Những năm gần đây, tỉnh Nam Định tập trung đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN) với việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cùng sự “chung tay” của doanh nghiệp, người dân.
Nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng, nhân rộng trong sản xuất, đời sống mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của tỉnh.
Nhiều công nghệ mới được ứng dụng thành công
Nam Định là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp. Những năm qua, chính quyền, doanh nghiệp, các đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người lao động ở địa phương. Đơn cử, Công ty TNHH Cường Tân, xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống lúa mới M1-NĐ, CS6-NĐ, góp phần giảm giá thành sản xuất 15-20% so với giá các giống lúa khác trên thị trường; đáp ứng hơn 50% nhu cầu lúa giống trên địa bàn tỉnh. Nhờ ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, một số thương hiệu nông sản trên địa bàn được công nhận, có chỉ dẫn địa lý, điển hình là gạo Giao Thủy, nước mắm Ngọc Lâm, cá bống bớp Nghĩa Hưng…
|
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Nam Định ứng dụng công nghệ khí canh để tạo giống khoai tây sạch.
|
Đề án “Xây dựng hệ thống sản xuất giống khoai tây sạch bệnh trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2014-2018” là một trong những đề án ứng dụng KH&CN thành công nhất tại địa phương. Chia sẻ về đề án này, ông Vũ Xuân Trung, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Nam Định-đơn vị thực hiện đề án, cho biết: "Giống khoai tây ở tỉnh hiện nay được nhập chủ yếu từ Hà Lan hoặc Trung Quốc. Giống nhập từ Hà Lan củ to, chất lượng tốt nhưng giá thành cao, nguồn cung lại không đều. Khi nhập về đến nơi thì quá vụ, lúc đó phải cho vào kho lạnh để bảo quản đợi đến vụ sau, ảnh hưởng tới chất lượng của giống. Trong khi, giống nhập từ Trung Quốc thường qua đường tiểu ngạch nên chất lượng không bảo đảm, dù giá thành rẻ. Việc áp dụng thành công công nghệ giúp trung tâm sản xuất giống khoai tây sạch, chất lượng tương đương với giống nhập từ Hà Lan, giá thành lại rẻ. Mỗi năm, trung tâm cung ứng ra thị trường 1.000-1.200 tấn giống, đáp ứng 50% nhu cầu khoai tây giống sạch của tỉnh. Hiện nay, loại giống này đang được trồng tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, như: Nam Trực, Trực Ninh, Ý Yên…
Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kết quả nghiên cứu KH&CN được ứng dụng vào thực tế, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tổng công ty Cổ phần Dệt may Nam Định, Công ty Cổ phần May Sông Hồng, Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam... là những doanh nghiệp tiêu biểu, nhờ ứng dụng thành công công nghệ tiên tiến giúp các doanh nghiệp này vươn lên, trở thành những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dệt may cả nước.
Phát huy các nguồn lực
Theo ông Mai Thanh Long, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Nam Định: Những năm qua, việc chú trọng đầu tư cho KH&CN trên nhiều lĩnh vực đem lại những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Tuy nhiên, ngành KH&CN của tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn: Kinh phí đầu tư cho KH&CN của tỉnh còn ít, phần lớn kinh phí chi cho các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, trong khi tính ứng dụng của nhiều đề tài chưa cao, mang tính nhỏ lẻ. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn chưa quan tâm đầu tư cho KH&CN, chưa hiểu rõ được tầm quan trọng của KH&CN đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học tại địa phương chưa cao, nhiều cán bộ chưa đủ khả năng thẩm định, lựa chọn công nghệ mới phù hợp về ứng dụng...
Để ngành KH&CN của tỉnh phát triển, theo ông Mai Thanh Long, cần phát huy các nguồn lực đầu tư cho KH&CN trong thời gian tới, gồm: Chính quyền-doanh nghiệp-người dân. Ngoài ra, việc đào tạo đội ngũ cán bộ làm khoa học có trình độ chuyên môn cao, bảo đảm kinh phí đầu tư cho KH&CN cũng cần được chú trọng. Việc giải quyết vấn đề có tính liên ngành, liên vùng, mô hình liên kết chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất cũng cần được chú ý, nhất là phát huy lợi thế của từng vùng, miền, lợi thế trong nuôi trồng thủy sản sẽ góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
KH&CN là kênh quan trọng để nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, giúp kinh tế địa phương phát triển nên chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định những năm qua đã tập trung phát triển thị trường KH&CN, trong đó có việc đầu tư xây dựng sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Nam Định. Đây là tổ chức trung gian của thị trường KH&CN nhằm thực hiện các dịch vụ hỗ trợ các bên có nhu cầu giao dịch công nghệ, tài sản trí tuệ, hỗ trợ kỹ thuật, đàm phán, ký kết… Dự kiến trong tháng 7-2019, sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Nam Định chính thức đưa vào vận hành, hứa hẹn thúc đẩy thị trường KH&CN địa phương trở nên sôi động.
Bài, ảnh: LA DUY