Ngày 31/10/2019, Tại TP. Hội An đã diễn ra Hội thảo "Tổng kết công tác 2019 và phương hướng hoạt động 2020 thực hiện kế hoạch hành động Lima 'Thúc đẩy du lịch sinh thái trong các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam".
Hội thảo do Ủy ban Nhân dân TP. Hội An, Ban Quản lý Khu Dự trữ Sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An; Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Tiểu ban Khoa học Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng Sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi phối hợp tổ chức
Đây là một trong những sự kiện quan trọng của UBQG MAB thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, được tổ chức luân phiên hàng năm tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam. Hội nghị thu hút hơn 100 đại biểu đến từ các sở ban ngành địa phương, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, các đại biểu có cơ hội kết nối với Mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam và khu vực; chia sẻ sự phong phú của môi trường sống không chỉ ở môi trường tự nhiên nguyên sơ mà còn về văn hóa, lịch sử và truyền thống - đây là một kho báu để bảo tồn trong tương lai cho các thế hệ.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch MAB Việt Nam chia sẻ, có thể nói, mỗi khu SQTG là một mô hình phát triển bền vững cho địa phương nên việc trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm là rất hữu ích. Điều này cũng phù hợp chủ trương của Kế hoạch hành động LIMA 2016 – 2025 cho các Chương trình Con người và Sinh quyển thuộc UNESCO và Mạng lưới Toàn cầu các khu SQTG, cũng như định hướng thúc đẩy nhãn sinh thái, giảm thiểu rác thải nhựa, đặc biệt đi sâu phân tích và triển khai chủ đề du lịch sinh thái.
Trong năm 2019, nổi bật nhất của MAB Việt Nam là sự kế thừa và tiếp tục thực hiện Kế hoạch Hành động LIMA 2016 - 2025 mà Việt Nam đã cam kết thực hiện và triển khai; cũng như hoạt động của các Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam. Hầu hết các hoạt động trong năm 2019 của các khu SQTG của Việt Nam đều mới bắt đầu triển khai hoặc đang được tiến hành đúng hướng, các khu SQTG đang tiếp tục duy trì các hoạt động này trong khuôn khổ thực hiện Kế hoạch Hành động Lima.
Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc gia UNESCO và MAB Việt Nam tiếp tục hỗ trợ 05 đề xuất cho các khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam. Đến nay, toàn bộ 09 Khu dự trữ sinh quyển đều có nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia nghiên cứu về các vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với các vấn đề về phát triển kinh tế xã hội như du lịch sinh thái, bảo tồn văn hóa, sinh kế bền vững cho người dân,... góp phần vào phát triển bền vững cho địa phương. Các nhà khoa học trong lĩnh vực tự nhiên đã phối hợp liên ngành với các nhà khoa học trong lĩnh vực xã hội, văn hóa, dân tộc, du lịch,... để tìm ra những mô hình phát triển bền vững. Trong năm 2019, có 02 nhiệm vụ sẽ được nghiệm thu cấp quốc gia.
Năm 2020, MAB Việt Nam và các Khu DTSQ tiếp tục thực hiện kế hoạch của Việt Nam nhằm triển khai 04 mục tiêu chiến lược và 05 lĩnh vực hành động của Chiến lược MAB đến 2025 và kế hoạch hành động LIMA; thúc đẩy cơ chế dán nhãn sinh thái cho các sản phẩm, dịch vụ của các khu DTSQ, thúc đẩy các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa mà các khu SQTG đã xây dựng và cam kết thực hiện, thúc đẩy du lịch sinh thái trong các khu DTSQ của Việt Nam.
Với vị thế là thành viên ICC, MAB Việt Nam sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác quốc tế với các Ủy ban MAB của các quốc gia và hoạt động hợp tác giữa các Khu DTSQ của Việt Nam và Khu DTSQ trên thế giới trong mạng lưới MAB.
Bộ KH&CN với vai trò là Trưởng tiểu ban Khoa học Tự nhiên sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Chương trình Con người và Sinh quyển cũng như các Khu DTSQ ở Việt Nam thực hiện các chiến lược và chương trình hành động của MAB, hướng tới thực hiện và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Tin, ảnh: Diệu Huyền