Đẩy mạnh công tác “hậu kiểm” là cách tiếp cận được nhiều nước trên thế giới áp dụng, tại Việt Nam thời gian trước “tiền kiểm” là chính, do vậy chuyển sang “hậu kiểm” sẽ tạo cho doanh nghiệp điều kiện tiếp cận nhanh thị trường nhưng phải đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm, không để hàng hóa kém chất lượng thâm nhập vào thị trường.
Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định số 3482/QĐ-BKHCN ngày 8/12/2017 về việc công bố sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo đó, các sản phẩm hàng hóa nhóm 2 gồm: Xăng dầu, nhiên liệu hóa lỏng, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, thiết bị điện - điện tử, sắt thép các loại... được quản lý theo nội dung tên sản phẩm, hàng hóa, mã HS, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) nhằm quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu, không để sản phẩm hàng hóa kém chất lượng xâm nhập vào Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Vinh, Tổng Cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Năm 2018, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) tiếp tục triển khai mạnh mẽ các Nghị quyết, đặc biệt là Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, Nghị quyết số 01-2018/NQ-CP, đồng thời thực hiện Nghị quyết số 75/NQ-CP, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với các Bộ, ngành chủ động rà soát lại danh mục hàng hóa nhóm 2 nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo đó, ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra nhà nước trước khi thông quan thuộc phạm vi quản lý của các Bộ đã được loại bỏ so với trước nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Đồng thời, Tổng cục cũng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy định về chứng nhận hợp quy, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật An toàn thực phẩm.
Các sản phẩm hàng hóa nhóm 2 gồm: Xăng dầu, nhiên liệu hóa lỏng, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, thiết bị điện - điện tử, sắt thép các loại... được quản lý theo nội dung tên sản phẩm, hàng hóa, mã HS, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) nhằm quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu, không để sản phẩm hàng hóa kém chất lượng xâm nhập vào Việt Nam.
Có thể nói, đây là công việc quan trọng của Tổng cục bởi hoạt động của Tổng cục liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa, liên quan đến đo lường thì có “đúng sai”.
Các hoạt động của Tổng cục gắn chặt chẽ và gần gũi với doanh nghiệp đồng hành với quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy các biện pháp quản lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn về đo lường, chất lượng phải song hành với doanh nghiệp để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất trong thời gian tới, phục vụ sản xuất kinh doanh kịp thời của doanh nghiệp cũng như phối kết hợp với Bộ ngành để đẩy nhanh, đẩy mạnh công tác quản lý phục vụ doanh nghiệp.
Phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành nhóm 2 như thế nào, thưa ông?
Để công tác kiểm tra sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành nhóm 2 có hiệu quả, không để sản phẩm hàng hóa kém chất lượng xâm nhập vào thị trường, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát sản phẩm hàng hóa nhóm 2, Tổng cục được giao làm việc với 12 Bộ, ngành thống nhất được danh mục sản phẩm hàng hóa cần phải tiền kiểm, hậu kiểm và đã xác định, ban hành được danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2. Trường hợp sản phẩm, hàng hóa ban hành trong danh mục chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chưa có biện pháp quản lý thì phải xây dựng văn bản, các biện pháp quản lý phù hợp.
Hiện còn một số sản phẩm hàng hóa của các bộ, ngành chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật, cách thức quản lý rõ ràng dẫn đến khi nhập khẩu vào Việt Nam, sản phẩm hàng hóa đó không biết tuân thủ hay áp dụng theo tiêu chuẩn, nguyên tắc nào dẫn đến khó khăn và mất thời gian cho doanh nghiệp nhập khẩu.
Đẩy mạnh công tác “hậu kiểm” là cách tiếp cận được nhiều nước trên thế giới áp dụng, tại Việt Nam thời gian trước “tiền kiểm” là chính, do vậy chuyển sang “hậu kiểm” sẽ tạo cho doanh nghiệp điều kiện tiếp cận nhanh thị trường nhưng phải đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa không bị thay đổi, không để hàng hóa kém chất lượng thâm nhập vào thị trường.
Do vậy, sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành chính là việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn để công tác quản lý nhà nước “hậu kiểm” có hiệu quả. Các cơ quan quản lý nhà nước phải tập trung nhiều hơn nữa vào công tác “hậu kiểm”, không để sản phẩm hàng hóa kém chất lượng xâm nhập vào thị trường. Ngoài ra, nhận thức của doanh nghiệp trong trách nhiệm thực hiện “hậu kiểm” rất quan trọng để phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện “hậu kiểm”.
Hiện nay, công tác “hậu kiểm” đang từng bước được triển khai thực hiện, vừa qua, Tổng cục cũng trình Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam và hành lang pháp lý để quản lý chất lượng ô tô nhập khẩu kịp thời và lộ trình khí thải tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật cũng song hành kịp thời, đặc biệt là nhiều tiêu chuẩn phải 2019-2020 mới ban hành nhưng đã được ban hành để định hướng thị trường vì các tiêu chuẩn này đã được EU và các nước tiên tiến sử dụng. Vì vậy, về lâu về dài cần chuẩn bị hành lang pháp lý, định hướng cho doanh nghiệp để doanh nghiệp chủ động theo hướng hội nhập vớikinh tế quốc tế, theo chuẩn mực quốc tế trong tiếp cận với thị trường.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thu Hà/TTXVN (thực hiện)