Đây là sáng kiến của cô giáo Đào Thị Ngọc Phương, Trường THPT Trần Hưng Đạo, Nam Định tham dự và được nhận giải Khuyến khích của cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ IV tổ chức mới đây.
Cô Đào Thị Ngọc Phương, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) được đánh giá là một tấm gương tiêu biểu về lao động sáng tạo. Tại các lớp cô trực tiếp giảng dạy, cô luôn tìm cách truyền cho các em niềm yêu thích môn học. Không chỉ qua những bài tập trong sách giáo khoa mà qua các tiết giảng của cô, học sinh còn tìm thấy những ứng dụng thú vị của môn học khi liên hệ với đời sống thực tiễn, đồng thời cũng tạo cho các em học sinh niềm đam mê, muốn tìm tòi, chinh phục những kiến thức mới. Với vai trò Bí thư Đoàn trường, bản thân cô Phương luôn tích cực tham gia và tổ chức, động viên học sinh hưởng ứng các phong trào thi đua của ngành, đơn vị. Trong từng giai đoạn của năm học, để thích ứng với bối cảnh thực tiễn, cô luôn nỗ lực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, học hỏi kinh nghiệm quản trị giáo dục, triển khai thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho học sinh, nhằm đạt hiệu quả giáo dục tốt nhất, xây dựng cơ sở Đoàn vững mạnh.
Đặc biệt, trong năm học 2021-2022 vừa qua, được sự quan tâm, tín nhiệm của Đoàn cấp trên và cấp ủy Đảng, Ban giám hiệu nhà trường, cô đã lãnh đạo công tác Đoàn và phong trào thanh niên Trường THPT Trần Hưng Đạo đạt nhiều thành tích xuất sắc tiêu biểu, với nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo. Hưởng ứng, tham gia hội thi, cuộc thi các cấp, cô đã nỗ lực đồng hành cùng tuổi trẻ nhà trường sáng tạo, thi đua đạt thành tích cao và giữ thứ hạng ổn định trong khối THPT toàn tỉnh, khẳng định chất lượng giáo dục toàn diện của cơ sở giáo dục chất lượng cao qua các hội thi, cuộc thi: thi Kể chuyện “Bác Hồ và những bài học về đạo đức lối sống dành cho học sinh” 2 học sinh do cô hướng dẫn đều giành 2 giải Nhất cá nhân, toàn đoàn xếp thứ 1/45 trường, đạt cờ giải Nhất khối THPT; thi “Em yêu môi trường”, nhóm học sinh do cô “đồng hành” đạt 1 giải Nhì cấp tỉnh; cuộc thi “Sáng tác lời mới cho làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền về phòng, chống thiên tai”, sản phẩm cô hướng dẫn học sinh thực hiện đã đạt Giải Ấn tượng cấp quốc gia.
Năm học 2021-2022, dù đại dịch COVID phức tạp ảnh hưởng tiêu cực tới chương trình hành động giáo dục của các cơ sở giáo dục, cô vẫn luôn nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới những hình thức tổ chức sinh hoạt giáo dục, chương trình trải nghiệm sáng tạo để vừa duy trì chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, vừa đảm bảo chủ trương phòng chống dịch bệnh của các cấp bộ, ngành và mục tiêu giáo dục toàn diện của đơn vị. Tiêu biểu như các sản phẩm giáo dục số trong cuộc thi “Món ngon tặng mẹ”, “Thầy cô trong trái tim con”, “Chinh phục”, “Cán bộ Đoàn tài năng”, “Cắm hoa nghệ thuật”, giới thiệu Đại sứ văn hóa đọc...
Đặc biệt, cô luôn nỗ lực học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong dạy học bằng những phương pháp dạy học tích cực, xây dựng những giải pháp, sáng kiến tổ chức hoạt động giáo dục đạt hiệu quả cao. Cô có 3 đề tài được công nhận phạm vi ảnh hưởng cấp ngành và 1 đề tài được công nhận phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh. Trong đó, tiêu biểu nhất là đề tài sáng kiến kinh nghiệm về “Xây dựng quy trình 5T thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa cho học sinh THPT” (năm 2021). Đề tài được công nhận phạm vi ảnh hưởng cấp ngành, cấp tỉnh, được Hội đồng khoa học của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội lựa chọn giới thiệu đăng trong Hội thảo Giáo dục Việt Nam VEC năm 2021.
Trên cơ sở xây dựng những nhóm giải pháp cụ thể, đề tài đã tạo ra “môi trường” kích hoạt năng lực sáng tạo cho đội ngũ giáo viên đảm nhận công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa trong nhà trường phổ thông (bao gồm cả đối tượng cán bộ quản lý và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên Ban Hoạt động ngoài giờ lên lớp...). Trong đó, việc xác định chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, lý tưởng cách mạng cho học sinh THPT góp phần tạo dựng, củng cố tình cảm, niềm tin, bản lĩnh chính trị cho các thế hệ thanh niên thời đại mới...
Cô giáo Đào Thị Ngọc Phương nhận Giải Khuyến khích của Cuộc thi Sáng kiến vì Cộng đồng lần thứ IV
Cô Đào Thị Ngọc Phượng cho biết, đề xuất quy trình 5T (Thay đổi nhận thức, tiếp cận tư duy chuyển đổi số; Thiết kế mô hình KHGD số; Thực hiện KHGD số; Truyền thông các sản phẩm giáo dục số; Tạo lập kho tài nguyên quản trị HĐGD), hiện đang được triển khai thực hiện tại Trường THPT Trần Hưng Đạo.
Ngoài ra, một số chương trình giải pháp được đề xuất trong sáng kiến cũng đã và đang được áp dụng thực hiện ở một số Trường THPT khác trên địa bàn tỉnh Nam Định (Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Trường THPT Nguyễn Công Trứ, Trường THPT Nguyễn Huệ…). Theo đề xuất, ngoài việc xây dựng hệ thống kết nối học tập và ứng dụng 5T trực tiếp, sáng kiến có thể được triển khai nhân rộng trong toàn ngành thông qua xây dựng, chia sẻ và kết nối tài nguyên quản trị HĐGD giữa các đơn vị nhà trường trên phạm vi cả nước.
Các chuyên gia đánh giá, Quy trình 5T được đề xuất sẽ tạo ra giải pháp cụ thể nhằm thích ứng với những chuyển dịch thay đổi theo bối cảnh đổi mới giáo dục trong nước và quốc tế; Góp phần thúc đẩy việc tạo dựng kho học liệu số về các chủ đề chính trị, tư tưởng, văn hóa cho học sinh THPT trên cả nước, xây dựng hình tượng thanh niên Việt Nam với tâm trong - trí sáng- hoài bão lớn, hoàn toàn có khả năng trở thành những "công dân có ích toàn cầu".
Quy trình 5T trong giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa cho học sinh THPT có thể được xem là đề xuất sáng kiến góp phần tạo ra môi trường giáo dục số năng động, hiện đại thích nghi với những yêu cầu, thay đổi trong bối cảnh thực tiễn của ngành giáo dục. Tuy nhiên, để sáng kiến được ứng dụng hiệu quả cần sự đồng thuận, nhất trí, quyết tâm và nỗ lực của mỗi cá nhân, tập thể nhà trường.
Bài, ảnh: PV