Trong chuyến công tác tại hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, vấn đề được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm là câu chuyện về phát triển con tôm và ngành tôm Việt Nam theo hướng hiện đại. Tổng Bí thư bày tỏ trăn trở, chia sẻ khó khăn và quyết tâm đồng hành cùng cơ sở để kiếm tìm, xác định chủ trương, giải pháp mới, đúng đắn, đồng bộ... nhằm tạo "sức bật" mạnh mẽ cho con tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, xem đó là một hướng đi, một nguồn động lực quan trọng, tạo bứt phá phát triển kinh tế các tỉnh cực Nam Tổ quốc.
Chẳng phải ngẫu nhiên, khi vừa đặt chân đến Bạc Liêu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác Trung ương đã về ngay ấp Vĩnh Lạc (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) tham quan Khu nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính của Tập đoàn Việt-Úc. Đây là mô hình được kỳ vọng mở ra hướng đi mới, tạo thương hiệu bền vững và nâng cao giá trị kinh tế cho con tôm ở Bạc Liêu nói riêng, cả nước nói chung.
Theo đồng chí Lê Thị Ái Nam, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu, câu chuyện về tìm kiếm mô hình nuôi tôm hiện đại, hiệu quả như hiện tại và “vạch định” hướng đi đúng cho ngành tôm là quyết tâm, nỗi niềm chung của Trung ương, lãnh đạo địa phương, các doanh nghiệp... trong nhiều năm qua. Đã có không ít lần Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cán bộ tỉnh Bạc Liêu ra tận thủ đô Hà Nội để được lắng nghe định hướng, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ... về vấn đề này. Đồng thời, cũng đã có nhiều chuyến công tác của lãnh đạo Trung ương, cơ quan Trung ương về địa phương thị sát, kiểm tra, đồng hành cùng cơ sở tìm hướng đi đúng, xây dựng Bạc Liêu thành “thủ phủ tôm”. Và chuyến về thăm các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không nằm ngoài mong muốn ấy. Đây là chuyến công tác mang đến cho cán bộ, nhân dân địa phương niềm tin to lớn về những chỉ đạo vĩ mô, bao trùm, toàn diện nhằm “nâng tầm con tôm Việt”.
Với nguyện vọng và tâm trạng đó, khi tới thăm mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, các đại biểu như bị cuốn hút vào câu chuyện vui-buồn của con tôm tại đây. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chú ý lắng nghe nội dung báo cáo của lãnh đạo Tập đoàn Việt-Úc; bày tỏ ấn tượng trước kết quả phát triển tôm; nhất là thông tin về việc tập đoàn này chỉ nuôi tôm khoảng 200ha diện tích mặt nước đã cho sản lượng sản phẩm và giá trị kinh tế tương đương với 7.000ha do người dân nuôi tôm theo mô hình truyền thống.
Nâng niu những con tôm chắc khỏe đang búng nhảy trên tay, Tổng Bí thư hàm ý so ví, đây là một cách tạo ra “bước nhảy” trong phát triển của vùng đất đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn. Trước đây, đặc thù này khiến cấp ủy, chính quyền địa phương ngày đêm trăn trở, băn khoăn, thậm chí bế tắc về phương lối tháo gỡ, đi lên; khiến nhiều hộ nông dân phải “ngậm đắng nuốt cay”, chấp nhận thất bại vì trung thành với mô hình thả nuôi truyền thống... Còn giờ đây, với phương cách nuôi siêu thâm canh trong lồng kính hiện đại, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến và hình thành chuỗi phát triển ngành tôm khép kín... thật sự mở ra “con đường mới” để “nâng tầm tôm Việt”, đưa con tôm Việt Nam ra thị trường thế giới. Nói về lợi ích to lớn của mô hình nuôi tôm này, đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh:
- Ở vùng đất bị ngập mặn, nơi mà lúa, hoa màu khó phát triển và cho năng suất cao như ở các vùng miền khác... thì phát triển chăn nuôi hải sản nói chung, nuôi tôm nói riêng là hướng đi đúng nhất. Khi có hướng đi đúng, thì chúng ta có thể “biến” hàng loạt thách thức trở thành cơ hội lớn để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Những cánh đồng ngập mặn mênh mông, khó canh tác, vốn bị hoang hóa... nay được cải tạo thành những vuông tôm, ao tôm rộng lớn, mang đến giá trị kinh tế hàng trăm triệu, hàng tỷ đô-la là những minh chứng sống động...
Nhất trí cao với nhận định đó, các đại biểu trong Đoàn công tác Trung ương thống nhất cho rằng, thế mạnh lớn nhất của Bạc Liêu và Cà Mau là có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, rất thuận lợi cho phát triển ngành tôm. Trong đó, Bạc Liêu với gần 1.280km2 (tương đương gần một nửa diện tích tự nhiên toàn tỉnh). Cà Mau có diện tích nuôi tôm hiện tại khoảng 278.650ha và tiềm năng còn rất lớn. Đó là điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển con tôm theo mô hình mới. Hơn nữa, những địa phương này cũng đã có bề dày truyền thống, kinh nghiệm nuôi tôm; có sản lượng tôm đứng đầu cả nước hiện nay.
Chia sẻ với đội ngũ cán bộ chủ chốt ở mỗi tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, những yếu tố về tự nhiên và môi trường sẵn có là “điều kiện cần” cho phát triển con tôm. Trong khi đó “điều kiện đủ” ở thời điểm hiện tại cũng đã xuất hiện-đó là chủ trương đúng, quyết tâm cao của Trung ương và địa phương, năng lực và sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp có nguồn lực tài chính, làm chủ công nghệ tiên tiến và quy trình hiện đại. Đó là căn cứ để vững tin vào việc thực hiện thắng lợi chủ trương xây dựng các tỉnh cực Nam Tổ quốc thành “thủ phủ tôm” của cả nước. Tổng Bí thư cũng bày tỏ sự nhất trí cao với ý kiến định hướng, lưu ý của lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương dành cho hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Ấy là việc đòi hỏi quyết tâm cao hơn nữa, sức sáng tạo nhiều hơn nữa của đội ngũ cán bộ cơ sở; nhất là việc chống biểu hiện tư tưởng nóng vội, “tham bát bỏ mâm”, mà phải chú trọng phát triển đồng thời tất cả các hình thức, mô hình sản xuất độc đáo trong nhân dân, nhất là thâm canh, quảng canh cải tiến, tôm-lúa, tôm-rừng… Trong quá trình gợi ý thảo luận, Tổng Bí thư luôn đặt ra nhiều vấn đề hết sức cụ thể để cán bộ cơ sở nhìn nhận, tư duy. Ghi nhận những đóng góp đã có, nhưng đồng thời, Tổng Bí thư luôn đặt ra yêu cầu cao về tính bền vững của mô hình. Có nghĩa là mô hình phải vừa mang lại giá trị kinh tế cao, vừa bảo đảm gìn giữ, cải tạo môi trường sinh thái.
Trong hàng loạt các phần việc đặt ra, Tổng Bí thư hết sức quan tâm đến những giải pháp xây dựng thương hiệu cho con tôm Việt và tìm đầu ra cho sản phẩm. Khi đi thị sát trực tiếp tại các vuông tôm, Tổng Bí thư nghiêm túc đặt vấn đề với lãnh đạo Tập đoàn Việt-Úc:
- Tôm rất to, khỏe, đẹp, chất lượng tốt, nhưng liệu nó có thể “bật” được đến đâu, “bật” được đến những thị trường nào?
Anh Đặng Quốc Tuấn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Việt-Úc lạc quan trả lời:
- Hiện tại, chúng ta không lo lắng về đầu ra của con tôm, vì đã có những ký kết, hợp tác chặt chẽ, lâu dài. Hơn nữa, tiềm năng và dư địa thị trường cho sản phẩm này còn rất lớn...
Cũng theo anh Tuấn, giờ đây “con tôm Việt” không chỉ phục vụ thị trường hơn 90 triệu dân trong nước, mà còn vươn đến với 600 triệu người ASEAN. Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia tới 15 hiệp định thương mại tự do nên dư địa, tiềm năng thị trường là rất rộng lớn...
Phân tích sâu sắc hơn về cơ hội và tiềm năng thị trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, cho rằng: Một khi Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do, thì cũng có nghĩa là đất nước đã bước vào thị trường “mở hai chiều”. Theo đó, Việt Nam có cơ hội xuất hàng hóa đi, nhưng hiện tại, cơ hội “xuất” của chúng ta đang bị thách thức do trình độ và phương thức sản xuất còn manh mún, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Do đó, việc cấu trúc lại nền sản xuất là cần thiết và cách chăn nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao là một hướng đi phù hợp, đúng đắn.
Với niềm kỳ vọng to lớn, Bạc Liêu đang tập trung đầu tư phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản. Lãnh đạo tỉnh đã phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành thủy sản tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Theo đó, Bạc Liêu sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ về điện, đường giao thông, cấp thoát nước cho 12.000ha nuôi tôm, cơ sở hạ tầng vùng sản xuất con giống tập trung để thu hút doanh nghiệp… Phấn đấu đến năm 2020, sản lượng thủy sản đạt 370.000 tấn và sản lượng chế biến 78.000 tấn. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cộng đồng ngư dân ven biển, với mức thu nhập bình quân lao động thủy sản đạt hơn 92 triệu đồng/người và định hướng đến năm 2030, thu nhập bình quân lao động thủy sản cao gấp hai lần so với năm 2020.
Cũng với cách làm tương tự, nhưng Cà Mau đang chú trọng quan tâm, tạo mọi điều kiện nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh đặc thù của từng vùng sinh thái để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển. Cùng với lấy phát triển con tôm sú làm chủ lực, Cà Mau sẽ phát triển thêm các đối tượng nuôi khác cho giá trị kinh tế cao như: Cua biển, tôm càng xanh, cá kèo, cá chình, cá bống tượng, nghêu, sò… Việc đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng này vừa phát huy các lợi thế sẵn có, hạn chế rủi ro do độc canh con tôm sú, vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến xây dựng các mô hình sản xuất bền vững và gắn với khai thác du lịch sinh thái biển…
Với sự quan tâm, đồng hành sâu sát, thiết thực của Trung ương, hy vọng trong tương lai không xa, Bạc Liêu và Cà Mau sẽ sớm trở thành “thủ phủ tôm” của cả nước; hy vọng đời sống nhân dân nơi đây sẽ mau chóng đổi thay từ việc nuôi tôm theo mô hình mới, tạo thêm nhiều cơ hội đột phá mới trong phát triển của các tỉnh cực Nam Tổ quốc.