Cần đầu tư rất nhiều cho khoa học cơ bản bởi đó là nền tảng để khoa học Việt Nam vươn lên trong môi trường học thuật quốc tế. Theo chia sẻ của GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Khoa học "Gặp gỡ Việt Nam", việc tạo dựng những điểm đến cho các nhà khoa học chính là cách đầu tư quan trọng và hiệu quả.
Từ "Gặp gỡ Moriond"…
Cách đây nửa thế kỷ, Trần Thanh Vân, một tiến sĩ khoa học vật lý gốc Việt sống trên đất Pháp, mới 30 tuổi, nảy ra ý tưởng: Không tổ chức những hội nghị khoa học như thông thường, mà tạo ra một mô hình mới - những cuộc “gặp gỡ”. Trong một không gian an bình, nơi mọi người có những sinh hoạt chung, cùng chơi thể thao, cùng đi dạo, mối quan hệ giữa các nhà vật lý - dù đã đoạt Giải thưởng Nobel hay mới chỉ là một tiến sĩ trẻ - dễ trở nên thân tình hơn, cởi mở hơn, và do đó nhân bản hơn.
Với tư tưởng đó, tại ngôi làng Moriond nhỏ bé nằm bên dãy Alpes, "Gặp gỡ Moriond" lần thứ nhất ra đời theo ý tưởng của Trần Thanh Vân, với sự tham gia của khoảng 20 nhà vật lý trẻ - phần lớn từ Đại học Paris - Sud (Đại học Paris 11) ở Orsay, Pháp. Tại Moriond (còn có tên là Courchevel 1500), một nơi trượt tuyết đẹp tuyệt vời, các tiến sĩ trẻ của Châu Âu buổi sáng tranh luận về vật lý và buổi chiều đi trượt tuyết, kết hợp nghiên cứu khoa học với thể thao, du lịch. Sau đó, các cuộc hội thảo khoa học lại tiếp tục tới 20 giờ. Sau bữa ăn tối, họ giao lưu khoa học hay chơi đàn violin hoặc guitar. Chưa đủ tiền thuê khách sạn, các nhà khoa học trẻ thuê nhà trọ, đi chợ mua thực phẩm, tự nấu ăn và rửa bát.
"Gặp gỡ Moriond" lần thứ hai có các nhà vật lý Italia “xin” đến dự. Ở những lần "gặp gỡ" sau có thêm nhiều nhà vật lý các nước khác ở Châu Âu. Quy mô lớn dần, danh tiếng "Gặp gỡ Moriond" vang xa tới tận bờ bên kia Đại Tây Dương, dần dà thì số nhà vật lý người Mỹ đến dự đông hơn người Pháp. Theo thời gian, các cuộc "Gặp gỡ Moriond" lôi cuốn cả các nhà khoa học từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Việt Nam…
Năm mươi năm qua, "Gặp gỡ Moriond" được cộng đồng vật lý thế giới nhìn nhận là một trong những hội nghị hàng đầu thế giới của ngành, thu hút nhiều nhà khoa học đã đoạt giải Nobel. Hình thức “gặp gỡ” đã được các viện khoa học Mỹ và Châu Âu học theo, bắt đầu xuất hiện "Gặp gỡ mùa đông tại Aspen" (Mỹ), "Gặp gỡ tại hồ Louise" (Canada), "Gặp gỡ tại thung lũng Aosta, La Thuile" (Italia).
...tới khu đô thị khoa học
Theo GS Trần Thanh Vân, vì cần dành nhiều thời gian hơn cho "Gặp gỡ Việt Nam", ông lập ra một nhóm để tiếp tục đảm nhiệm việc tổ chức "Gặp gỡ Moriond", đó là GS Etienne Augé và GS Jacques Dumarchez. Họ cũng là những người sát cánh với "Gặp gỡ Việt Nam", mong muốn góp phần xây dựng nền tảng khoa học ở Việt Nam nói riêng và các nước vùng Đông Nam Á nói chung. Điểm đến của họ là Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại TP Quy Nhơn (Bình Định), nơi Hội "Gặp gỡ Việt Nam" - cũng theo tinh thần Moriond - hoạt động sôi nổi, tạo nên một tiêu điểm hội tụ giới trí thức Đông Nam Á đang làm việc hết mình cho giáo dục trình độ cao và nghiên cứu khoa học.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, việc xây dựng Bình Định trở thành một điểm đến của các nhà khoa học được coi là hướng đi mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cuộc gặp gỡ với vợ chồng GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc - những trí thức có uy tín và luôn hướng về quê hương, là một cơ duyên lớn. Kết quả là Hội Khoa học "Gặp gỡ Việt Nam" đã chọn nơi đây để xây dựng Trung tâm ICISE.
Mới 3 năm kể từ khi khánh thành và đưa vào hoạt động, đến nay, Trung tâm ICISE đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học mang tầm quốc tế do các nhà khoa học danh tiếng trên thế giới chủ trì và tham dự. Qua đó, Việt Nam đã nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức khoa học, đào tạo, của các nhà khoa học quốc tế. Nhiều nghiên cứu sinh, nhà khoa học trẻ Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ quý báu để theo đuổi sự nghiệp khoa học. Nhóm các nhà khoa học của Phòng Vật lý Thiên văn và Vũ trụ thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là một ví dụ. Nhiều người trong số họ được cấp học bổng làm luận án tiến sĩ ở nước ngoài và trở về Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, tham gia đào tạo các bạn trẻ khác dưới sự hướng dẫn của GS Pierre Darriulat, một thành viên đặc biệt của "Gặp gỡ Việt Nam".
Không dừng lại ở đó, vợ chồng GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc còn đề xuất ý tưởng phát triển nơi đây thành khu đô thị khoa học, mà trước tiên là xây dựng một tổ hợp không gian khoa học để cùng với Trung tâm ICISE tạo thành điểm nhấn của khu đô thị này. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, khu đô thị khoa học này sẽ là địa điểm lý tưởng để khích lệ các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, khám phá, phát minh của giới khoa học Việt Nam và các nước trên thế giới. Đây cũng sẽ là địa điểm hấp dẫn cho thanh, thiếu niên và nhân dân cả nước đến tham quan, trải nghiệm các thí nghiệm khoa học với nhiều chủ đề, giúp giới trẻ khám phá khoa học.
Hiện nay, tỉnh Bình Định phối hợp với GS Trần Thanh Vân và các bộ, ngành đề xuất Chính phủ thành lập một viện nghiên cứu với sự tham gia của các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam, mục tiêu là trong một ngày không xa, nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị sẽ ra đời từ mảnh đất này.