Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu. Các giải pháp đã thực sự mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp như: Giảm thời gian thông quan (trong thời gian 01 ngày hàng hóa nhập khẩu đã được thông quan), giảm chi phí lưu kho, bãi, giảm thời gian chờ đợi kết quả đánh giá sự phù hợp.
Thông tin được đưa ra tại buổi làm việc của Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&CN và công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu diễn ra vừa qua tại Hà Nội.
Tập trung tháo gỡ khó khăn về xuất nhập khẩu hàng hóa
Ông Bùi Thế Duy – Chánh Văn phòng Bộ cho biết, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Quy chế tạm thời theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ KH&CN; thành lập Tổ Công tác đôn đốc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ để rà soát, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện chỉ đạo, nhiệm vụ được Lãnh đạo giao cho các đơn vị và báo các định kỳ hàng tháng với Lãnh đạo Bộ về kết quả và đưa ra đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với từng đơn vị. Đồng thời, Bộ đã xây dựng, áp dụng phần mềm quản lý văn bản, quản lý nhiệm vụ để kịp thời, thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện chỉ đạo, nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ giao. Kết quả triển khai nhiệm vụ của các đơn vị được coi là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và đánh giá kết quả thi đua, khen thưởng cuối năm.
Với việc triển khai các biện pháp nêu trên, hiện nay Bộ KH&CN không có nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao quá hạn chưa thực hiện. Tính đến ngày 10/10/2017, Bộ KH&CN được giao 403 nhiệm vụ. Trong đó, đã hoàn thành 245 nhiệm vụ; đang thực hiện 158 nhiệm vụ (đều trong hạn).
Về công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ KH&CN đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu như: Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng đẩy mạnh sang hậu kiểm, chỉ đạo tăng cường việc thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp, đánh giá tại cơ sở sản xuất nước ngoài đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ KH&CN. Các giải pháp nêu trên đã thực sự mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp như: Giảm thời gian thông quan (trong thời gian 01 ngày hàng hóa nhập khẩu đã được thông quan), giảm chi phí lưu kho, bãi, giảm thời gian chờ đợi kết quả đánh giá sự phù hợp.
Cụ thể, Bộ KH&CN đã tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 37 bãi bỏ Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng. Việc bãi bỏ Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg đã giúp giảm 114 loại sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư 02/2017/TT-BKHCN với tinh thần làm rõ cách thức công bố hợp quy dựa trên biện pháp tiền kiểm (kiểm tra trước thông quan), đặc biệt là biện pháp hậu kiểm (kiểm tra sau thông quan) để tạo khung pháp lý chung cho các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng những biện pháp quản lý cụ thể đối với từng nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ, ngành phụ trách. Đặc biệt làm rõ phương thức hậu kiểm, thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với một số nhóm SPHH có nguy cơ rủi ro thấp.
Bộ KH&CN cũng đã ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN ngày 16/6/2017 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN để chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ KH&CN quản lý sang cơ chế hậu kiểm (cắt giảm từ 24 nhóm sản phẩm, hàng hóa, chiếm 100% phải kiểm tra trước thông quan xuống còn 2 nhóm sản phẩm, hàng hóa là xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) phải kiểm tra, chiếm 9%). Ước tính, khi áp dụng Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN sẽ giúp cắt giảm khoảng 96% số lô hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ KH&CN phải kiểm tra trước thông quan.
Cùng với đó, bổ sung quy định về miễn kiểm tra đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN đã quy định đối với hàng hóa nhập khẩu là thép, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, thiết bị điện và điện tử nếu có cùng tên gọi, công dụng, nhãn hiệu, kiểu loại, đặc tính kỹ thuật của cùng một cơ sở sản xuất, xuất xứ do cùng một người nhập khẩu, sau 3 lần nhập khẩu liên tiếp trong 6 tháng, có kết quả đánh giá phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sẽ được cơ quan kiểm tra có văn bản xác nhận miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng trong thời hạn 1 năm.
Bộ đã thực hiện ký kết Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) trong ASEAN về thiết bị điện - điện tử (ASEAN EE MRA); ký kết các hiệp định và thoả thuận với Ucraina, Đài Loan, CH Bê-la-rút, Hàn Quốc; thông báo thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của 2 tổ chức đánh giá sự phù hợp của Nhật Bản. Thúc đẩy các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định thực hiện cơ chế thừa nhận kết quả kỹ thuật, chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp từ nước xuất khẩu đối với 42 tổ chức thử nghiệm.
Hoạt động đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, giám định, chứng nhận, kiểm định) phục vụ cho việc kiểm tra chuyên ngành đã được Bộ KH&CN xã hội hóa theo đúng tinh thần của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP. Đến nay, Bộ KH&CN đã chỉ định 69 tổ chức đánh giá sự phù hợp để phục vụ quản lý nhà nước đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN.
Bộ KH&CN đã gửi văn bản đề nghị các Bộ, ngành tổ chức việc rà soát sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 và rà soát các văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp với các quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật An toàn thực phẩm; chủ động tổ chức việc tham gia rà soát độc lập của cộng đồng doanh nghiệp (VCCI, các Hiệp hội, các chuyên gia nghiên cứu độc lập).
Tiếp tục bám sát chỉ đạo
Tại làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ Công tác cho biết, Bộ KH&CN là đơn vị thứ 38 được kiểm tra. Theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, năm 2017 là năm tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tháo gỡ các rào cản về kinh tế, đặc biệt Chính phủ hết sức quan tâm đến việc cắt giảm chi phí, thủ tục kiểm tra chuyên ngành của các Bộ.
Các giải pháp đã thực sự mang lại hiệu quả đối với doanh nghiệp
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đánh giá cao Bộ KH&CN trong việc dành rất nhiều công sức và thời gian, rà soát các cơ quan chức năng của Bộ để thực hiện, đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Nghị quyết 19, Nghị quyết 35. Đánh giá về sự quyết liệt, nghiêm chỉnh chấp hành chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói “Với 403 nhiệm vụ dược giao, Bộ đã thực hiện được 245 nhiệm vụ còn lại 158 nhiệm vụ đang trong thời hạn thực hiện. Như vậy, 100% nhiệm vụ Thủ tướng giao cho Bộ KH&CN đều thực hiện đúng tiến độ được giao. Đây là một nỗ lực của lãnh đạo và cán bộ công nhân viên của Bộ KH&CN”.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh thay mặt Bộ KH&CN cảm ơn các Bộ, ngành đã dành thời gian tham dự buổi làm việc và cho rằng, đây là cơ hội ghi nhận những nỗ lực quyết liệt của Bộ KH&CN trong thời gian vừa qua. Bộ trưởng khẳng định, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục lắng nghe và ghi nhận các phản hồi từ thực tiễn để tăng cường hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ là xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thể chế vướng mắc gì, cần tháo gỡ ra sao, Bộ KH&CN sẽ quyết liệt vào cuộc, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc, bảo đảm chất lượng và tiến độ thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Đồng thời, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ cơ chế kiểm tra tiền kiểm, hậu kiểm đối với việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; quy định rõ cơ chế miễn kiểm tra sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu; hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng để các Bộ, ngành có căn cứ triển khai thực hiện.
Cùng với đó, đầu mối thẩm định QCVN về sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 theo hướng QCVN cần quy định cụ thể biện pháp quản lý, xem xét tính hợp lý hay không hợp lý của các biện pháp quản lý này để bảo đảm không gây cản trở không cần thiết đối với thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đẩy mạnh cơ chế hậu kiểm và quản lý rủi ro theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Rà soát lại mã HS tương ứng cho các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 theo quy định mới trước tháng 12/2017.
Bộ KH&CN kiến nghị Tổ công tác Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Chủ trì, rà soát danh mục hàng hóa nhóm 2 của Bộ ngành đã ban hành, cương quyết loại bỏ ra khỏi danh mục những hàng hóa chưa có QCVN; chưa xác định được rõ biện pháp quản lý, đồng thời bổ sung mã HS. Sửa đổi, bổ sung xác định rõ loại hàng hóa nhập khẩu phải áp dụng biện pháp hậu kiểm; loại hàng hóa nhập khẩu nào phải áp dụng biện pháp quản lý tiền kiểm đối với các QCVN đã ban hành.
Cùng với đó, rà soát sửa đổi, bổ sung các VBQPPL hiện hành có nội dung quy định không phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật An toàn thực phẩm như: các nội dung quy định vể công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy; chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp là cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng; quy định về năng lực đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp. Đẩy mạnh việc Thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp (ĐGSPH) của các tổ chức nước ngoài; Chỉ định trực tiếp tổ chức ĐGSPH tại nước ngoài thực hiện ĐGSPH cho hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu, góp phần giảm thời gian thông quan hàng hóa.
Bài, ảnh: Nhóm phóng viên