Với chủ đề "Vốn và công nghệ trong liên kết 6 Nhà", Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ V nhằm giúp nông dân hiểu rõ hơn tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông sản cũng như làm thế nào để tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng, để sử dụng đồng vốn một cách thông minh, hiệu quả nhất.
Sản xuất theo chuỗi ứng dụng tối đa KH&CN
Báo cáo tại Diễn đàn cho biết, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp nước ta mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức song đã đạt được kết quả đáng khích lệ, đóng góp không nhỏ vào tổng kim ngạch xuất khẩu và kết quả tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm nay dù đại dịch Covid-19 hoành hành nhưng tổng giá trị xuất khẩu nông sản ước đạt 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Giá trị xuất siêu đạt khoảng 7,2 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Có được kết quả này, ngoài những nỗ lực đổi mới của các doanh nghiệp, nông dân trong sản xuất và kinh doanh, trong những năm qua Chính phủ đã tích cực tham gia ký kết các hiệp định thương mại như WTO, CPTPP, EVFTA... nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu nông sản.
Tuy vậy, thương hiệu của nông sản Việt vẫn chưa thực sự tạo được sự chú ý trên thị trường thế giới, mấu chốt chính là mối quan hệ trong 6 "Nhà" (Nhà nông- Nhà nước- Nhà đầu tư- Nhà băng- Nhà khoa học- Nhà phân phối) vẫn còn một vài vướng mắc cần giải quyết, đặc biệt là câu chuyện về sử dụng vốn sao cho hiệu quả hay ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh nông sản như thế nào để đạt được hiệu quả tốt.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, đồng chí Thào Xuân Sùng – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Trong bối cảnh khó khăn của năm 2020 bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, nông dân, doanh nghiệp, HTX đã nỗ lực vượt khó vươn lên, cùng cả nước thực hiện có hiệu quả nhiều mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, văn hoá-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Nhờ tinh thần và sức mạnh ấy, nông nghiệp, nông thôn nước ta trong năm 2020 lại chứng tỏ là nền tảng của nền kinh tế quốc dân, có đóng góp góp to lớn vào sự ổn định, hội nhập và phát triển.
Đồng chí Thào Xuân Sùng – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn
Tuy nhiên, trước cơ hội hội nhập sâu rộng theo hiệp định thương mại tự do EVFTA, thay đổi công nghệ, thay đổi cách quản trị hay thay đổi về thể chế, pháp luật thì chúng ta cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trong điều kiện xuất phát điểm thấp và thiếu kết nối theo chuỗi giá trị.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, những năm qua, ứng dụng KH&CN mang lại những thay đổi mang tính cách mạng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đưa nông sản Việt chinh phục được nhiều thị trường khó tính. Trong đó, sản xuất theo chuỗi liên kết đang là một đòi hỏi tất yếu. Một mình nông dân không thể ứng dụng KH&CN chỉ trên mảnh ruộng bé nhỏ của gia đình, doanh nghiệp cũng không thể có vùng nguyên liệu đủ lớn để áp dụng KH&CN vào sản xuất nếu nông dân không đồng thuận.
Chỉ có doanh nghiệp lớn, đưa hàm lượng KH&CN cao vào sản xuất thì mới tạo ra động lực đổi mới cho sản xuất nông nghiệp. Đây chính là hạt nhân liên kết thành chuỗi giá trị. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Xung quanh vấn đề này, ông Chu Thúc Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN cho biết, một trong những vấn đề mang tính chất quyết định đến sự phát triển bền vững của sản phẩm đó là “chất lượng sản phẩm”. Yếu tố này không chỉ thể hiện ở bản thân chất lượng của hàng hóa được kết tinh ở khâu sản xuất nguyên liệu, công nghệ chế biến, chế tạo được giám định kỹ lưỡng về tiêu chuẩn, mà còn đi kèm với kiểu dáng, mẫu mã, bao bì, đóng gói sao cho hấp dẫn và thuận tiện nhất khi đưa ra thị trường.
Điều đó rất cần tác động của KH&CN. Yếu tố KH&CN đóng vai trò đặc biệt quan trọng đến tất cả các khâu trong từng sản phẩm và cần phải được đi trước một bước. Vì vậy, sản xuất theo chuỗi mới ứng dụng tối đa KH&CN, để phát triển một số sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương có ý nghĩa rất lớn, nó sẽ tạo ra được sản phẩm được khẳng định từ vai trò của KH&CN, trực tiếp tạo ra giá trị và đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.
Cần “bà đỡ” cho sản xuất và tiêu thụ nông sản trong liên kết 6 Nhà
Đánh giá chủ trương liên kết 6 nhà của Chính phủ đúng đắn, kịp thời, song ông Vũ Vinh Phú - Nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng việc kết nối 6 nhà nhất thiết phải có những ‘bà đỡ”. Theo ông Phú, thời gian qua những kết nối này còn mang nhiều tính tự phát, chưa được tổ chức chặt chẽ, kết nối cơ học là chính. Đã đến lúc chúng ta phải đặt vấn đề để giải bài toán kết nối một cách hiệu quả hơn, vững chắc hơn, đúng pháp lý hơn, trong đó mấu chốt là phải có những "bà đỡ". Đó là vai trò hỗ trợ hợp lý, thiết thực của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đối với các doanh nghiệp. "Bà đỡ" phải tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế trên thị trường.
Bà Vũ Thị Minh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, thời gian tới cần tăng cường hơn nữa nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, đặc biệt tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị nông sản, thông qua thực hiện các biện pháp đơn giản hóa thủ tục cho vay; phát triển dịch vụ tư vấn hỗ trợ vay vốn và sử dụng vốn vay… “Chúng ta cần bố trí nguồn ngân sách thỏa đáng để thực hiện các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp”, bà Vũ Thị Minh nhấn mạnh.
Trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, ngân hàng Nhà nước Phạm Thị Thanh Tùng cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, ngân hàng Nhà nước xác định nông nghiệp, nông thôn, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn và đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này.
Theo ông Ngô Xuân Bình, Phó Vụ trưởng vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung hệ thống các cơ chế, chính sách khoa học công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp bao gồm các Luật, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm khuyến khích doanh nghiệp/người dân đầu tư trực tiếp hoặc liên kết tổ chức, cá nhân để nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ. Bên cạnh đó, cần ưu tiên đầu tư, triển khai cơ chế, chính sách đồng bộ, theo chuỗi giá trị của sản phẩm nhằm hỗ trợ phát triển sản phẩm quốc gia, sản phẩm truyền thống, đặc sản, ứng dụng khoa học công nghệ mới, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ phục vụ xuất khẩu.
Ông Bình cho rằng, trong mối liên kết 6 nhà doanh nghiệp cần được coi là "đầu tàu", hạt nhân để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, hỗ trợ đầu vào và thu mua nông sản. Đồng thời liên kết thực hiện đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giúp nhà nông đến gần với các mô hình kỹ thuật 4.0 và hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ cao.
Tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy , Bộ NN & PTNT nhận định: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu, việc ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ 4.0 có thể mang lại những tác động tích cực, là cơ hội để nông sản Việt Nam nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Bài, ảnh: Diệu Huyền