Ngày 21/9, tại Nhà máy đóng tàu Cam Ranh (Khánh Hòa), chiếc tàu lặn có tên gọi Hòa Bình – tàu lặn loại nhỏ lần đầu tiên nghiên cứu, chế tạo tại Việt Nam đã được đưa vào thử nghiệm thành công.
Tàu lặn Hòa Bình là kết quả của dự án sản xuất thử nghiệm độc lập cấp Nhà nước “Hoàn thiện thiết kế công nghệ và chế tạo tàu lặn cỡ nhỏ” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) giao Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Vinashin triển khai từ năm 2010 với tổng kinh phí theo báo cáo khoảng 25,576 tỷ đồng trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 2,368 tỷ đồng. Đây là Dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước có hàm lượng khoa học cao và khả năng mở ra một triển vọng mới về việc đóng các loại tàu lặn phục vụ nghiên cứu nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã trực tiếp tham gia buổi thử nghiệm này.
Chiếc tàu Hòa Bình có chiều dài 6,63 m, chiều cao 2,74m, tốc độ di chuyển 4,5 hải lý/giờ; thời gian lặn 24h; độ sâu lặn 50m; số lượng thuyền viên 04 người. Toàn bộ thiết kế của tàu lặn đã được đăng kiểm GL của CHLB Đức phê duyệt.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân trực tiếp tham gia buổi thử nghiệm. Ảnh: NH
Tàu lặn cỡ nhỏ này có thể liên lạc với bờ hoặc các tàu khác 1km bằng hệ thống thông tin vô tuyến. Tàu lặn nổi nhờ 04 phao lặn bố trí đối xứng hai bên thân vỏ tàu chịu áp lực. Cơ chế làm việc của tàu nhờ sự cân bằng của khí nén trong phao và áp lực nước bên ngoài phao để điều chỉnh lực nổi. Khi lặn quá trình ngược lại. Vì vậy, vật liệu làm phao và chi tiết gắn kết với thân vỏ là thép inox đảm bảo vững chắc và không bị ăn mòn. Hệ thống tín hiệu trên tàu nhằm thông báo cho người điều khiển tàu các thông số liên quan đến độ an toàn của tàu và người trên tàu để thao tác xử lý.
Đoàn kiểm tra đã thử nghiệm tàu lặn ở chế độ đứng tại chỗ, lặn xuống, nổi lên và thử quay vòng, tại khu vực có độ sâu 15m ở vịnh Cam Ranh, gió nhẹ, sóng khoảng cấp 4.
Sau khi kiểm tra thử nghiệm, tàu lặn cỡ nhỏ Hòa Bình sẽ được kiểm tra đăng kiểm đường dài. Đây là bước kiểm tra cuối cùng để đăng kiểm cấp chứng chỉ an toàn kỹ thuật cho tàu hoạt động.
Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển công nghệ cao Vinashin đã làm chủ quy trình thiết kế tầu lặn đạt tiêu chuẩn quốc tế được cơ quan đăng kiểm nước ngoài công nhận ổn định phù hợp với điều kiện Việt Nam và quốc tế; làm chủ các quy trình chế tạo, lắp ráp phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Tàu lặn Hòa Bình được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo tại Việt Nam. Ảnh: NH
Sản phẩm của Dự án được sản xuất trong nước, sử dụng nguồn lực lao động tại chỗ vừa có kiến thức vừa có kinh nghiệm thực tiễn, khai thác và sử dụng mặt bằng nhà xưởng sẵn có của các đơn vị trong nước nên tính khả thi cao, tạo lợi thế cạnh tranh hơn hẳn về giá thành và các dịch vụ kỹ thuật kèm theo. Theo các chuyên gia, đây là Dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước có hàm lượng khoa học cao và khả năng mở ra một triển vọng mới về việc đóng các loại tàu lặn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Dự án là sự phối, kết hợp các tổ chức nghiên cứu – đào tạo – doanh nghiệp và các chuyên gia hàng đầu thế giới và trong nước. Đây sẽ là tiền đề để nhân rộng và phát triển các kết quả đạt được vào các sản phẩm thương mại trong tương lai.
Hạnh Nguyên