Ca ghép tim trên người đầu tiên của Việt Nam xuất phát từ đề tài nghiên cứu do Bộ KH&CN hỗ trợ.
Đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý và cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN); tạo môi trường thuận lợi phát huy quyền sáng tạo để KH&CN thực sự trở thành động lực then chốt, tạo đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất hiện đại… - đây là những kiến nghị nhằm phát triển hoạt động KH&CN được đưa ra tại Hội thảo “Đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN” do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ KH&CN phối hợp tổ chức mới đây.
KH&CN còn nhiều cản trở
Từ khi có Nghị quyết Trung ương 2 (Khóa VIII) đến nay, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN đã đi vào cuộc sống, tạo động lực mạnh mẽ cho hoạt động KH&CN trong việc nghiên cứu ứng dụng, triển khai đổi mới công nghệ. Số lượng các tổ chức KH&CN tăng dần, đặc biệt là các tổ chức KH&CN ngoài công lập theo xu hướng xã hội hóa. Cơ chế hoạt động của các tổ chức KH&CN đã được đổi mới cơ bản, với chủ trương chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm và hình thành các doanh nghiệp KH&CN, hứa hẹn sẽ trở thành lực lượng sản xuất mới, đưa đất nước phát triển trong thời gian tới.
Tuy nhiên, hoạt động KH&CN hiện vẫn còn những hạn chế, cản trở sự phát triển và đóng góp của KH&CN trong quá trình công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) đất nước. Hiệu quả hoạt động KH&CN của đa số các tổ chức KH&CN còn thấp, chưa thoát khỏi thói quen bao cấp. Việc xác định nhiệm vụ KH&CN còn dừng ở định hướng, ưu tiên nhưng chưa xác định được nhiệm vụ cụ thể cho từng giai đoạn và lộ trình thực hiện các nhiệm vụ này để đạt mục tiêu đề ra, chưa triển khai có hiệu quả cơ chế nhà nước đặt hàng nhiệm vụ KH&CN đặc biệt là những nhiệm vụ có giá trị cao về KH&CN và kinh tế xã hội. Vốn đầu tư cho KH&CN đã dần được tăng lên nhưng vẫn thấp so với yêu cầu và việc sử dụng trong thực tế còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao; chi đầu tư phát triển KH&CN ở địa phương thấp hơn mức chi tối thiểu theo quy định hoặc được sử dụng chưa đúng mục đích;…
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn – Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nhận định, thực tế cho thấy, yếu tố cản trở lớn nhất hoạt động của các cơ quan KH&CN công lập hiện nay không phải là kinh phí hay cơ sở vật chất, mà do thiếu động lực cho đội ngũ cán bộ. Cán bộ khoa học, cán bộ khuyến nông không coi mình là chủ nhân của viện nghiên cứu, trạm kỹ thuật, không hăng say nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thì cho rằng, đầu tư đổi mới công nghệ thời gian qua đã có dấu hiệu gia tăng và mang lại một số kết quả nhất định trong một số ngành, lĩnh vực. Một số lĩnh vực công nghệ cao đã được ứng dụng tương đối nhanh như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới. Doanh nghiệp và xã hội ngày càng tham gia tích cực hơn vào quá trình đổi mới công nghệ. Các viện nghiên cứu đã bắt đầu năng động hơn trong đầu tư đổi mới công nghệ. Với chủ trương chính sách của Nhà nước cho phép các tổ chức nghiên cứu và triển khai được thực hiện sản xuất kinh doanh, nhiều tổ chức đã trực tiếp tham gia vào quá trình ứng dụng những kết quả nghiên cứu đổi mới công nghệ của mình để tạo nên những sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh cao hơn. Nhà nước đã ban hành chính sách đổi mới cơ chế quản lý hoạt động của các tổ chức KH&CN. Tuy nhiên đến nay, chủ trương đổi mới cơ chế này vẫn chưa được triển khai thực hiện triệt để, nghiêm túc.
Để KH&CN đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế xã hội
Trước thực trạng trên, cần có những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại, tạo điều kiện thuận lợi để KH&CN đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế xã hội.
Ông Trần Quốc Khánh – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN) cho biết, cả nước hiện có 585 tổ chức KH&CN công lập. Trong đó có 228 tổ chức thuộc các bộ, ngành (chiếm tỷ lệ 72%) và 39 tổ chức thuộc các địa phương (chiếm tỷ lệ 20%) đã được phê duyệt Đề án chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định của Nghị định 115; 160 tổ chức thuộc các Bộ, ngành (chiếm tỷ lệ 28%) và 158 tổ chức thuộc các địa phương (chiếm tỷ lệ 80%) đang xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án chuyển đổi.
Hiện nay, tiến độ triển khai thực hiện cơ chế tự chủ hiện còn chậm. Thời gian tới, cần tăng cường quán triệt tinh thần của NĐ 115, NĐ 80, NĐ 96 và các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế tự chủ đối với các tổ chức KH&CN. Trong đó nhấn mạnh việc thay đổi phương thức cấp kinh phí hoạt động thường xuyên vào kinh phí thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức KH&CN, hoàn thiện quy định về việc hỗ trợ ưu đãi của Nhà nước trong việc giao đất, giao tài sản cho các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN,…; có biện pháp đầu tư phát triển, nâng cao tiềm lực cho các tổ chức về tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất để các tổ chức KH&CN đủ mạnh và có thể tự chủ thực sự khi chuyển sang tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên; tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành và phát triển các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp tại các trường đại học kỹ thuật – công nghệ;…
“Yêu cầu đổi mới hệ thống tổ chức KH&CN Việt Nam thời gian tới thực sự cần thiết. Cơ chế hoạt động của các tổ chức KH&CN phải được đổi mới theo định hướng thị trường”, bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng cho hay.
TS. Đặng Kim Sơn cho biết, gần đây tăng trưởng của ngành nông nghiệp chững lại và giảm rõ rệt. Tăng trưởng GDP của ngành giảm từ 4,7% năm 2008 còn 2,8% trong năm 2010. “Rõ ràng đã đến lúc chúng ta phải chuyển từ một nền nông nghiệp tăng trưởng theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu. Yếu tố động lực của chính sách, hiệu quả của KH&CN và các biện pháp quản lý phải trở thành nguồn lực chính tạo nên tăng trưởng”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, cần phải đổi mới các đơn vị KH&CN công lập trở thành đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chuyển đổi các tổ chức KH&CN và cả đơn vị trực thuộc chuyển sang hình thức doanh nghiệp KH&CN; cán bộ phải được đánh giá theo hiệu quả công việc, năng lực cán bộ phải được dùng làm tiêu chí đãi ngộ, trả lương...
Về vấn đề xét chọn, tuyển chọn và đánh giá kết quả đề tài, dự án, theo GS. Phạm Gia Khánh, Chủ nhiệm Chương trình KC.10, thời gian qua Bộ KH&CN đã rất quan tâm đến vấn đề đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN. Đến nay, cơ chế tổ chức quản lý đã tương đối hoàn thiện, tuy nhiên cũng còn có một số mặt cần tiếp tục phải cải tiến. Ví dụ như vấn đề đánh giá nghiệm thu cần dựa vào kết quả cuối cùng của nghiên cứu; vấn đề tuyển chọn, xét chọn chưa có các biện pháp để đánh giá khách quan. Quy trình tuyển chọn, xét chọn nên có phản biện độc lập và khi bỏ phiếu không nên ký tên để khách quan hơn. Cần có hội thảo riêng bàn về các vấn đề như xây dựng khung chương trình, xác định nhiệm vụ, tuyển chọn, xét chọn đề tài, đánh giá nghiệm thu thế nào cho khách quan, hiệu quả;...
Trước một số bất cập cản trở sự phát triển KH&CN hiện nay, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh, cần có giải pháp đổi mới phát triển KH&CN. Trước hết là hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt là tiêu chí để xác định nhiệm vụ, đề tài khoa học. Kinh phí ngân sách khoa học phải tiếp cận với những đề tài, đề án tốt và những gì thực tiễn cuộc sống đang đang đòi hỏi và nhà nước cần. Cần phải có tiêu chí đặt hàng nghiên cứu khoa học, cơ quan đặt hàng có trách nhiệm bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện đặt hàng và nghiệm thu, áp dụng kết quả đặt hàng, gắn quản lý nhà nước và khoa học với quản lý chuyên ngành sẽ hiệu quả.
Cùng với đó là tăng cường phân cấp và tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ và sử dụng nguồn lực, bao gồm cả nhân lực và nguồn lực tài chính. Làm sao thủ trưởng đơn vị có quyền sử dụng người tốt nhất và tiền đó phải sử dụng vào việc cần, không hành chính hóa; khuyến khích tạo điều kiện các nhà khoa học khai thác các hợp đồng nghiên cứu bên ngoài, từ đó các tổ chức KH&CN có uy tín được tham gia nghiên cứu mở rộng. Chúng ta phải tạo ra những tập thể nghiên cứu khoa học, chứ không phải khép kín trong một đơn vị.
Nguyễn Hạnh – Phương Nga
|