Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Tiềm lực KH&CN Chủ nhật, 24/11/2024 , 06:34 am
Cập nhật : 30/03/2012 , 16:03(GMT +7)
Thái Bình: Xác định KH&CN là chìa khóa tiến tới các mục tiêu kinh tế
TS. Hồ Ngọc Luật: Tỉnh cần tập trung vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp trọng điểm, chủ lực
Trong khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, phải cắt giảm nguồn vốn đầu tư nhưng tỉnh Thái Bình vẫn ưu tiên đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) và xác định KH&CN là chìa khóa để vươn tới và đạt được những mục tiêu kinh tế đã đề ra. Nhờ đó, KH&CN đã góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong nhiều năm qua.

Đưa kinh tế phát triển nhanh, bền vững

Báo cáo tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ KH&CN với lãnh đạo tỉnh Thái Bình  mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Sinh cho biết, thời gian qua, KH&CN đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển nền kinh tế toàn diện, bền vững của tỉnh. Toàn tỉnh đã triển khai 183 chương trình, đề tài, dự án KH&CN trọng điểm. 90% số đề tài đã được ứng dụng vào sản xuất, đời sống mang lại hiệu quả trên các lĩnh vực.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu và đóng góp 436 giống lúa, 282 giống cây màu các loại; tuyển chọn được nhiều giống có năng suất, chất lượng bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là giống quốc gia (giống lúa CNP36, TPR1, BC15, TBR36,…). Tiếp thu và làm chủ công nghệ sản xuất một số giống lúa lai, ngô lai F1, công nghệ chế biến hạt giống theo tiêu chuẩn quốc tế, công nghệ sản xuất nhân tạo giống và nuôi thâm canh một số loại thủy sản (cua biển, ngao, cá tra, sản xuất thành công giống lợn lai 3 máu,…). Năng suất lúa đạt bình quân trên 13 tấn/ha. Hệ số quay vòng đất từ 2,2 đến 2,6 lần, đảm bảo ổn định về sản lượng lương thực (trên 1 triệu tấn/năm, nhiều vùng đạt 4 vụ/năm với thu nhập 100 – 150 triệu đồng/ha/năm).

Ông Nguyễn Hữu Rong - Giám đốc Sở NN&PTNT: Tỉnh luôn xác định KH&CN là chìa khóa để vươn tới và đạt được những mục tiêu kinh tế đã đề ra. (Ảnh: Nguyễn Hạnh)

Theo phân tích của TS. Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng, Trưởng ban KH&CN Địa phương (Bộ KH&CN) về năng suất nông nghiệp bình quân trong 10 năm qua chia thành 2 giai đoạn 2001 – 2005 và 2006 – 2010, năng suất bình quân của cả nước giai đoạn 1 là 19,2%, giai đoạn 2 là 18,8%, tỉ lệ này của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng lần lượt là 14,3% và 14,8%. Còn tại Thái Bình, giai đoạn 2001 – 2005 chỉ đạt 11,2% nhưng giai đoạn 2006 – 2010 đã tăng lên 17,2%, gấp 1,6 lần.

Thái Bình cũng là tỉnh duy nhất tiếp tục thực hiện Nghị định 119/1999/NĐ-CP ngày 18/9/1999 của Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động KH&CN theo tinh thần rất đổi mới. Tỉnh đã hỗ trợ cho 65 doanh nghiệp với tổng kinh khí gần 9 tỷ đồng (chiếm 45% tổng kinh phí đầu tư cho các đề tài) để nghiên cứu đổi mới công nghệ và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Trình độ công nghệ của một số doanh nghiệp đã được nâng cao, điển hình là các doanh nghiệp sản xuất bia, chế biến thức ăn gia súc, dệt sợi, sản xuất sứ vệ sinh cao cấp,… Bình quân năng suất trong lĩnh vực công nghiệp của tỉnh cao hơn bình quân của cả nước và vùng Đồng bằng sông Hồng với các tỉ lệ lần lượt 2 giai đoạn 2001- 2005 và 2006 – 2010: bình quân cả nước là 83% và 66,5%, bình quân vùng ĐBSH là 102% và 79,1% còn bình quân của Thái Bình là 83,6% và 142%, tăng 1,7 lần.

Giám đốc Sở KH-ĐT Trần Xuân Thành: Mặc dù kinh tế gặp khó khăn, phải cắt giảm nguồn vốn nhưng vẫn ưu tiên đầu tư cho KH&CN. (Ảnh: Nguyễn Hạnh)

Như vậy, năng suất nông nghiệp và công nghiệp của tỉnh 5 năm sau vượt 5 năm trước từ 1,6 – 1,7 lần. Đây là điều khác biệt so với cả nước và để có được kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của KH&CN.

Chung tay đưa KH&CN phát triển

Xác định KH&CN là nền tảng, động lực phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ban, ngành đã có những hành động cụ thể hóa hướng đi đúng đắn đó. Thời gian qua, các sở, ban ngành của tỉnh đã phối hợp rất chặt chẽ với sở KH&CN triển khai các chương trình, dự án và tập trung đầu tư cho phát triển KH&CN của tỉnh.

Ông Trần Xuân Thành - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Bình cho biết, Sở thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Sở KH&CN tạo điều kiện và bố trí kinh phí triển khai các đề tài, dự án KH&CN, đặc biệt là đầu tư cho các dự án trọng điểm như dự án về giống cây, giống con (thủy sản, gia súc, gia cầm). Các phòng phòng thí nghiệm trong ngành như trung tâm y tế dự phòng, phòng xét nghiệm của Chi cục Thú y, phòng xét nghiệm của trung tâm dược và các lĩnh vực khác về an toàn thực phẩm,… đều được tập trung đầu tư. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, phải cắt giảm nguồn vốn nhưng tỉnh đã và vẫn sẽ tập trung đầu tư, đáp ứng các nhiệm vụ KH&CN, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Công nghệ sản xuất bia là một trong những công nghệ nổi bật tại Thái Bình. (Ảnh: Nguyễn Hạnh)

Ông Nguyễn Hữu Rong - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NT&PTNT) Thái Bình khẳng định, tỉnh luôn xác định KH&CN là chìa khóa để vươn tới và đạt được những mục tiêu kinh tế đã đề ra. Hiện, diện tích đất nông nghiệp của tỉnh khoảng 95.000 ha trong đó cây lúa dao động từ 82 – 83.000 ha, năng suất lúa bình quân hàng năm đã đạt 13 tấn/ha, sản lượng lương thực luôn ở ngưỡng trên 1 triệu tấn. Lượng lương thực dư thừa một năm của tỉnh khoảng hơn 500 tấn, không kể nhu cầu sử dụng lương thực của 4,8 triệu dân trong tỉnh cộng với lượng lương thực dành cho chăn nuôi. Tuy nhiên, lương thực của tỉnh vẫn chủ yếu hướng vào tiêu dùng nội địa.

Với lĩnh vực chăn nuôi, Sở NN&PTNT đã hỗ trợ các địa phương hình thành một số vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn và đã phê duyệt nhiều đề án phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại. Hiện, tỉnh có khoảng trên 1 triệu con lợn, 9,2 triệu con gia cầm, thủy cầm và cũng là một trong những tỉnh dẫn đầu về sản lượng ngao trong cả nước với diện tích nuôi trên 300 ha, sản lượng đạt khoảng 45 – 50 tấn/ha. Tuy nhiên, theo ông Rong, khâu chế biến thực phẩm nông nghiệp còn yếu. Thời gian tới, tỉnh mong Bộ phối hợp, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm thế mạnh của tỉnh như gạo, ngao, khoai tây,…; chuyển giao các tiến bộ KH&CN chế biến nông sản; xử lý ô nhiễm môi trường;…
  
Thời gian qua, Thái Bình đã nhận được hỗ trợ lớn từ phía các cơ quan quản lý của Bộ KH&CN. Cụ thể, từ năm 1998 Chương trình nông thôn miền núi đã hỗ trợ Thái Bình trên 20 dự án như phát triển công nghệ nhân giống và bảo quản khoai tây; khôi phục, phát triển giá trị cây hòe; hỗ trợ tỉnh phát triển vùng bãi bồi ven biển: nuôi lợn, cá rô phi, cá vược,…

Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cũng đã giúp tỉnh triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68) thông qua các hoạt động chính như tuyên truyền phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng của địa phương; hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, bằng sáng chế;… Ông Tạ Quang Minh – Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, ngoài các nội dung này, Cục sẵn sàng phối hợp với Sở KH&CN tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo phổ biến kiến thức cho doanh nghiệp, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu, bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm có thế mạnh của tỉnh.

Nguyễn Hạnh


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner