế-xã hội và nhân văn; vũ trụ; an ninh.
Hội thảo FP7 lần này tập trung vào các hoạt động nghiên cứu cộng tác, kể cả trong phạm vi châu Âu và cộng tác với các đối tác bên ngoài khu vực. Theo đó, Chương trình sẽ phối hợp các nhóm nghiên cứu cấp quốc gia và cấp châu Âu, thiết lập mạng lưới nghiên cứu, và tăng cường huy động nguồn nhân lực nghiên cứu. Việc kết hợp các nhóm nghiên cứu tại các quốc gia khác nhau cũng là một cách để giải quyết tình trạng phân mảng trong hoạt động nghiên cứu của châu Âu.
Chương trình khuyến khích sự tham gia của cộng đồng KH&CN các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam và các nước ASEAN khác. Ngoài ra FP7 còn hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu của các cá nhân/nhóm cá nhân thông qua một chương trình mới của Hội đồng nghiên cứu châu Âu mà không cần có sự hợp tác liên quốc gia.
So với các chương trình trước đây, FP7 có quy mô và tính cạnh tranh lớn hơn đồng thời cũng có các thủ tục linh hoạt và đơn giản hơn nhiều. Đây sẽ là một cơ hội mới cho Việt Nam để đóng góp những nghiên cứu của mình và hưởng lợi ích từ tri thức châu Âu và các đối tác trên toàn thế giới.
Để có thông tin đầy đủ về FP7 có thể truy cập địa chỉ www.cordis.europa.eu/fp7 hoặc www.ec.europa.eu/research/fp7.