Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ bảy, 21/12/2024 , 08:14 pm
Cập nhật : 22/08/2024 , 20:08(GMT +7)
Tập trung xây dựng, hoàn thành đúng tiến độ xây dựng văn bản
Toàn cảnh Hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị chuyên đề xây dựng pháp luật của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) năm 2024 (Hội nghị), Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị các đơn vị tập trung xây dựng, hoàn thành đúng tiến độ các đề án, đặc biệt là các đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong hơn 4 tháng còn lại năm 2024 để trình đúng thời hạn. Thủ trưởng đơn vị phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật của đơn vị, chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Bộ về tiến độ các văn bản do đơn vị chủ trì soạn thảo.

Hội nghị diễn ra chiều ngày 22/8/2024 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt. Cùng dự có các đồng chí Thứ trưởng: Bùi Thế Duy, Lê Xuân Định, Hoàng Minh. 

Không nợ đọng văn bản
 
Theo báo cáo, đến nay Bộ KH&CN đã hoàn thành và không bị nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật, Nghị quyết được Quốc hội Khóa XV thông qua. Tổng số văn bản Bộ KH&CN trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền năm 2024 là 29 văn bản. 
 
Việc thực hiện kế hoạch đã được các đơn vị của Bộ tích cực triển khai với 1 Luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật) đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9; 1 Luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa) được Quốc hội đồng ý đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025, báo cáo Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10; 1 Đề nghị xây dựng Luật (Đề nghị xây dựng Luật KH&CN (sửa đổi) trình Chính phủ cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2024. Bên cạnh đó, trong 7 tháng đầu năm 2024 có 1 Quyết định đã được hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ và 11 văn bản được ban hành.  
 
Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp - Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, Vụ đang phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để phát hiện và đề xuất các phương án tháo gỡ khó khăn, bất cập, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST). Các nhiệm vụ rà soát văn bản có phạm vi rộng, được triển khai theo nhiều giai đoạn với khối lượng văn bản lớn, thường xuyên phải cập nhật kết quả, xây dựng báo cáo. Đây là nhiệm vụ mất nhiều thời gian triển khai và nhiều văn bản có nội dung khó, nhất là văn bản liên quan đến lĩnh vực đầu tư, tài chính, cần rà soát kỹ lưỡng để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung khả thi. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần phối hợp để có ý kiến với đề xuất của bộ, ngành, địa phương liên quan đến sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ được đề xuất từ kết quả rà soát của các bộ, ngành, địa phương. 
 
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Thị Ngọc Diệp báo cáo tại Hội nghị.
 
Văn bản quy phạm pháp luật do Bộ KH&CN ban hành đã tuân thủ các quy định của pháp luật, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình điều hành. Nội dung các văn bản phù hợp với văn bản cấp trên như Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội; các Nghị định của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, các Bộ, ngành có liên quan ban hành. Trình tự, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được hoàn thiện theo hướng quy định chặt chẽ, chi tiết hơn về quy trình, thành phần hồ sơ và nội dung cần nghiên cứu, rà soát, đánh giá tác động, số lượng đối tượng chịu sự tác động cần gửi xin ý kiến góp ý. 
 
Tuy nhiên, hiện số lượng công chức, viên chức làm công tác tham mưu xây dựng văn bản của các đơn vị thuộc Bộ còn ít so với yêu cầu và phải đảm nhiệm nhiều công việc chuyên môn khác trong khi số lượng văn bản ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao nên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Một số đơn vị chưa khảo sát, nghiên cứu kỹ tình hình thực tiễn và tổng kết, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trước khi đề xuất văn bản vào Danh mục văn bản soạn thảo. Một số văn bản đưa vào Danh mục có tiến độ chưa phù hợp do chưa xác định rõ các nội dung liên quan trong các văn bản cũng đang được soạn thảo nên cần điều chỉnh tiến độ để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của các quy định, nhất là các Thông tư về quản lý các chương trình, nhiệm vụ KH&CN các cấp. 
 
Tuân thủ đầy đủ quy định, quy trình, thủ tục
 
Tại Hội nghị, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã có ý kiến về tiến độ xây dựng văn bản do đơn vị được giao phụ trách, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp để hoàn thành Kế hoạch xây dựng văn bản năm 2024 của Bộ liên quan đến: Thông tư về quản lý nhiệm vụ KH&CN do Quỹ NAFOSTED tài trợ, hỗ trợ; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công nghệ cao; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2014/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN; Thông tư thay thế Thông tư số 18/2016/TT-BKHCN hướng dẫn quản lý dự án KH&CN cấp quốc gia; hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp địa phương; ưu đãi cho doanh nghiệp KH&CN; Nghị định về ĐMST; ý kiến sửa Luật KH&CN, Luật Ngân sách Nhà nước… Các đồng chí Thứ trưởng Bùi Thế Duy, Lê Xuân Định, Hoàng Minh đã cung cấp thông tin và có những chỉ đạo cụ thể về các nội dung trên.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đã quán triệt những nội dung cơ bản của Quy định số 178-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Theo đó, Thứ trưởng nhấn mạnh, lưu ý một số nhóm hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật như: Cố ý chủ trì ban hành hoặc tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ. Cố ý trì hoãn việc đình chỉ, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật vì mục đích lợi ích nhóm, cục bộ; Nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc các lợi ích khác dưới mọi hình thức để ban hành hoặc tác động đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong công tác xây dựng pháp luật để định hướng truyền thông không bảo đảm khách quan và không đúng sự thật về nội dung chính sách trong công tác xây dựng pháp luật nhằm mục đích vụ lợi; Sử dụng trái quy định tài chính, tài sản công, tài sản của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp, tài trợ, viện trợ trong công tác xây dựng pháp luật… Thứ trưởng Bùi Thế Duy đề nghị các đơn vị, bên cạnh việc góp ý các văn bản do Bộ chủ trì cũng cần quan tâm góp ý các Luật, văn bản do Bộ, ngành, cơ quan khác xây dựng, chú trọng đến việc công bố thủ tục hành chính liên quan đến các văn bản. 
 
Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội nghị.
 
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Xuân Định lưu ý các đơn vị cần đánh giá tác động của các văn bản một cách nghiêm túc; đề nghị Vụ Pháp chế tìm hiểu và tập huấn cho các đơn vị thuộc Bộ; thực hiện tốt việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền...
 
Thứ trưởng Lê Xuân Định phát biểu tại Hội nghị.
 
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh, cần cơ cấu lại nguồn công việc. Trong xây dựng văn bản có nhiều văn bản theo phân cấp khác nhau nên cần có sự quan tâm và phân bổ nguồn lực tương xứng. Cần lưu ý đến việc phân công đơn vị chủ trì, đơn vị kỹ thuật; cử cán bộ tham gia xây dựng pháp luật, chế độ chính sách đối với cán bộ; bám sát việc xây dựng các văn bản khác để có hệ thống pháp luật đồng bộ... 
 
Thứ trưởng Hoàng Minh phát biểu tại Hội nghị.
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt ghi nhận sự cố gắng của các đơn vị thuộc Bộ trong thời gian qua đã phối hợp để cùng nhau hoàn thành khối lượng công việc lớn. Theo Bộ trưởng, hơn 4 tháng còn lại của năm 2024, khối lượng công việc nhiều, Lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc Bộ phải hết sức nỗ lực, tập trung thời gian và nguồn lực thích đáng để triển khai. Bộ trưởng đề nghị các đơn vị cần tuân thủ đầy đủ quy định, quy trình, thủ tục soạn thảo, lấy ý kiến, đăng tải dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, gửi thẩm định và trình văn bản theo quy định; Quán triệt và tập trung thực hiện chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong dự thảo văn bản. 
 
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu kết luận Hội nghị.
 
Các đơn vị cần dành thời gian nghiên cứu tình hình thực tiễn, tổng kết, đánh giá tình hình thi hành pháp luật liên quan đến nội dung của văn bản để xây dựng văn bản bảo đảm phù hợp với thực tiễn, khả thi. Thủ trưởng đơn vị phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật của đơn vị mình; chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Bộ về tiến độ các văn bản do đơn vị mình chủ trì soạn thảo. Phân công cán bộ có kinh nghiệm, có năng lực để tham gia xây dựng văn bản bảo đảm chất lượng và tiến độ.
 
Tập trung xây dựng, hoàn thành đúng tiến độ các đề án, đặc biệt là các đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong hơn 4 tháng còn lại của năm 2024 để trình đúng thời hạn. Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin để thống nhất phương án trong dự thảo văn bản, đặc biệt là tích cực phối hợp, trao đổi với các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp, các bộ, ngành liên quan và Văn phòng Chính phủ.
 
Cắt giảm thủ tục hành chính, không có cơ chế xin cho. Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách quản lý và thiết kế công cụ thanh tra, kiểm tra, giám sát, xóa bỏ phiền hà, phiền toái cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách. Bộ trưởng đã giao nhiệm vụ cụ thể đối với các đơn vị: Văn phòng Bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính. 
 
Bộ trưởng cho rằng, công tác xây dựng pháp luật là một trong những ưu tiên, nhiệm vụ chính trị quan trọng của Bộ. Bộ trưởng đề nghị các đồng chí Thứ trưởng quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa đối với công tác xây dựng thể chế, định kỳ hằng tuần làm việc trực tiếp với các đơn vị do mình phụ trách để nghe báo cáo và kịp thời cho ý kiến chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai; chỉ đạo các đơn vị chủ trì xây dựng văn bản trong thời gian từ nay đến cuối năm 2024, định kỳ vào thứ 6 hằng tuần gửi báo cáo bằng văn bản đến Lãnh đạo Bộ phụ trách, đồng thời gửi Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ để tổng hợp tiến độ chung, báo cáo Bộ trưởng và các Thứ trưởng tại các cuộc họp giao ban tuần, tháng.
Bài, ảnh: Hạnh Nguyên 

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner