Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
KH&CN địa phương Thứ sáu, 22/11/2024 , 06:55 pm
Cập nhật : 11/08/2016 , 22:08(GMT +7)
Thành phố Hồ Chí Minh: Sức lan tỏa của khoa học - công nghệ
Ứng dụng máy móc hiện đại phục vụ sản xuất tại Công ty Cơ khí Duy Khanh (TPHCM)
Nỗ lực vượt khó, chủ động tìm đường, bám sát thực tế và tiên phong sáng tạo là những gì mà những người làm công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ (KH-CN) TPHCM đã thực hiện trong 40 năm qua. Nhưng để KH-CN đóng vai trò đột phá hơn nữa trong sự phát triển thành phố, của doanh nghiệp, việc thay đổi mạnh mẽ nhận thức của doanh nghiệp là cần thiết.

Những bài học lớn

Trong buổi tọa đàm mới đây nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Sở KH-CN TPHCM, ông Hoàng Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Sở KH-CN TP giai đoạn 1982 - 2000, đúc kết: Những kết quả lớn mà ngành KH-CN TPHCM đã đạt được cho đến nay trước tiên nhờ sự kế thừa, gắn kết của nhiều đời lãnh đạo. Hầu như giai đoạn nào, lãnh đạo thành phố cũng tâm huyết, máu lửa, dành ưu tiên, sự đầu tư lớn cho ngành. Và trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm, đội ngũ trí thức, nhà khoa học của TP cũng thể hiện được trí tuệ và lòng yêu nước.

“Đó là những người như TS Bùi Thị Lạng, người dành cả thời gian, công sức lặn ngụp trong rừng ngập mặn Cần Giờ để tìm tòi, bảo vệ sự đa dạng sinh học. Vậy mà mỗi năm một vài lần, chúng tôi lại phải đi bảo lãnh chị Lạng vì công an địa phương cứ nghi chị… tìm cách vượt biên. Hay như BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, người đã gạt bỏ những khó khăn, dư luận để tiên phong đưa phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm về Việt Nam, thắp lên hy vọng làm bố làm mẹ cho hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn… TPHCM có những nhà khoa học như thế thật đáng trân quý”, ông Tuấn nhớ lại.

Từng nặng lòng, lo với cái lo chung của doanh nghiệp (DN) sản xuất TPHCM, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khi còn là Giám đốc Sở KH-CN TPHCM giai đoạn 1997 - 2000, sau đó là Phó Chủ tịch Thường trực TPHCM giai đoạn 2001 - 2006, kể lại: “Khi hỏi các DN là các ông cần gì, sau khi thuyết minh nửa tiếng với giám đốc các DN về tiềm lực khoa học thành phố, họ đều trả lời với chúng tôi là: cần “tiền”. Tôi chào hàng hơn 20 giám đốc thì không ai nói cần KH-CN. Lúc đó, tôi đã nghĩ, mình làm giám đốc Sở KH-CN thế này thì sai rồi, đáng ra phải làm ở Sở Kế hoạch - Đầu tư hay Tài chính mới đúng. Với cương vị là Giám đốc Sở KH-CN, nếu mình không thay đổi được nhận thức của các giám đốc DN thì sẽ không ai dùng đến KH-CN”.  

Sau câu chuyện đó, đích thân đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã đi khảo sát 25 DN thành đạt nhất, sử dụng công nghệ tốt nhất thì phát hiện ra trước đó 10 năm họ từng rơi vào tình trạng sắp phá sản và họ đã dùng KH-CN như một cứu cánh. “Tôi nhận ra KH-CN chính là cái phao giúp DN khỏi chết chìm. Sở KH-CN TPHCM đã đề xuất ngay với lãnh đạo thành phố tổ chức chương trình đào tạo 1.000 giám đốc để nâng cao hiểu biết của họ về KH-CN, qua đó đẩy mạnh ứng dụng và phát triển DN. Bài học mà tôi luôn lưu tâm từ khi còn công tác tại sở cho đến giờ là khoa học muốn phát triển phải gắn với DN, gắn với đào tạo, gắn với Nhà nước…”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận định.

Hướng đến thành phố đổi mới sáng tạo

Tại buổi tọa đàm, bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TPHCM kiến nghị, thành phố nên quan tâm nhiều hơn nữa đến các mô hình kinh tế cá thể, hộ gia đình để đưa KH-CN vào việc sản xuất, kinh doanh. “Giới trẻ là những con người đầy nhiệt huyết, được đào tạo bài bản, tuy nhiên trình độ KH-CN của họ không được như các nhà khoa học lâu năm. Sở KH-CN TP nên làm cầu nối để đưa các chương trình nghiên cứu đến gần hơn, sát hơn với giới trẻ khởi nghiệp”, bà Trương Lý Hoàng Phi đề xuất. Còn theo ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), hiện tại và tương lai cho sự phát triển của thành phố là phải gắn với đổi mới sáng tạo. Nhưng một ngành, một người không làm thay tất cả. Muốn thành công, cần sự chung tay, chung ý thức từ DN, nhà khoa học và cả hệ thống chính trị. Liên sở, liên ngành cùng làm thì câu chuyện đổi mới sáng tạo mới đồng bộ và nhanh chóng được. 

Đánh giá tiềm lực của TPHCM, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đưa ra dẫn chứng: TPHCM có dân số chiếm 9%, lao động 7,8%, GDP 3% và thu ngân sách là 33% của cả nước. Bình quân 1km2, thành phố có 1.971 lao động, 1.000 người đang làm việc, gấp 13 lần so với con số 149 người/km2 trung bình lao động cả nước. Cứ một lao động TPHCM làm bằng 3,5 lần lao động ở 62 tỉnh, thành còn lại... So với cả nước, chất lượng nhân lực thành phố chắc chắn cao hơn về trình độ đào tạo và năng lực nghiên cứu. 

Do đó, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, để phát huy nguồn lực con người thì phải có khởi nghiệp. Câu chuyện khởi nghiệp chính là câu chuyện phát huy tiềm năng con người của đất nước này. TPHCM hiện nay có 260.000 DN, phấn đấu có nửa triệu DN vào năm 2020. Như thế, KH-CN sẽ đóng vai trò đột phá trong sự phát triển của DN. Chúng ta giúp đào tạo chủ DN tương lai để họ biết quản trị DN, biết khai thác KH-CN. Để những DN khi nhắc đến KH-CN sẽ cười tươi chứ không phải là câu “chúng tôi chỉ cần tiền”. “Phải thay đổi nhận thức của các ông chủ, bà chủ (doanh nghiệp - PV) để DN coi KH-CN là cần thiết, gắn với khởi nghiệp và sáng tạo”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh

Tháng 11-1977, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ra nghị quyết đầu tiên về công tác khoa học và kỹ thuật, xác định nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động khoa học và kỹ thuật trong thời gian đầu là xây dựng TPHCM thành một thành phố công nghiệp có cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp hiện đại. Thực hiện nghị quyết, Ban Khoa học và Kỹ thuật được thành lập vào tháng 8-1976, tiền thân của Sở KH-CN TPHCM ngày nay.

 

 

Nguồn tin: Sài gòn giải phóng

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner