Sự kiện mới đây một sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội có bài nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Nano Letter của Hội Hóa học Hoa Kỳ phần nào cho thấy, sinh viên Việt Nam đã quan tâm tới công tác nghiên cứu khoa học. Song, đó chỉ là số ít bởi theo nhiều chuyên gia, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên chưa nhiều, chưa bài bản và chất lượng chưa cao.
Thiếu quỹ thời gian?
Nghiên cứu khoa học không chỉ cung cấp cơ hội tiếp cận với lĩnh vực yêu thích mà còn cho sinh viên tác phong làm việc khoa học, rèn luyện cách nhìn nhận vấn đề khách quan. Thế nhưng, trên thực tế, số lượng sinh viên quan tâm tới nghiên cứu khoa học còn quá ít, chất lượng các đề tài nghiên cứu chưa cao và thiếu tính thực tế. Tại nhiều trường đại học, công tác nghiên cứu đang được xem như một phong trào chứ chưa thực sự khơi dậy niềm đam mê từ phía sinh viên.
Đi tìm nguyên nhân, có ý kiến cho rằng, với chương trình đào tạo đại học như hiện nay, sinh viên sẽ phải miệt mài lên lớp nghe giảng, ôn bài, làm bài thi hay viết khóa luận. Trong khi, các cuộc thi dành cho nghiên cứu khoa học thường song song với lịch học chính khóa, đương nhiên sinh viên sẽ ít quan tâm tới công tác nghiên cứu, bởi việc đánh giá kết quả học tập vẫn chủ yếu dựa vào thi kết thúc môn học. Thời gian dành cho nghiên cứu khoa học ít hay nhiều còn nằm ở việc xác định tầm quan trọng của nó, thế nhưng, nhiều sinh viên chưa trả lời được câu hỏi, nghiên cứu khoa học để làm gì hay phải bắt đầu từ đâu và nghiên cứu những gì. Điều đó chẳng khác nào con tàu đi không rõ phương hướng, không biết đích tới của cuộc hành trình. Sự hiểu biết của sinh viên về phong trào nghiên cứu khoa học chưa đầy đủ, vẫn có quan điểm coi nghiên cứu khoa học là cao siêu, chỉ dành riêng cho những sinh viên xuất sắc trong khi các trường đại học còn thiếu kênh thông tin thường xuyên và mạnh mẽ về vấn đề này. Phương pháp học tiếp cận kiến thức một chiều, thụ động hiện nay cũng chính là một trong những rào cản khiến sinh viên ít chú trọng vào nghiên cứu khoa học - lĩnh vực đòi hỏi sự chủ động tích cực.
Tuy nhiên, một nhà khoa học từng nhận định, nếu có lòng đam mê, mỗi sinh viên đều có thể tự sắp xếp, phân bổ thời gian hợp lý, sẽ biết ứng dụng kiến thức đã và đang được học trong trường lớp vào đề tài mình đang theo đuổi. Kinh nghiệm từ sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội vừa có bài báo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nano Letter của Hội Hóa học Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng, để có thành tích nghiên cứu khoa học đạt tầm quốc tế, sinh viên này đã phải dành thời gian tích lũy nghiên cứu khoa học khá dài. Thành công đến không chỉ ở tài năng, sức sáng tạo mà còn là sự kiên trì, chủ động và niềm đam mê trong nghiên cứu khoa học.
Cần định hướng cho sinh viên
Để đạt được thành công trong nghiên cứu khoa học, đam mê thôi vẫn chưa đủ. Theo Gs Ngô Bảo Châu, bên cạnh nhiệt huyết, các sinh viên phải học hỏi và tích lũy kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học. Bởi với môi trường hiện đại có tính chuyên nghiệp cao, nếu không tích lũy kinh nghiệm, sinh viên sẽ khó xác định vấn đề thời sự để giải quyết. Nghịch lý mà các nhà khoa học trẻ hiện đang gặp phải là vấn đề trong khả năng giải quyết thường không có tính thời sự còn vấn đề thời sự lại nằm ngoài khả năng. Điều đó đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải có định hướng rõ ràng cho sinh viên trong hoạt động nghiên cứu khoa học.
Không ít chuyên gia cho rằng, các trường đại học cần tạo môi trường cho sinh viên nghiên cứu khoa học. Cụ thể là tạo điều kiện cho sinh viên tham gia nhóm nghiên cứu ngay từ những năm đầu tiên nhằm học hỏi kinh nghiệm từ giảng viên và sinh viên khóa trên. Khi đã được làm quen với môi trường khoa học, được trang bị kiến thức vững vàng, cộng thêm sự định hướng tốt từ nhà trường, sinh viên sẽ có nhiều thời gian theo đuổi đề tài yêu thích, hình thành những ý tưởng riêng và tạo ra được nhiều công trình có giá trị. Bởi trên thực tế, thường phải từ những năm học thứ ba trở đi, sinh viên mới bắt đầu tiếp cận với hoạt động nghiên cứu, nghĩa là thời gian dành cho nghiên cứu khoa học chỉ khoảng hơn một năm, sẽ khó có sinh viên nào nắm vững được các vấn đề khoa học để định hướng rõ đề tài nghiên cứu.
Thực tế, để tạo môi trườâng cho sinh viên nghiên cứu khoa học, nhiều trường đại học đã mở cửa các phòng thí nghiệm cho phép sinh viên vừa học tập vừa nghiên cứu ngay từ những năm đầu. Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) là một điển hình, trường vừa khánh thành thêm 3 phòng thí nghiệm phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên. Trong đó có Phòng thí nghiệm Siêu cao tần, được sinh viên Khoa Điện tử viễn thông sử dụng để nghiên cứu công nghệ dân sự, quốc phòng như radar, mạch thu phát, chip cao tần; Phòng thí nghiệm Tính toán hiệu năng cao (HPC) phục vụ để phát triển đồng bộ ngành khoa học và công nghệ tính toán; Phòng thí nghiệm Giao tiếp người và máy của bộ môn kỹ thuật hệ thống công nghiệp tạo môi trường cho sinh viên làm quen thực hành điều khiển tự động.
Xuất phát từ thực tế liên kết giữa trường đại học với doanh nghiệp thiếu chặt chẽ, nhiều công trình khoa học của sinh viên khó ứng dụng vào thực tế, một số chuyên gia cho rằng, các trường đại học cần chủ động tổ chức đoàn tham quan doanh nghiệp giúp sinh viên tìm được đề tài nghiên cứu phù hợp. Bên cạnh đó, cũng cần khuyến khích sinh viên đăng bài trên các tạp chí khoa học. Có thể học tập kinh nghiệm từ Hàn Quốc, khi sinh viên có bài báo được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành hay có công trình khoa học được đánh giá tốt sẽ được công nhận tốt nghiệp mà không phải bảo vệ luận văn. Những biện pháp này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đề tài nghiên cứu mà còn là động lực khích lệ sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học chủ động, sáng tạo và tích cực hơn.