Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2011-2020. Chiến lược được kỳ vọng sẽ tạo ra sự chuyển biến căn bản trong hoạt động KH&CN, để KH&CN cùng với giáo dục và đào tạo thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với TSKH Nghiêm Vũ Khải - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về những điểm nổi bật, đột phá của Chiến lược.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa và những điểm nổi bật của Chiến lược giai đoạn này?
- Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải: Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020 mới được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt là một văn bản có tính chất tổng quan từ quan điểm, mục tiêu đến nhiệm vụ và các biện pháp bảo đảm phát triển KH&CN của nước ta đến năm 2020.
Chiến lược ở nghĩa rộng, có thể hiểu là tổng quan triết lý, quan điểm, chủ trương và nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo thế và lực mới, những chuyển biến căn bản, thay đổi cục diện và đạt được những mục tiêu lớn, có tính chất quyết định, lâu dài.
Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020 (sau đây gọi là Chiến lược) được xây dựng trên cơ sở những bài học qua quá trình thực hiện Chiến lược Phát triển KH&CN Việt Nam đến năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2003. Trình độ KH&CN của đất nước cũng đã được nâng lên đáng kể trong những năm qua. Tuy nhiên, những tồn tại, thách thức cũng rất lớn, Chiến lược lần này bên cạnh việc khắc phục những hạn chế trong giai đoạn trước, đã có được tầm nhìn mới, giải pháp mới phù hợp với bối cảnh trong nước, khu vực và thế giới; xác định được khâu then chốt, tháo gỡ căn bản những nút thắt để phát triển KH&CN phục vụ CNH, HĐH.
Có 3 nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa đột phá để phát triển KH&CN. Thứ nhất là đổi mới căn bản và toàn diện tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động KH&CN. Theo Chiến lược mới, ngân sách nhà nước tập trung đầu tư cho những nhiệm vụ quan trọng của quốc gia và phục vụ mục đích công ích. Nhà nước sẽ áp dụng biện pháp ưu đãi để huy động nguồn lực ngoài nhà nước, thực hiện xã hội hóa mạnh mẽ toàn bộ hoạt động KH&CN. Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được coi là trung tâm của đổi mới sáng tạo.
Thứ hai là nâng cao năng lực KH&CN quốc gia, bao gồm xây dựng hệ thống cơ sở KH&CN (các trung tâm nghiên cứu, trang thiết bị nghiên cứu, ứng dụng) và đào tạo nguồn nhân lực KH&CN.
Thứ ba là đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng; gắn nhiệm vụ nghiên cứu với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội cấp quốc gia, vùng và địa phương.
Thực tế hoạt động KH&CN cho thấy, có 3 yếu tố cơ bản liên quan chặt chẽ, tác động lẫn nhau để KH&CN phát triển nhanh và bền vững là hạ tầng KH&CN, nhân lực KH&CN và thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Nếu 1 trong 3 khâu này yếu thì không thể bảo đảm hiệu quả đầu tư phát triển KH&CN.
Phải tiếp tục đổi mới phương thức xây dựng, giao và thực hiện nhiệm vụ KH&CN các cấp, lấy hiệu quả đầu ra làm tiêu chí, yêu cầu hàng đầu.
Một nội dung cũng được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược là đào tạo, sử dụng và đãi ngộ nhân lực, đặc biệt là nhân tài KH&CN. Nhà khoa học là chủ thể, trung tâm của phát triển. Phải mạnh dạn áp dụng cơ chế, chính sách phù hợp để giải phóng và phát huy sức sáng tạo của nhà khoa học. Thực thi quyền sở hữu trí tuệ là một trong những biện pháp để bảo đảm lợi ích chính đáng của tác giả có phát minh, sáng chế. Bên cạnh lợi ích kinh tế, nhà khoa học phải được tôn vinh và bảo đảm đầy đủ quyền tự do sáng tạo phục vụ lợi ích của đất nước. Cần thực sự quan tâm đào tạo, hình thành các nhóm nhà khoa học trẻ xuất sắc. Bên cạnh chính sách ưu đãi, trọng dụng nhân tài, Chiến lược cũng đặt ra yêu cầu nâng cao trách nhiệm, tinh thần tận tụy phục vụ sự nghiệp chấn hưng nền khoa học nước nhà của các nhà khoa học.
PV: Trong Chiến lược có đề cập đến nội dung thực hiện nghiên cứu ứng dụng KH&CN theo đặt hàng của Chính phủ, các Bộ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và tổ chức khác. Xin ông cho biết rõ hơn về vấn đề này?
- Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải: Khái niệm đặt hàng hiện nay cũng khá mới Ở đây được hiểu là việc xác định nhiệm vụ, giao nhiệm vụ trên cơ sở cạnh tranh, dân chủ, công khai, minh bạch, lấy tiêu chí hiệu quả và tính ứng dụng làm đầu, gắn với những vấn đề thiết yếu của đất nước, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Nội dung này cũng như các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chiến lược sẽ được cụ thể hóa trong Luật KH&CN sửa đổi, bổ sung để trình Quốc hội vào cuối năm nay. .
PV: Như ông đã nói ở trên, đầu tư cho KH&CN là một trong những điểm nổi bật của Chiến lược. Ông có thể giải thích rõ hơn các tiêu chí chúng ta đưa ra mục tiêu phấn đấu tăng tổng đầu tư xã hội cho KH&CN đạt 1,5% GDP vào năm 2015 và trên 2% vào năm 2020, mức đầu tư ngân sách Nhà nước cho KH&CN không dưới 2%. Ông có nhận xét thế nào ?
- Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải: Nhiều nhà khoa học, nhà doanh nghiệp cho rằng con số 1,5% GDP đầu tư cho KH&CN vào năm 2015 và hơn 2% vào năm 2020 là rất thấp cả về giá trị tuyệt đối cũng như tỷ lệ phần trăm. Nền kinh tế nước ta còn nhỏ, muốn phát triển vượt bậc thì phải đầi tư mạnh hơn nữa.
Ý kiến đó là có cơ sở. Tuy nhiên, đất nước ta còn nhiều lĩnh vực đang cần đầu tư, như xóa đói giảm nghèo, các đối tượng chính sách xã hội khác. Đến nay, các cấp, các ngành và người dân đã nhận thức được rằng chỉ có đầu tư phát triển KH&CN mới đưa đất nước bứt phá về lực lượng sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chấn hưng đất nước bằng KH&CN là mong muốn, nguyện vọng của toàn dân, nhất là thế hệ thanh niên.
Trong bối cảnh đầu tư từ ngân sách nhà nước còn thấp, Chiến lược đã đặt ra nhiệm vụ tăng cường xã hội hóa đầu tư cho KH&CN, tăng cường nguồn lực ngoài nhà nước. Trong đó có chủ trương thí điểm xây dựng một số trung tâm nghiên cứu của nước ngoài tại Việt Nam, nhất là tại các khu công nghệ cao.
PV: Theo Thứ trưởng, làm thế nào để xã hội hóa đầu tư cho KH&CN?
- Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải: Đầu tư vào lĩnh vực KH&CN là đầu tư có độ mạo hiểm, rủi ro cao, chưa đem lại hiệu quả kinh tế ngay. Do vậy, chính sách khuyến khích phải thực sự mạnh mẽ và hấp dẫn. Luật Công nghệ cao, Luật đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, các chính sách về thuế đã quy định nhiều chính sách ưu đãi đối với tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển KH&CN. Tuy nhiên, việc thực thi còn rất hạn chế, gặp nhiều cản trở do thiếu hướng dẫn, thủ tục hành chính và năng lực quản lý còn bất cập. Trong quá trình soạn thảo và tới đây triển khai thực hiện Chiến lược, tình trạng này đã được nhận rõ và sẽ có biện pháp khắc phục kiên quyết, kịp thời.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Nguyễn Hạnh – Phương Nga thực hiện.