Chương trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn (KC.07/06-10) đã mang lại nguồn thu nhập hàng tỷ đồng cho xã hội, góp phần giải quyết việc làm, ổn định kinh tế nông thôn.
PGS - TSKH Phan Thanh Tịnh- Chủ nhiệm Chương trình cho biết như trên tại lễ tổng kết.
Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của Chương trình KC.07?
PGS - TSKH Phan Thanh Tịnh: Chương trình đã xây dựng và hoàn thiện hơn 200 công nghệ và quy trình công nghệ, hơn 100 tài liệu hướng dẫn kỹ thuật; thiết kế, hoàn thiện thiết kế và chế tạo được trên 60 dây chuyền thiết bị và gần 800 thiết bị máy móc,…Kết quả nghiệm thu đánh giá đã có 7 nhiệm vụ xếp loại xuất sắc (chiếm 20,5%), 25 nhiệm vụ xếp loại khá (73,5%) chỉ có 2 nhiệm vụ xếp loại trung bình (6%).
Đã triển khai được 13 Dự án XSTN (chiếm gần 40% nhiệm vụ của Chương trình). Nhiều sản phẩm của Dự án như: các thiết bị cắt tách vỏ cứng hạt điều, bóc vỏ lụa nhân điều, dây chuyền chế biến nhựa thông, thiết bị đánh bóng cà phê theo phương pháp ướt, máy canh tác mía, máy gặt đập lúa liên hợp,…đã trở thành sản phẩm thương mại hóa. Những sản phẩm này đã góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân và người dân.
Cùng với việc triển khai công tác nghiên cứu, các đề tài/dự án đã góp phần đào tạo được 56 thạc sỹ, 12 tiến sỹ; công bố 100 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong nước, 30 bài báo đăng trong kỷ yếu Hội thảo quốc tế và 4 bài báo đăng trên Tạp chí KHCN quốc tế. Đã có 41 công nghệ đăng ký sở hữu trí tuệ, trong đó 4 công nghệ được cấp bằng độc quyền sáng chế và kiểu dáng công nghiệp.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến thành công này thưa ông?
Khâu xác định nhiệm vụ, chương trình đã tiến hành khá tốt. Hầu hết các đề tài/dự án đáp ứng được yêu cầu bức xúc của sản xuất, đời sống và phủ hết 4 lĩnh vực của Chương trình. Trong đó, hai lĩnh vực cơ khí nông nghiệp và bảo quản chế biến nông lâm thủy sản chọn được nhiều đề tài nhất. Điều đó là đúng hướng và cũng phù hợp với đòi hỏi thực tế.
Hầu hết các công nghệ và thiết bị do đề tài nghiên cứu đều được thử nghiệm tại các mô hình thực tế để kiểm tra tính phù hợp, khả năng ứng dụng và lấy ý kiến của bà con nông dân và các doanh nghiệp. Nhiều công nghệ, thiết bị có giá trị khoa học và thực tiễn rõ rệt như các thiết bị chữa cháy rừng, thiết bị thu gom, vận chuyển làm sạch muối công nghiệp, công nghệ và thiết bị nuôi cá lồng biển mở, công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh vật ứng dụng trong chế biến thực phẩm lên men truyền thống, công nghệ bảo quản rau quả bằng chế phẩm tạo màng, công nghệ và thiết bị sản xuất hàng mỹ nghệ kim loại màu quy mô làng nghề,…đã được đánh giá cao tại các mô hình ứng dụng. Trong số 21 đề tài, đã có 12 đề tài (57%) đã đăng ký và được các Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước kiến nghị Bộ KH&CN cho thực hiện Dự án SXTN.
Hơn nữa, các đề tài dự án của Chương trình đã có sự kết hợp rất tốt với các cơ sở ứng dụng. Một đặc thù của KC 07 là các kết quả nghiên cứu phải được ứng dụng ở các mô hình trong sản xuất.
Chúng tôi có 34 nhiệm vụ nhưng đã xây dựng được 64 mô hình ứng dụng trong sản xuất. Điều này cũng thể hiện một sự gắn kết rất chặt chẽ giữa nhà khoa học với các cơ sở sản xuất, với bà con nông dân để có thể ứng dụng được các kết quả nghiên cứu của mình.
So với các thiết bị công nghệ nhập ngoại thì hiệu quả kinh tế như thế nào thưa ông?
Phần lớn các thiết bị của KC 07 có thể cạnh tranh được với các thiết bị nhập ngoại trong đó có một số thiết bị còn vượt mức so với thiết bị nhập ngoại như thiết bị tự động tách vỏ hạt điều so với Ý và các nước đang sản xuất thiết bị này về tính năng chúng ta ưu việt hơn hẳn trong khi giá thành lại rẻ hơn.
Hay hệ thống thiết bị muối, giá thành cũng chỉ bằng 1/2 so với nhập khẩu. Tất cả các thiết bị sản xuất trong nước đều có giá thành thấp hơn nhập ngoại.
Về chất lượng chế tạo, kiểu dáng công nghiệp một số thiết bị của ta đã làm được nhưng còn một số vẫn gặp khó khăn do năng lực chế tạo trong nước còn hạn chế.
Có một số sản phẩm đáng kể đến như muối, qua ứng dụng công nghệ làm sạch muối, giá muối đã tăng được 10.000 trên 100kg, 1 tấn cà phê có thể tăng từ 100 – 150 Đô la. Những sản phẩm khác giá trị có thể tăng từ 5 – 10% so với các sản phẩm chưa ứng dụng.
Ông có thể cho biết những khó khăn, hạn chế trong việc triển khai các đề tài/dự án?
Trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn như cơ chế điều hành quản lý, cơ chế tài chính chưa thực sự động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà khoa học đầu tư chất xám tốt hơn.
Chúng tôi rất mong trong giai đoạn tới, 2011-2015, Bộ KH&CN và các cơ quan liên quan có một số điều chỉnh cần thiết trong cơ chế quản lý của mình đặc biệt là cơ chế tài chính để động viên các nhà khoa học có thể toàn tâm toàn ý tham gia thực hiện những nội dung nghiên cứu của mình, như thế chất lượng sản phẩm còn cao hơn nữa.
Ngoài ra nhà nước phải có đầu tư về nền tảng cơ khí chế tạo trong lĩnh vực nông nghiệp. Tôi nghĩ trong thời gian vừa qua chúng ta đầu tư cho cơ khí chế tạo chủ yếu là cho những lĩnh vực cao hơn, trong thời gian tới phải đầu tư cơ khí chế tạo cho sản xuất các thiết bị nông nghiệp. Nếu nhà nước và tư nhân đầu tư vào đây thì sẽ nâng cao được mặt bằng gia công cơ khí chế tạo.
KC.07 trong thời gian tới sẽ tập trung vào hai lĩnh vực là bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy hải sản. Tất cả các nội dung liên quan đến bảo quản và chế biến như bảo quản chế biến rau quả, lúa gạo, cafe, chè, một số sản phẩm nông nghiệp khác. Hướng sẽ tập trung vào những sản phẩm chủ lực này, trong giai đoạn tiếp theo sẽ có một nét chuyển biến lớn hơn trong các sản phẩm được bảo quản và chế biến của mình để nó có thể cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm của nước ngoài nhập vào Việt Nam.
Nguyễn Uyên- Hoàng Anh (thực hiện)