Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hội nhập Quốc tế Thứ bảy, 23/11/2024 , 03:58 am
Cập nhật : 29/07/2014 , 07:07(GMT +7)
Thay đổi lớn về chế độ ưu đãi đối với nhà khoa học
Mô hình Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Trong buổi tọa đàm về dự án thành lập Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) diễn ra tuần qua, lộ trình xây dựng V-KIST đã được đề cập cụ thể về các hướng nghiên cứu cũng như chính sách đặc thù cần thiết để hướng tới mục tiêu đưa V-KIST trở thành viện KH&CN hàng đầu khu vực ASEAN trong giai đoạn 2025 - 2030.

Hướng ưu tiên đã rõ

Từ cuối năm 2012, kế hoạch xây dựng V-KIST đã từng bước được Bộ KH&CN Việt Nam và Viện KH&CN Hàn Quốc (KIST) trao đổi, xây dựng. Theo đó, mục tiêu của V-KIST là phát triển công nghệ ứng dụng phục vụ các ngành công nghiệp, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm tiến tới làm chủ những công nghệ quan trọng.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh khẳng định: "Chúng tôi xác định xây dựng V-KIST trở thành viện nghiên cứu ứng dụng đa ngành, định hướng công nghệ công nghiệp, hoạt động theo cơ chế đặt hàng nhằm tạo lập nền tảng công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Việt Nam". Theo đó, từ nay đến thập niên thứ ba của thế kỷ này, V-KIST tập trung vào hai hướng công nghệ ưu tiên, gồm công nghệ cơ điện tử và công nghệ tích hợp dựa trên công nghệ sinh học; từ năm 2030, tiếp tục các hướng ưu tiên của giai đoạn trước; đồng thời triển khai một số hướng như nghiên cứu và phát triển công nghệ vật liệu tiên tiến, công nghệ năng lượng - môi trường, công nghệ tin - sinh (tích hợp công nghệ thông tin và công nghệ sinh học), công nghệ y - dược… Bên cạnh đó, V-KIST sẽ bám sát 7 lĩnh vực: Công nghệ cao, công nghiệp cơ khí, công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp dược, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sinh học và công nghiệp môi trường.

Từ kinh nghiệm của Viện KIST, nguyên Chủ tịch Viện KH&CN Hàn Quốc (KIST), ông Kil-Choo Moon đưa ra gợi ý, đó là ứng dụng công nghệ thông tin (IT convergence), công nghệ hội tụ (BT convergence) để phát triển các công nghệ mang tính tích hợp. Đây là những lĩnh vực không chỉ có Hàn Quốc mà nhiều nước trên thế giới đã tận dụng để phát triển thêm các công nghệ hàng đầu khác.

Đặc biệt, công nghệ tích hợp BT convergence được coi là lựa chọn của tương lai, để phát triển rất nhiều ngành và lĩnh vực mới. Ngoài ra, do đặc điểm then chốt của quá trình nghiên cứu là một hoạt động dài hơi nên việc phát triển khoa học cơ bản là hết sức cần thiết. "Chúng tôi tin rằng, việc tiếp tục phát triển và phát huy công nghệ liên quan các lĩnh vực cơ bản sẽ là tiền đề, là bàn đạp để hướng tới phát triển các công nghệ tương lai" - ông Kil-Choo Moon khẳng định.

Sẽ có cơ chế, chính sách đặc thù

V-KIST sẽ bắt đầu vận hành vào tháng 7-2017, theo ông Kil-Choo Moon, giai đoạn đầu nên mời gọi tất cả các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới về làm việc; kèm theo đó, phải có một cuộc cách mạng trong chế độ ưu đãi đối với các nhà khoa học. Tại Hàn Quốc, để thu hút nhân tài trên thế giới về làm việc tại KIST, Chính phủ đã đưa ra 3 chính sách ưu đãi hấp dẫn gồm: Hệ thống nhà ở cho các nhà khoa học yên tâm cống hiến, cũng như tạo điều kiện cho gia đình họ; ưu đãi liên quan bảo đảm ổn định nghề nghiệp; tạo ra môi trường làm việc hướng tới tương lai, tạo điều kiện làm việc đủ sức đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, hoạt động của các chuyên gia. Theo ông Kil-Choo Moon, so với thời kỳ đầu của Viện KIST - cách đây 50 năm, khi Hàn Quốc mời được 18 nhà khoa học ở nước ngoài về nghiên cứu thì Việt Nam hiện có số lượng nhà khoa học đang làm việc ở nước ngoài lớn hơn rất nhiều.

Theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, hiện nay, đề án thành lập Viện V-KIST đang được trình Chính phủ phê duyệt. Đề án cũng được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội, hướng tới việc phê duyệt cơ chế ưu đãi về cơ sở nghiên cứu KH&CN đặc biệt. Sẽ có sự bàn thảo về một số cơ chế đặc biệt, trong đó có những điểm quan trọng như quyền tự chủ của viện về tài chính cũng như về tài sản, quyền tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân lực; bên cạnh đó là những cơ chế, chính sách mang tính đặc thù về thuế, chế độ thanh tra, kiểm toán.

Nếu nghị quyết mới được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ tám - Quốc hội khóa XIII tới đây, mô hình viện nghiên cứu theo chế độ đặc biệt sẽ ra đời. Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, nếu đạt được điều đó, cơ sở nghiên cứu đặc biệt mới có thể thoát khỏi khuôn khổ một tổ chức KH&CN thông thường. Với cơ chế thuận lợi, thông thoáng cùng với sự ủng hộ của chính phủ hai nước, V-KIST có thể đạt được mục tiêu nghiên cứu KH&CN phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các đề tài nghiên cứu mũi nhọn của Việt Nam.

Mai Hà (Theo Hà Nội Mới)


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner