Ngày 25/12, tại khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Cồn Đen, (huyện Thái Thụy, Thái Bình) đã diễn ra Hội thảo khoa học xây dựng mô hình sản xuất muối hữu cơ theo phương pháp truyền thống tại xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, kết hợp Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.
Tới dự và chỉ đạo Hội thảo có đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Thị Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình.
Tham dự Hội thảo về phía các cơ quan trung ương có: lãnh đạo Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Văn phòng quốc gia xây dựng nông thôn mới (Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn); lãnh đạo Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN), lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Trường Đại học văn hóa (Bộ Văn hóa thể thao và du lịch), Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn,
Về phía tỉnh Thái Bình: đại diện lãnh đạo các Sở: Văn hóa thể thao và du lịch, Sở KH&CN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại diện lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, các phòng chức năng của huyện Thái Thụy. Đại diện lãnh đạo xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, HTX sản xuất muối Đại Đồng, Thụy Hải.
Xã Thụy Hải (Thái Thụy) có 340 hộ xã viên sản xuất muối với tổng diện tích 50ha. Tuy nhiên, những năm gần đây do sản xuất muối hiệu quả thấp nên toàn xã chỉ còn 34 hộ làm nghề với diện tích 4ha, diện tích còn lại bị bỏ hoang. Thời gian qua đã có một số tổ chức, cá nhân về nghiên cứu và thử nghiệm các mô hình sản xuất mới để cải thiện năng suất cũng như chất lượng muối, góp phần duy trì, phát triển nghề sản xuất muối truyền thống tại Thụy Hải nhưng đều không khả thi. Thụy Hải là xã ven biển duy nhất của tỉnh có nghề sản xuất muối phơi cát lọc nước gắn liền với di tích lịch sử cách mạng Phủ thờ Bà Chúa Muối. Hợp tác xã Đại Đồng và xã Thụy Hải thời gian qua đã tích cực tìm kiếm giải pháp duy trì, khôi phục nghề sản xuất muối truyền thống.
Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Đông Hải - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thái Bình cho biết, kinh tế Thái Bình những năm qua phát triển với tốc độ tăng trưởng trên 10%, duy trì liên tục những năm gần đây. Thái Bình đã quan tâm đầu tư, khuyến khích thu hút đầu tư trong phát triển du lịch, sản xuất nông nghiệp đang chuyển hướng sang sản xuất hàng hóa, các sản phẩm đặc thù có giá trị chất lượng cao. Tuy nhiên,Thái Bình luôn trăn trở việc duy trì, khôi phục nghề sản xuất muối; làm ở mức nào, theo hướng nào, kết hợp các giá trị thế nào để đứng vững và vươn ra thị trường; đi theo hướng nào để thu hút được đầu tư, doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ đến để gắn kết, tận dụng những lợi thế, giá trị sẵn có truyền thống trong đó có nghề muối để đảm bảo đời sống diêm dân cũng như phát huy được thế mạnh, giá trị, nghề muối truyền thống.
Ông Ngô Đông Hải nhấn mạnh, sản xuất nông nghiệp đặc thù kết hợp các dịch vụ nông nghiệp khác, đặc biệt là du lịch là hướng đi quan trọng của Thái Bình những năm tới đây. UBND tỉnh Thái Bình mong muốn hội thảo có thể đưa ra được câu trả lời, giúp lãnh đạo tỉnh Thái Bình định hướng, chỉ đạo quyết định để phát triển ngành muối Thái Bình trong thời gian tới”.
Các báo cáo tham luận của Hội thảo đã chỉ ra một số lợi thế, giá trị dinh dưỡng cao của hạt muối do diêm dân Thụy Hải sản xuất. Công nghệ sản xuất muối truyền thống lạc hậu, hiệu quả, giá trị sản xuất muối thấp, chưa gắn kết sản xuất muối với khai thác phát triển du lịch sinh thái, du lịch sức khỏe.
Hội thảo nhất trí đề nghị UBND tỉnh Thái Bình quy hoạch vùng sản xuất muối, tạo điều kiện thuận lợi, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Đề nghị các Bộ, ngành trung ương quan tâm bổ sung vào quy hoạch các vùng sản xuất muối quốc gia, hỗ trợ ứng dụng chuyển giao các tiến bộ KH&CN, xây dựng chỉ dẫn địa lý muối Diêm Điền, xúc tiến đầu tư, khôi phục phát triển làng nghề muối gắn với xây dựng nông thôn mới, và phát triển du lịch sinh thái, du lịch sức khỏe.
Tin, ảnh: PV