Trong kinh tế thị trường thì phát triển thị trường là cái khó nhất. Chúng ta phải bàn thị trường KH&CN như một yếu tố nền tảng của nền kinh tế thị trường, chứ không phải chỉ là chuyện của một ngành, một lĩnh vực cụ thể.
Các Chương trình câdn đầu tư một cách quyết liệt, đủ ngưỡng
Tại Hội nghị phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu vấn đề: Tại sao thị trường KH&CN chưa phát triển? Trên thực tế, dưới góc độ ngành công thương thì thấy rằng các doanh nghiệp chỉ tiếp cận thị trường KH&CN khi họ có đủ năng lực làm chủ công nghệ, cải tiến và đổi mới công nghệ để tác động vào quá trình đổi mới sản phẩm và ở mức cao là việc phát triển công nghệ, tạo ra những sản phẩm mới trên thị trường.
Hiện nay ở Việt Nam cũng như trên thế giới, có 4 cấp độ phát triển công nghệ của doanh nghiệp: Cấp độ 1 là mua sắm, vận hành dây chuyền, thiết bị công nghệ đồng bộ; Tiếp theo là Hấp thụ đồng hóa công nghệ nhập khẩu; Mức độ 3 là Thích nghi, làm chủ công nghệ và cao nhất là Sáng tạo công nghệ, phát triển các công nghệ mới nổi.
Các doanh nghiệp sản xuất chủ yếu là chế biến chế tạo mà đây là lĩnh vực Việt Nam đang đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế. Ví dụ chúng ta nói rất nhiều về xuất khẩu nhưng chỉ riêng sản phẩm về chế biến chế tạo của Việt Nam trong công nghiệp chế biến-chế tạo đã chiếm tới khoảng 80-82%.
Tuy nhiên hiện nay lĩnh vực chế biến chế tạo rất năng động nhưng trình độ phát triển KH&CN của các doanh nghiệp tại Việt Nam rất thấp, phần lớn là các công nghệ đơn giản để cải thiện việc kinh doanh của doanh nghiệp. Một số công nghệ đã bao hàm trong máy móc và hoạt động công nghệ hiện nay tập trung vào việc cải tiến quy trình và tối ưu hóa dây chuyền hiện có. Số ít doanh nghiệp có khả năng làm chủ, cải tiến công nghệ từ đó mới cải tiến sản phẩm hoặc phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm mới.
Hiện nay cầu ở Việt Nam đối với các sản phẩm khoa học công nghệ là chưa tới ngưỡng, do đó việc phát triển thị trường KH&CN ở Việt Nam cần có giải pháp toàn diện, kết hợp đồng bộ với các yếu tố thị trường.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc phát triển KHCN cần triển khai theo 2 hướng: thứ nhất là nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, từng bước hình thành một mặt bằng mới về trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến chế tạo; thứ hai, cần hình thành năng lực tiếp thu, làm chủ và tiến tới phát triển một số công nghệ lõi, gắn với phát triển các ngành công nghiệp nền tảng và phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Các doanh nghiệp cần tiếp tục khơi thông nguồn tài chính phục vụ hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Ngoài các quy định liên quan tới tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; cần sớm sửa đổi các quy định về sử dụng Quỹ KHCN của doanh nghiệp, tăng tính hấp dẫn của nguồn tài chính này; đồng thời trao quyền chủ động cho doanh nghiệp để sử dụng nguồn Quỹ cho các hoạt động đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (bao gồm cả nhân lực về quản lý, quản trị và kỹ thuật công nghệ) phục vụ cho các ngành sản xuất công nghiệp - đây là yếu tố tiền đề thúc đẩy việc tiếp thu, học hỏi công nghệ tri thức mới và triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Về giải pháp đối với hệ thống các tổ chức KHCN (phát triển nguồn cung), để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ ở mức thấp, về mặt chính sách, cần ưu tiên tập trung phát triển hệ thống các tổ chức KHCN có tính ứng dụng. Nhà nước duy trì đầu tư để đảm bảo năng lực cạnh tranh (dẫn dắt) về công nghệ của các tổ chức này so với khối sản xuất; hỗ trợ hoạt động mua, giải mã các sáng chế công nghệ của thế giới, từ đó quay lại hỗ trợ việc ứng dụng tại doanh nghiệp trong nước.
Ngoài ra, còn yêu cầu đồng bộ về mặt chính sách, năng lực tự chủ về sản xuất và khả năng chủ động tham gia một cách hiệu quả vào chuỗi cung ứng dựa trên năng lực làm chủ công nghệ lõi ở các khâu tạo ra giá trị gia tăng cao. Để làm được điều này, cần sự đồng bộ giữa chính sách về phát triển ngành và chính sách về KHCN.
Ở khía cạnh của thị trường KHCN, yêu cầu đầu ra chính là khả năng làm chủ, sáng tạo công nghệ lõi hay tự chủ về mặt công nghệ của các tổ chức KHCN trong nước. Để làm được điều này, Nhà nước cần đầu tư để hình thành những tổ chức KHCN đi đầu trong khu vực, tiến tới là đối với các công nghệ lõi cần làm chủ.
Huy động tổng lực nguồn lực cho KH&CN.
Báo cáo một số nội dung về chính sách tài chính phục vụ cho phát triển lĩnh vực khoa học và công nghệ và phát triển thị trường khoa học công nghệ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, đối với nguồn lực của ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học công nghệ: Trong 5 năm vừa qua, chúng ta đầu tư khoảng 82.700 tỷ cho lĩnh vực khoa học công nghệ, trên 2,1 lần so với giai đoạn trước.
Tuy nhiên việc huy động nguồn lực cho phát triển khoa học công nghệ còn nhiều hạn chế, trong đó có cả các nguồn lực xã hội hóa, mới tập trung vào nguồn lực ngân sách nhà nước cũng như nguồn lực của một số doanh nghiệp, còn một số nguồn lực khác như nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước thì còn hạn chế.
Trong thời gian tới, cần huy động tổng lực nguồn lực hơn, có hướng huy động nguồn lực từ trên thị trường chứng khoán, thông các quỹ đầu tư mạo hiểm cho lĩnh vực khoa học công nghệ và các sản phẩm khoa học công nghệ.
Thứ hai là đối với các chính sách thuế, chính sách thuế của chúng ta áp dụng chung cho tất cả các thành phần và lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên đối với lĩnh vực khoa học công nghệ thì cơ bản chúng ta đã ưu đãi giảm thuế ở mức cao nhất đối với lĩnh vực khoa học công nghệ, kể cả thuế xuất nhập khẩu, về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng. Và trong chiến lược thuế đến năm 2030, chúng ta tiếp tục ưu đãi cao đối với lĩnh vực khoa học công nghệ.
Thứ ba là đối với quỹ phát triển khoa học công nghệ của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng đang dự thảo Thông tư và xin ý kiến của các bộ, ngành để hướng khuyến khích thành lập, huy động nguồn lực từ các quỹ phát triển khoa học công nghệ của các doanh nghiệp.
Thứ tư là đối với chính sách chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, ở đây có một số vướng mắc trong hướng dẫn Luật Tài sản công cũng như sự chồng chéo giữa Luật Tài sản công và Luật Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính cũng đang sửa đổi Nghị định 70 hướng dẫn Luật Tài sản công, theo hướng sẽ không bồi hoàn lại tiền ngân sách nhà nước đã đầu tư đối với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu các sản phẩm khoa học công nghệ, để phục vụ chuyển giao các sản phẩm khoa học công nghệ.
Nếu chúng ta sửa đổi theo hướng này sẽ khuyến khích trong việc chuyển giao các sản phẩm khoa học công nghệ.
Thứ năm về định giá công nghệ, đây là vấn đề phức tạp, Bộ Tài chính đã đưa và từng bước đưa chuẩn mực quốc tế về định giá vào trong định giá của Việt Nam. Tuy nhiên về định giá, đặc biệt là định giá tài sản vô hình là rất khó khăn và sản phẩm khoa học công nghệ là những tài sản vô hình. Mặc dù chúng ta đã có những chuẩn mực theo thông lệ chung rồi nhưng quan trọng là phải có chính sách để bảo vệ các tổ chức cá nhân và khuyến khích trong thực hiện chuyển giao và thương mại hoá các sản phẩm khoa học công nghệ.
Thị trường KH&CN là thị trường rất đặc biệt
PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: trong kinh tế thị trường thì phát triển thị trường là cái khó nhất. Chúng ta phải bàn thị trường KHCN như một yếu tố nền tảng của nền kinh tế thị trường, chứ không phải chỉ là chuyện của một ngành, một lĩnh vực cụ thể.
Việc phát triển thị trường rất khó. Ít nhất 30-40 năm nay, câu chuyện phát triển đồng bộ hệ thống thị trường khó như nào như thị trường bất động sản, tiền tệ… Từ đó, để biết rằng thị trường KH&CN – một thị trường liên quan đến sản phẩm trí tuệ còn khó hơn rất nhiều. Nên bàn về thị trường này không thể đơn giản được. Cần phải đặt vấn đề, tầm như thế để giải quyết.
Thứ hai, chúng ta đang ở thời đại công nghệ cao, tức là KH&CN và trí tuệ con người là nguồn lực quan trọng nhất. Chúng ta đang bàn đến một thị trường rất quan trọng cho phát triển, rất khó và cũng rất mới. Chúng ta phải bàn đến thị trường này như là một thị trường then chốt bậc nhất trong hệ thống thị trường, là thị trường dẫn dắt phát triển thì nền kinh tế chúng ta mới phát triển được.
Thứ ba, ta là nước đi sau, đây là lợi thế hay thách thức. Tất nhiên là nhiều lợi thế, chúng ta có thể rút ngắn được rất nhiều. Nhưng chúng ta lại thiếu nguồn lực, thiếu điều kiện, thiếu nền tảng. KH&CN bao giờ trở thành lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế, dẫn dắt phát triển nền kinh tế thì lúc đó chúng ta mới bàn về thị trường theo đúng nghĩa được.
Thứ 4, chúng ta phải hiểu được thị trường KH&CN là gì? Sản phẩm của nó định giá như nào? Đây là thị trường đặc biệt! Một chiếc đĩa mềm, USB có thể vài chục, trăm nghìn nhưng thông tin chứa ở trong đó thì khác. Với thị trường này, định giá sản phẩm rất khó, rất nhiều rủi ro, bởi thay đổi rất nhanh. Một sản phẩm hôm trước 1 tỷ, hôm sau có thể là mấy tỷ. Biến hóa, phạm vi, không gian sản phẩm trí tuệ rộng vô cùng, luôn luôn mới, thay đổi nhanh. Cho nên có câu chuyện sandbox về mặt chính sách.
Chúng ta cũng phải tập trung vào hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Việt Nam phải trở thành nơi hội tụ khoa học, hội tụ tài năng. Chúng ta mời được các tập đoàn lớn về, làm sao để cũng nhau phát triển năng lực tự thân của chúng ta, phải có lợi cả 2 bên.
Bài, ảnh: PV