Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 03:58 pm
Cập nhật : 25/05/2012 , 16:05(GMT +7)
Thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Trần Văn Tùng: Làm khoa học, không thể cứ khoán là xong
Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông là một trong những doanh nghiệp phát triển tốt công tá
Chuẩn bị cho Đề án "Phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế" dự kiến trình Hội nghị BCH Trung ương Đảng vào kỳ họp tháng 10-2012, Bộ KHCN, Ban Tuyên giáo Trung ương đã khảo sát tại một số trường ĐH, doanh nghiệp, viện nghiên cứu. Trao đổi với báo chí về đợt khảo sát này, Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng cho biết:

- Chúng tôi rất ấn tượng khi làm việc với Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) và Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông vì đây đều là những doanh nghiệp phát triển nhờ dựa vào KHCN. Hiện nay mỗi năm Viettel dành khoảng 1.000 tỷ đồng (tương đương 1% doanh thu) cho hoạt động KHCN và vận dụng cơ chế tài chính rất linh hoạt. Nhà khoa học ở Viettel không phải "động tay" đến thanh quyết toán tài chính mà cần tiền thì bộ phận kế hoạch tài chính phải cấp tiền; nếu không cấp thì có thể báo cáo trực tiếp với lãnh đạo tập đoàn. Qua đó có thể thấy cơ chế tài chính cho KHCN là điểm đang vướng mắc nhưng nếu có cách tổ chức khoa học thì vẫn xử lý tốt được công việc. Trong khi đó, Công ty Rạng Đông lại phát triển vững chắc trong giai đoạn suy thoái kinh tế hiện nay nhờ dựa vào KHCN. Cụ thể, việc sản xuất bóng đèn compact chiếu sáng trong nông nghiệp, thu hồi thủy tinh phế liệu... đã làm lợi cho đơn vị hàng chục tỷ đồng. Rạng Đông đã thành lập riêng Trung tâm Nghiên cứu, phát triển để phát triển sản phẩm mới...

Với những mô hình trên, có thể thấy KHCN đã thực sự đi vào đời sống và làm sao nhân rộng những mô hình này lên đang là bài toán đặt ra hiện nay.
 

- Chúng ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết về phát triển KHCN nhưng nhìn chung hoạt động này đến nay vẫn chưa thực sự là "quốc sách hàng đầu". Theo ông, đâu là những bất cập trong hoạt động KHCN hiện nay?

- Hiện nay đầu tư cho cả ngành KHCN của Nhà nước chỉ chiếm 2% tổng chi ngân sách, tương đương 0,5% GDP nên trị số tuyệt đối là rất nhỏ. Trong khi đó, Hàn Quốc chi 3-4% GDP mà GDP của họ hơn nước ta hàng trăm lần. Nguồn vốn từ xã hội của ta cũng rất thấp, chỉ đạt khoảng 1/3 trong khi ở các nước phát triển phải là 2/3 tổng đầu tư cho KHCN. Bên cạnh đó, khoảng 40% kinh phí đầu tư phát triển không do Bộ KHCN quản lý nên các ngành, địa phương lại giải ngân sai mục đích. Tiếp đến là tiền đầu tư cho nghiên cứu không nhiều nhưng rất dàn trải, nặng về bao cấp, chưa tập trung nguồn kinh phí cho phát triển từng nhiệm vụ, từng sản phẩm cụ thể của quốc gia để có được mặt hàng cụ thể các nhà khoa học kêu rất nhiều về cơ chế tài chính. Đề tài cấp Nhà nước trên một tỷ phải làm hàng trăm chuyên đề mà nhiều chuyên đề trong đó không có giá trị, chứng từ, vô cùng phức tạp để thanh toán với tài chính. Do đó, tình trạng nói dối trong khoa học là có thật.

 

- Thưa ông, tại sao ta không áp dụng cơ chế khoán, định mức kỹ thuật cụ thể cho từng nhiệm vụ nghiên cứu?

 

- Thực tế là không phải cái gì cũng khoán được. Hiện chỉ có Bộ NN&PTNT đang thí điểm áp dụng cơ chế khoán trong nghiên cứu vì đặc thù ngành này là có thể cho ra những sản phẩm hữu hình. Lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn; khoa học ứng dụng lại không như vậy. Sau khi thí điểm trong ngành nông nghiệp, Chính phủ sẽ xem xét lại hiệu quả của phương thức khoán này để ban hành chính sách.

- Chúng ta cứ nói thiếu vốn cho nghiên cứu khoa học trong khi nhiều nước đã trích 1% từ tổng giá trị xuất khẩu nông sản để đầu tư cho công tác nghiên cứu của ngành này. Quan điểm của Bộ KHCN về vấn đề này như thế nào?

- Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề tốt, cần khuyến khích thực hiện. Hiện nay, Chính phủ mới cho phép doanh nghiệp trích 10% lợi nhuận trước thuế để lập Quỹ phát triển KHCN tại doanh nghiệp với mong muốn họ có ý thức trách nhiệm, quan tâm hơn đến hoạt động KHCN. Đáng tiếc, vì nhiều lý do, vấn đề này chưa được doanh nghiệp quan tâm nhiều.

- Trong chuyến khảo sát vừa qua, Bộ KHCN có đặt vấn đề về việc chảy máu chất xám tại các cơ quan nghiên cứu không và chúng ta có một thống kê định lượng nào về thực trạng này không?

- Về chảy máu chất xám chúng ta nghe nói nhiều và không chỉ Việt Nam mới gặp. Hiện quan điểm của một số nước về vấn đề này đã có sự thay đổi mà Trung Quốc là điển hình. Họ không nói là chảy máu chất xám nữa. Điều quan trọng là làm thế nào cho người Việt Nam ở bất kỳ đâu đều suy nghĩ và có trách nhiệm với đất nước. Đừng nghĩ rằng họ ra ngoài là ta mất người tài và không có ích cho đất nước. Có khi họ ở nước ngoài, có quan hệ với đồng nghiệp, với thầy giáo, môi trường đang làm, họ còn giúp ích cho đất nước nhiều hơn. Ví dụ, GS Ngô Bảo Châu vẫn làm ở môi trường nước ngoài và có một số chỉ đạo điều hành cho Viện Nghiên cứu cao cấp về toán ở Việt Nam. Như vậy, GS có cơ hội để tập hợp thông tin, cán bộ khoa học ở nước ngoài cùng làm việc với Việt Nam. Đất nước đang trong thời kỳ hội nhập, thông tin được chia sẻ, điều đó giúp cho quá trình phát triển đất nước tốt hơn nhiều.

- Trong dự thảo đề án trình BCH Trung ương, Bộ KHCN sẽ tập trung giải quyết vấn đề gì?

- Bộ xác định việc tổ chức thực hiện nghị quyết này và những chính sách đã có thật tốt là quan trọng nhất, trong đó nhấn mạnh đến việc đổi mới toàn diện cơ chế tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế quản lý KHCN. Cơ chế tài chính, chính sách cán bộ sẽ là những "nút thắt" cần được giải quyết ngay.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn tin: Hà Nội mới

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner