Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Tiềm lực KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 08:41 pm
Cập nhật : 05/09/2013 , 14:09(GMT +7)
Thời kỳ của hội nhập khoa học và phát triển
Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành
Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9” là một sự kiện khoa học đáng nhớ và ấn tượng với giới khoa học Việt Nam trong nước và thế giới. Để thấy được bức tranh toàn cảnh về sự kiện, những quan điểm, ‎ý kiến về vấn đề đầu tư cho khoa học cơ bản…. hay cơ hội mở ra cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam qua sự kiện này là gì? Câu chuyện khoa học của Ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam diễn ra mới đây trên VTV2 đã mời TS. Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cùng trao đổi về vấn đề này. Phóng viên xin lược ghi lại cuộc trao đổi.

- Thưa Thứ trưởng Trần Việt Thanh như vậy là sự kiện “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9” đã diễn ra thành công tại Quy Nhơn, Bình Định. Trong thời gian ngắn nhưng đã diễn ra rất nhiều sự kiện, Chương trình và  hàng loạt các hoạt động quan trọng. Trong đó có 4 hội nghị khoa học quốc tế là: Vũ trụ trong kỷ nguyên Planck; Thuyết tương đối rộng và lực hấp dẫn; Vật lý Nano từ cơ bản đến ứng dụng, Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ… Ông đánh giá như thế nào về  sự kiện này?

- Thứ trưởng Trần Việt Thanh: “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9” là một sự kiện KH&CN lớn, quy tụ hơn 200 nhà khoa học đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt trong số đó có 5 nhà khoa học từng đạt giải Nobel về Vật lý. Họ quy tụ về đây để gặp gỡ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và các dự án nghiên cứu mới nhất của mình cùng giới khoa học Việt Nam và quốc tế... Đây là một sự kiện lớn không chỉ đối với Việt Nam mà còn là sự kiện khoa học lớn trên thế giới dù nó diễn ra ở bất cứ nước nào. “Gặp gỡ Việt Nam” không chỉ là nơi để các nhà khoa học công bố các kết quả nghiên cứu mới nhất về Vật lý học mà còn là không gian được GS. Trần Thanh Vân tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất để các nhà khoa học vật lý lý thuyết, ứng dụng gặp gỡ trao đổi ý tưởng mới nhất của mình. Bộ KH&CN đánh giá cao và tạo những điều kiện thuận lợi nhất để những hội thảo quốc tế lớn như “Gặp gỡ Việt Nam” diễn ra. 

- Trong một loạt các sự kiện thì hội nghị “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” một lần nữa lại xới lên vấn đề gây tranh cãi của nhiều nhà khoa học trên thế giới về vấn đề đầu tư nghiên cứu cho khoa học cơ bản. Có người cho rằng với Việt Nam chúng ta còn là một nước nghèo chúng ta nên tập trung vào giải quyết những vấn đề đặt ra của cuộc sống, còn những nghiên cứu gián tiếp về vật lý hạt, toán học, vũ trụ, vật lý nhiệt độ thấp và nhiều lĩnh vực khoa học cơ bản khác là xa xỉ, tốn tiền…. Ông nhận định như thế nào về ý kiến này?

-Thứ trưởng Trần Việt Thanh: Mặc dù nhiều người quan niệm nghiên cứu cơ bản là sân chơi của những nước giàu, các nước có tiềm lực KH&CN mạnh, song trên thực tế việc tham gia nghiên cứu cơ bản không phải của riêng ai, không phải độc quyền riêng của một quốc gia nào. Mỗi lĩnh vực nghiên cứu khoa học đều có vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội. Các lĩnh vực nghiên cứu dù là nghiên cứu cơ bản hay nghiên cứu ứng dụng và triển khai đều có sự quan hệ và gắn kết với nhau ngày một chặt chẽ. Mức độ quan tâm đầu tư cho nghiên cứu cơ bản của mỗi một quốc gia phụ thuộc vào chiến lược phát triển KH&CN cũng như nhu cầu thực tế của nền kinh tế quốc dân trong từng giai đoạn lịch sử.

Việt Nam là một nước còn nghèo tuy nhiên chúng ta luôn có chính sách quan tâm đến nghiên cứu cơ bản, lựa chọn có trọng điểm và ưu tiên một số lĩnh vực khoa học cơ bản mà Việt Nam có lợi thế để đẩy mạnh ứng dụng nghiên cứu cơ bản phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Ngay từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và hiện nay Việt Nam đang triển khai Chương trình trọng điểm quốc gia Phát triển Toán học giai đoạn 2010 – 2020 với mục tiêu phát triển nền Toán học Việt Nam mạnh mẽ về mọi mặt, phấn đấu đến năm 2020 Toán học nước ta được xếp vào hàng các nước tiên tiến trên thế giới. Một trong những nội dung quan trọng của chương trình là chúng ta đã xây dựng Viện nghiên cứu cao cấp về Toán do GS. Ngô Bảo Châu làm Chủ tịch Viện. Hiện nay, Chính phủ đang giao cho Bộ KH&CN xây dựng một chương trình phát triển Vật lý đến năm 2020 cũng với mục tiêu đưa Vật lý nước ta lên hàng những nước tiên tiến trên thế giới.

Các nhà khoa học Việt Nam có điều kiện tham dự hội thảo với quy mô quốc tế (Trong ảnh: Hội nghị khoa học quốc tế “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ”).

- Như vậy, tại “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9” có nhiều sự kiện được diễn ra, nhiều hoạt động KH&CN được tổ chức, hội thảo quốc tế, các công trình của các nhà khoa học quốc tế được công bố và giao lưu tại đây. Vậy theo như Thứ trưởng nhận định, “Gặp gỡ Việt Nam” tạo ra cơ hội gì cho nhà khoa học trẻ Việt Nam?

- Thứ trưởng Trần Việt Thanh: Tại “Gặp gỡ Việt Nam lầm thứ 9”, chúng ta có điều kiện mời các nhà khoa học trẻ của Việt Nam đến tham dự, họ là những người đang làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu. Trong suốt ba tuần diễn ra sự kiện này, chúng ta đã mở rất nhiều lớp để các GS hàng đầu trên thế giới có những bài giảng, thuyết trình về kết quả nghiên cứu mới nhất. Đây là cơ hội quý báu đối với các nhà khoa học trẻ Việt Nam. Tại đây, họ được gặp gỡ, trao đổi với các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực của mình

- Nhiều nhà khoa học cho rằng sự ra đời của Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành chính là đầu mối kết nối giữa nền khoa học Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung với những trung tâm trí thức lớn trên thế giới? Thứ trưởng đánh giá như thế nào về ‎ ý  nghĩa của việc thành lập trung tâm này?

- Thứ trưởng Trần Việt Thanh: Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành được xây dựng với mục đích kết nối các nhà khoa học trên thế giới với các nhà khoa học Việt Nam. Tại đây, sẽ tổ chức các hội thảo khoa học, các lớp đào tạo chuyên đề cho các nhà khoa học trẻ của Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng với uy tín của GS. Trần Thanh Vân, Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành sẽ là điểm đến quen thuộc của các nhà khoa học trên thế giới. Trung tâm đi vào hoạt động sẽ góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Đặc biệt sẽ tạo điều kiện cho các nhà khoa học Việt Nam tham dự các hội thảo quốc tế với sự tham gia của các nhà khoa học trên thế giới.

- Bộ KH&CN đã hỗ trợ và đồng tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế nhất là trong năm vừa qua có một số hội thảo lớn như hội thảo về vật lý nano, vật liệu mới quy tụ hơn 500 nhà khoa học uy tín trong nước và quốc tế, chuỗi sự kiện khoa học cho sự kiện Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9, hội thảo khoa học về công nghệ sinh học sinh sản trong nông nghiệp, y tế quy tụ hơn 200 nhà khoa học của Việt Nam và Châu Á. Vậy đây có phải là chủ trương định hướng của Bộ KH&CN trong các hoạt động KH&CN nước nhà không?

- Thứ trưởng Trần Việt Thanh: Chính phủ đã phê duyệt đề án Hội nhập quốc tế về KH&CN, Bộ KH&CN đang tích cực triển khai những định hướng và chủ trương của Chính phủ. Việc tổ chức các hội thảo khoa học với sự tham dự của các nhà khoa học trên thế giới là hướng, chủ trương của Bộ KH&CN. Khi tổ chức hội thảo với quy mô như vậy tại Việt Nam, các nhà khoa học thế giới đến với Việt Nam biết được Việt Nam đang xây dựng và phát triển, đặc biệt là Chính phủ rất quan tâm đến phát triển KH&CN. Thông qua những hội thảo như vậy, các nhà khoa học Việt Nam có điều kiện tham dự các hội thảo với quy mô quốc tế, các nhà khoa học Việt Nam được trình bày những báo cáo khoa học của mình, được gặp gỡ trao đổi với các nhà khoa học trên thế giới.

50 năm một tâm huyết, sự kiên trì của Giáo sư Trần Thanh Vân, với sự hỗ trợ tối đa, nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh Bình Định, Bộ Khoa học và Công nghệ, Chính Phủ Việt Nam, các nhà khoa học trong nước và thế giới đã tạo nên thành công của “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9”.  Đặc biệt sự ra đời của một trung tâm nghiên cứu khoa học vào tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam là một bước ngoặt lớn, hứa hẹn sẽ mang lại cho khoa học Việt Nam một thời kỳ mới, thời kỳ của hội nhập khoa học và phát triển. Tuy nhiên cũng phải nói thêm rằng, cơ hội đã tạo ra, chúng ta phải cần nhiều hơn, nhiều hơn nữa sự hỗ trợ, sự giúp đỡ, và tạo điều kiện  cho các nhà khoa học trẻ để họ có thể tiến lên.

Mai Chi (lược ghi)

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner