Hiện nay, nhu cầu sử dụng ván ép cho ngành sản xuất đồ gỗ trang trí nội thất, ngoại thất là rất lớn do tính chất thuận tiện và thân thiện với môi trường nhưng các doanh nghiệp trong nước hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 30%. Phần lớn nguyên liệu ván ép vẫn phải nhập khẩu từ Thái Lan, Indonexia, Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan. Năm 2011 Dự án “Nhà máy ván sợi ép tỷ trọng trung bình (MDF) Vinafor – Tân An Hoà Bình” đã được khởi công xây dựng góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành gỗ.
Giải bài toán khó
Nhà máy MDF do Công ty TNHH MDF Vinafor – Tân An Hoà Bình làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 200,015 tỷ đồng. Nhà máy có công suất 54.000 m3 ván MDF/năm, diện tích sử dụng đất khoảng 76.741 m2, khai thác vùng rừng nguyên liệu hàng chục nghìn ha trên địa bàn các huyện.
Ông Lê Thanh Bình – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MDF Vinafor – Tân An Hoà Bình cho biết ,ván MDF là loại sản phẩm được sử dụng như gỗ tự nhiên trong ngành sản xuất hàng mộc, trang trí nội thất hoặc có thể thay đổi loại keo và phụ gia để sử dụng ngoài trời hay trong xây dựng. Ván được sử dụng để sản xuất thành các loại bàn ghế, giường, tủ, khung cửa, cánh cửa, đồ dùng văn phòng, nhà bếp hoặc dùng để ốp trần, ốp tường... Các sản phẩm đều có tính thẩm mỹ cao, độ bền ổn định, tiện dụng, dễ lắp ráp, phù hợp cho nhiều đối tượng tiêu dùng và mục đích sử dụng.
Với công nghệ thiết bị sản xuất hiện đại, chủ yếu nhập khẩu từ Tập đoàn Hallmark Trung Quốc cùng các liên doanh chế tạo thiết bị châu âu tại Trung Quốc, nhà máy đi vào hoạt động sẽ tiêu thụ 100.000 – 150.000 m3 gỗ tròn/năm, cung cấp sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng Châu Âu cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây là nhà máy ván sợi ép MDF đầu tiên và lớn nhất tại miền Bắc, có ý nghĩa quan trọng trong chương trình trồng rừng của Chính phủ, đồng thời góp phần to lớn thúc đẩy giá trị sản xuất lâm nghiệp tại địa phương.
Hoàn thiện lắp đặt hệ thống thiết bị máy móc hiện đại có công suất 54.000 m3 ván MDF/năm (Ánh Tuyết)
Cũng theo ông Lê Thanh Bình thì hiện nay, các gói thầu xây dựng quan trọng đã cơ bản hoàn thành ( nhà kho chứa sản phẩm, xưởng sản xuất chính, nhà nghiền, nhà keo, móng thiết bị…). Cùng một số hạng mục đang được triển khai, gấp rút hoàn thiện như hệ thống phòng cháy chữa cháy, xử lý môi trường, trạm điện nguồn 35/10 KVA... với giá trị thực hiện dự án đến nay ước đạt 130 tỷ đồng.
Dự kiến, tháng 6/2012, nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động, thu hút khoảng 150 lao động. Bình quân mỗi năm, nhà máy sẽ đóng góp vào ngân sách nhà nước từ 30 - 40 tỷ đồng.
Mở ra hướng đi mới
Mới đây Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có chuyến công tác tại tỉnh Hòa Bình, đoàn đã đến thăm và làm việc với Nhà máy MDF. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH &CN Nguyễn Văn Lạng khẳng định “thành công của dự án đồng nghĩa với cơ hội lớn mở ra cho người trồng rừng địa phương. Cùng với những cơ hội về việc làm, thị trường tiêu thụ, kinh tế đồi rừng sẽ ngày càng khẳng định được vị thế một địa phương giàu tiềm năng như tỉnh Hòa Bình. Thứ trưởng khẳng định Bộ KH&CN sẽ nghiên cứu chính sách để hỗ trợ tối đa cho Công ty”.
Đặc biệt, việc mở rộng và phát triển dự án trong thời gian tới sẽ góp phần khai thác tối ta tiềm năng các nguồn nguyên liệu sẵn có, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, việc trồng cây cung cấp cho nhà máy sẽ giúp tăng độ che phủ đất, cải tạo đất, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho một số lượng lớn người lao động địa phương... hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới cho kinh tế đồi rừng.
Ông Nguyễn Hữu Ngọc, Tổng giám đốc Công ty cho biết: khi chính thức đi vào sản xuất, Nhà máy MDF Vinafor - Tân An sẽ khai thác nguồn nguyên liệu rừng khá lớn của địa phương. Hiện, Vinafor có đơn vị thành viên là Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình, có diện tích rừng nguyên liệu khoảng 10.000 ha đang đến độ tuổi khai thác. Ngoài ra, các đơn vị trồng rừng khác trong tỉnh có khả năng cho khai thác hơn 50.000 ha. Đây là nguồn nguyên liệu phong phú để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy.
Theo Ông Bùi Văn Tỉnh - Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình: Dự án hoạt động hiệu quả sẽ mở ra một hướng phát triển kinh tế đồi rừng đầy hứa hẹn cho người dân địa phương, từ đó tác động mạnh mẽ, thiết thực đến sự phát triển của ngành nông nghiệp Hoà Bình.
Ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường là mục tiêu lớn nhất mà công ty đặt ra. Với những tiêu chí như trên khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ khai thác tối đa tiềm năng các nguồn nguyên liệu sẵn có, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đáp ứng được yêu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Đăng Minh