Với vai trò là kênh đáp ứng nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp về đổi mới công nghệ theo các đề xuất thiết thực, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) là minh chứng rõ nét cho sự chuyển dịch chính sách lấy doanh nghiệp làm trung tâm, coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ nhưng với điều kiện đổi mới sáng tạo phải là nhu cầu tự thân và thiết yếu của doanh nghiệp.
Ngày 29/01/2021, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới công nghệ
Theo quy định, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, thực hiện chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn và hỗ trợ vốn (hỗ trợ tài chính) cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ.
Quỹ hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Quỹ hoạt động với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ được khuyến khích chuyển giao quy định tại Luật Chuyển giao công nghệ; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Đồng thời, hỗ trợ ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, giải mã công nghệ; hỗ trợ đào tạo nhân lực KH&CN phục vụ việc chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ.
Quỹ có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, các nguồn tài chính tài trợ hợp pháp, các khoản đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch hoạt động hàng năm, kế hoạch trung hạn của Quỹ; ban hành các quy định cụ thể phục vụ cho hoạt động của Quỹ.
Tổ chức xét chọn nhiệm vụ, dự án để Quỹ hỗ trợ tài chính. Xây dựng quy định về hỗ trợ tài chính và quyết định mức hỗ trợ tài chính một cách minh bạch; thẩm định tài chính, kiểm tra, quản lý quá trình thực hiện nhiệm vụ, dự án và tổ chức đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, dự án được Quỹ hỗ trợ tài chính.
Đình chỉ việc hỗ trợ tài chính hoặc thu hồi kinh phí đã hỗ trợ khi phát hiện doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ, dự án vi phạm các quy định về sử dụng vốn của Quỹ; giải quyết các khiếu nại; khởi kiện đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vi phạm hợp đồng và cam kết với Quỹ theo quy định của pháp luật.
Quỹ được lựa chọn áp dụng cơ chế tài chính, tiền lương, quản lý tài sản công như Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định của pháp luật; hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế về các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Quỹ.
Đồng thời, hỗ trợ vốn đối với các nhiệm vụ do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện được Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ KH&CN giao cho Quỹ thông qua các chương trình, nhiệm vụ KH&CN bảo đảm nguyên tắc ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí cho các nhiệm vụ, Chương trình KH&CN cấp Quốc gia trong trường hợp các nhiệm vụ, Chương trình này đã được hỗ trợ từ nguồn vốn của Quỹ trong cùng một thời điểm.
Cơ cấu tổ chức của Quỹ bao gồm: Hội đồng quản lý Quỹ; Kiểm soát viên; Giám đốc Quỹ và bộ máy giúp việc.
Hoạt động hỗ trợ tài chính của Quỹ
Hoạt động hỗ trợ tài chính của Quỹ được thực hiện theo thỏa thuận giữa Quỹ với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định.
Về cho vay trực tiếp, đối tượng cho vay trực tiếp từ Quỹ là các doanh nghiệp thực hiện các dự án chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ được khuyến khích chuyển giao quy định tại Luật Chuyển giao công nghệ; chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm mới và thương mại hóa sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngành công nghiệp công nghệ cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đổi mới công nghệ, sản xuất sản phẩm công nghiệp thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Triển khai thực hiện các hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết tại các sàn giao dịch công nghệ, chợ công nghệ và thiết bị, sự kiện kết nối cung cầu công nghệ và ngày hội khởi nghiệp quốc gia; cải tiến, đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới, mở rộng sản xuất đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp KH&CN theo quy định pháp luật về KH&CN; các hoạt động đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng quốc gia, các doanh nghiệp tham gia Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng hàng hóa.
Các dự án liên quan đến tiếp nhận chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ và đặc biệt là thương mại hóa công nghệ sau khi được phát triển trong Chương trình sản phẩm quốc gia, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao và các chương trình KH&CN cấp quốc gia khác.
Về cho vay gián tiếp, Hội đồng Quản lý Quỹ ban hành tiêu chí và quyết định lựa chọn một số ngân hàng thương mại để ký thỏa thuận cho vay gián tiếp trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Quỹ. Ngân hàng áp dụng quy định pháp luật về hoạt động vay vốn của các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính để tiếp nhận vốn từ Quỹ. Đồng thời tự thẩm định, quyết định cho vay đối với doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định.
Về hỗ trợ lãi suất vay, đối tượng được hỗ trợ lãi suất vay cũng là các doanh nghiệp thuộc đối tượng cho vay trực tiếp và đối tượng được Quỹ hỗ trợ vốn.
Về bảo lãnh để vay vốn, đối tượng được cấp bảo lãnh để vay vốn gồm doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân là chủ đầu tư thực hiện các dự án thương mại hóa công nghệ sau khi được phát triển trong Chương trình Sản phẩm quốc gia, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao và các chương trình, nhiệm vụ KH&CN khác phục vụ các chương trình ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội.
Về hỗ trợ vốn, đối tượng được hỗ trợ vốn là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện các nhiệm vụ KH&CN: phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trên cơ sở các công nghệ nguồn và được tích hợp thành các tổ hợp công nghệ phục vụ sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia; giải mã công nghệ, làm chủ bí quyết công nghệ có xuất xứ từ các sáng chế; tiếp nhận, triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm từ các chương trình KH&CN cấp quốc gia; phát triển các công nghệ mới do các nhóm nghiên cứu trẻ thực hiện và ứng dụng vào sản xuất thử nghiệm các sản phẩm mới, ứng dụng mới, dịch vụ mới; ứng dụng, phát triển công nghệ mới theo chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm; đổi mới hoàn thiện và sáng tạo công nghệ đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến, vượt trội để sản xuất ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; đào tạo cán bộ KH&CN phục vụ chuyển giao, ứng dụng và phát triển công nghệ; nhân rộng, phổ biến, giới thiệu và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển ở khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo,…
Hệ thống dây chuyền công nghệ chiết tách dầu dừa tinh khiết (VCO) của Công ty TNHH
chế biến dừa Lương Quới.
Vốn điều lệ tối thiểu của Quỹ là 2 nghìn tỷ đồng được ngân sách nhà nước cấp. Căn cứ tình hình hoạt động cụ thể của Quỹ, Bộ trưởng Bộ KH&CN trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh vốn điều lệ của Quỹ sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ngoài ra còn các nguồn vốn khác gồm: kinh phí hỗ trợ vốn cho các chương trình, nhiệm vụ KH&CN do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&CN giao Quỹ thực hiện. Hàng năm, Bộ KH&CN xem xét và quyết định nhu cầu sử dụng vốn của Quỹ từ ngân sách nhà nước dành cho sự nghiệp phát triển KH&CN theo quy định; kinh phí bổ sung từ kết quả hoạt động của Quỹ; kinh phí hình thành từ các nguồn tài trợ, viện trợ hợp pháp, đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, trong nước và nước ngoài dành cho Quỹ; các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định.
Thực tiễn triển khai cho thấy, Quỹ NATIF là kênh đáp ứng nhu cầu vô cùng to lớn của xã hội và doanh nghiệp về đổi mới công nghệ theo các đề xuất, đặt bài rất cụ thể, thiết thực. Đây là hoạt động cụ thể hóa cơ chế hợp tác công - tư, đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ KH&CN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Quỹ NATIF đóng vai trò là kênh bổ trợ quan trọng, gắn với tái cấu trúc các chương trình KH&CN cấp quốc gia, đưa nhanh các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào cuộc sống với hướng đối tượng trọng tâm là doanh nghiệp.
Các dự án đã triển khai đều có hiệu quả rất rõ như Công ty Chế biến dừa Lương Quới, tỉnh Bến Tre đã ứng dụng thành công công nghệ chế biến mới, tiên tiến, bảo đảm sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, xuất khẩu tới 16 nước. Dự án nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất nhựa Alkyd thay thế sơn nhập ngoại rất hiệu quả của Công ty Sơn Hải Phòng. Dự án ứng dụng công nghệ sinh học phân tử (công nghệ gen) để chọn tạo và sản xuất tôm chân trắng bố mẹ sạch bệnh và kháng bệnh do Công ty Thủy sản Việt Nam, tỉnh Khánh Hòa chủ trì đã tổ chức sản xuất tôm bố mẹ, cung cấp được 20% lượng tôm bố mẹ, tiết kiệm gần 900 tỷ đồng mỗi năm.
|
Bài, ảnh: Hạnh Nguyên