Mới đây, tại Quảng Ninh, Ban Quản lý dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội thảo quốc tế Xây dựng mạng chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài.
Xung quanh các vấn đề được trao đổi tại Hội thảo, Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Trần Quốc Thắng – Giám đốc Ban quản lý dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu và phát triển (gọi tắt là dự án Frist)
Xin ông cho biết mục đích và ý nghĩa của việc xây dựng mạng lưới chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài?
PGS.TS Trần Quốc Thắng: Trong những năm qua, Đảng và nhà nước ta đã xác định những người con của Việt Nam sinh sống tại nước ngoài, công tác tại nước ngoài, là một bộ phận gắn liền với đất nước Việt Nam. Các nhà khoa học của Việt Nam ở nước ngoài là rất lớn, đây chính là 1 nguồn lực dồi dào và hiệu quả nếu chúng ta huy động được các nhà khoa học, các nhà công nghệ hiện đang sinh sống tại nước ngoài về tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo đối với đất nước chúng ta. Vì lẽ đó, mà dự án Frist xây dựng 1 cấu phần xây dựng mạng lưới cộng đồng các nhà khoa học của Việt Nam ở nước ngoài với mục đích là làm sao gắn kết hoạt động đổi mới sáng tạo ở trong nước với các hoạt động chuyên môn của các nhà khoa học, các nhà công nghệ của Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện gắn kết đó để cùng nhau hỗ trợ đẩy mạnh công cuộc đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Nếu chúng ta làm tốt điều này, chúng ta sẽ thu hút được nguồn lực chất xám rất lớn của chúng ta đang làm việc học tập ở nước ngoài.
Hiện nay việc triển khai xây dựng mạng lưới trí thức này được tiến hành ra sao, thưa ông?
PGS.TS Trần Quốc Thắng: Hiện nay, cộng đồng các nhà khoa học, các nhà công nghệ, các nhà doanh nghiệp của Việt Nam ở nước ngoài đã xây dựng các mạng lưới khác nhau theo chuyên môn, lĩnh vực công tác, nghề nghiệp. Nhưng chúng tôi mong muốn xây dựng một khối liên kết có tính chất tập thể để hỗ trợ đối với từng lĩnh vực hoạt động KH&CN, các lĩnh vực nghiên cứu triển khai cũng như hoạt động đổi mới sáng tạo gắn với hoạt động của các doanh nghiệp, các trường đại học, các viện nghiên cứu của các nước.
Thưa ông, dự kiến trong giai đoạn tới dự án FRIST sẽ triển khai việc xây dựng mạng lưới chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài như thế nào?
PGS.TS Trần Quốc Thắng: Đây là hội thảo đầu tiên, chúng tôi muốn xin ý kiến của các nhà khoa học, các nhà khoa học của Việt Nam ở nước ngoài, các nhà quản lý, cũng như bạn bè quốc tế có kinh nghiệm xây dựng mạng lưới chuyên gia ở nước ngoài để chúng ta học tập kinh nghiệm, tiếp cận xây dựng mạng lưới như thế nào, mạng lưới sẽ hoạt động ra sao? Và đầu tư cho mạng lưới sẽ như thế nào, cách quản lý, thu hút mọi người tham gia như thế nào? Đây là hội thảo có bước khởi đầu để lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu. Hội thảo kỳ vọng sẽ đưa ra được những ý tưởng đầu tiên trong việc kết nối nguồn tri thức người Việt ở nước ngoài với cộng đồng và thực tế cuộc sống trong nước. Những ý kiến chia sẻ, đóng góp cùng các trao đổi thảo luận tại hội thảo sẽ là những căn cứ để các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút trí thức kiều bào, chuyên gia người Việt giỏi về nước làm việc. Qua hội nghị ngày hôm nay chúng tôi sẽ thiết kế mô hình hoạt động của mạng lưới chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài.
Mạng lưới chuyên gia người Việt Nam trong thời gian qua đã có những đóng góp như thế nào cho sự phát triển của KH&CN Việt Nam?
PGS.TS Trần Quốc Thắng: Trong hội thảo ngày hôm nay, có 1 số ví dụ rất điển hình thể hiện rõ những đóng góp của trí thức Việt Kiều tiêu biểu như một số chuyên gia các nhà toán học, vật lý, giáo dục học người ta cũng tự xây dựng mạng lưới với mục đích cùng nhau góp tiếng nói, vừa là tham mưu cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển của các ngành khác nhau như giáo dục, đào tạo, KH&CN, đồng thời có các mạng lưới để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, xây dựng các ý tưởng để hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp cũng như hỗ trợ cho các viện, trường đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao KH&CN.
Có ý kiến cho rằng để xây dựng mạng lưới chuyên gia ở nước ngoài, chính sách cần đi trước một bước, vậy theo ông cần những chính sách như thế nào để xây dựng được mạng lưới chuyên gia này?
PGS.TS Trần Quốc Thắng: Cần phải xây dựng được môi trường thể chế tạo ra sự gắn kết kết giữa các nhà khoa học trong nước với các doanh nghiệp với các chuyên gia của Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, xây dựng những cơ chế chính sách về mặt cơ sở vật chất về lương, nhà ở,.. có tính chất đồng bộ để thu hút các nhà khoa học ở nước ngoài quay trở về hỗ trợ cho công cuộc đổi mới của Việt Nam. Cơ chế chính sách rất quan trọng, nhưng cần phải đồng bộ để thu hút được các nhà khoa học giỏi của Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời chúng ta sử dụng có hiệu quả nguồn chất xám của họ để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Thông qua dự án FIRST có vốn ODA lớn nhất trong lĩnh vực KH&CN, Bộ KH&CN chính thức kêu gọi các chuyên gia nước ngoài, các nhà khoa học Việt kiều về nước tham gia hoạt động KH&CN. Nhờ nguồn vốn ODA này, dự án FIRST có thể tài trợ cho một số nhà khoa học về quê hương làm việc. Với “khoảng 6 triệu USD (hơn 120 tỷ đồng) trong số 110 triệu USD tổng kinh phí của dự án sẽ dùng để xây dựng chính sách thu hút các chuyên gia Việt kiều về nước và thực hiện thí điểm chính sách này. Nếu dự án thành công thì đây sẽ là một bước ngoặt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động KHCN của Việt Nam”.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Bài,ảnh: Ánh Tuyết