"Công nghệ giống chuyển gen kháng bệnh bạc lá vào giống lúa Bắc thơm số 7 và Bắc ưu 253" đã được tỉnh Hải Dương triển khai thành công, góp phần phòng trừ bệnh bạc lá, an toàn trong quá trình sản xuất cho nông dân.
Giống lúa Bắc thơm số 7, Bắc ưu 253 có chất lượng gạo ngon, bán được giá.
Tuy nhiên, nhược điểm của giống lúa này là dễ nhiễm bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, gây thiệt hại cho sản xuất nên rất cần chuyển gen kháng bệnh để tăng khả năng chống chịu và cho năng suất cao.
Viện Nghiên cứu lúa thuộc trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã thành công trong việc chuyển gen kháng bệnh bạc lá (KBL) vào giống lúa Bắc thơm số 7 và Bắc ưu 253, tạo ra giống Bắc thơm số 7, Bắc ưu KBL, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau đó, Viện đã chuyển giao công nghệ sản xuất giống lúa KBL cho tỉnh Hải Dương về kỹ thuật duy trì tính KBL; lai và công nghệ sản xuất hạt lai F1 giống Bắc ưu 253; phương pháp phân lập và nuôi cấy vi khuẩn X.Oryzea gây bệnh bạc lá lúa; phương pháp nhân dòng và duy trì dòng KBL của giống Bắc thơm số 7 và dòng bố R253; phương pháp chuyển giao giống lúa cho nông dân.
Tỉnh Hải Dương đã trình diễn mô hình sản xuất giống lúa Bắc thơm số 7 tại Xí nghiệp giống thị xã Chí Linh và giống Bắc ưu 253 KBL tại những vùng đất trũng và nguồn bệnh bạc lá lớn là xã Quang Phục (huyện Tứ Kỳ), xã Đồng Lạc (huyện Nam Sách) và xã Kim Đính (huyện Kim Thành).
Các giống lúa KBL có thời gian sinh trưởng ngắn; lúa đẻ nhánh nhiều, số hạt/bông cao hơn so với giống lúa đối chứng.
Giống Bắc thơm số 7 có thời gian sinh trưởng từ 104-105 ngày, có từ 4,3 đến 5,6 bông/khóm, đẻ nhánh khỏe, năng suất cao, kháng được bệnh bạc lá.
Tại xã Đồng Lạc, Quang Phục và Kim Đính, giống Bắc ưu 253 KBL đạt trung bình hơn 10 bông/khóm, tỷ lệ hạt chắc cao hơn Bắc ưu 253 (chưa chuyển gen KBL) khoảng 5%, năng suất đạt 65-75 tạ/ha.
Nhiều gia đình đạt năng suất cao trên 70 tạ/ha, lãi tăng thêm gần 12,2 triệu đồng/ha/vụ so với giống lúa đối chứng Bắc ưu 903 nhiễm bệnh bạc lá khi gieo cấy cùng trà./.
Trần Tiến Duẩn (Vietnam+)