Sau 20 năm đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong quá trình phát triển đất nước, khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế xã hội của nước ta, góp phần tạo chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá; tạo ra những công nghệ đổi mới trong các ngành công nghiệp.
Cùng với giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ (KHCN) được xác định là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế xã hội, là điều kiện cần thiết để giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. CNH, HĐH đất nước phải bằng và dựa vào KHCN. KHCN đã trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp trong nền kinh tế.
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng trong bài phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 50 năm ngành KHCN mới đây cũng cho rằng, bước sang năm 2010, nhiệm vụ đặt ra cho các nhà khoa học VN là rất nặng nề, trong đó yêu cầu đội ngũ khoa học nước nhà phải có những nỗ lực to lớn. Đó là KHCN cần phải làm tốt khả năng dự báo tình hình sự phát triển khoa học trong nước và quốc tế. Từ đó, cùng với khoa học xã hội nhân văn nghiên cứu tìm giải pháp, giải quyết những thách thức của đất nước.
Ngành KHCN cần đẩy mạnh và phát triển thị trường công nghệ để từ nghiên cứu cơ bản chuyển giao nhanh sang doanh nghiệp tạo ra sản phẩm phục vụ đời sống xã hội. Chính phủ sẵn sàng cùng với ngành KHCN tháo gỡ vướng mắc về cơ chế để phát triển KHCN, đặc biệt là những khó khăn khi đưa sản phẩm ra thị trường. Trong định hướng phát triển ngành KHCN trong thời gian tới, Bộ KHCN cũng đề ra nhiều mục tiêu cụ thể.
Thúc đẩy liên kết “ba nhà”
Mối liên kết ba nhà này bao gồm Nhà nước - Nhà Doanh nghiệp - Nhà khoa học. Trong mối liên kết này, Nhà doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm, chủ động đầu tư nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đứng bên cạnh doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ là các thể chế tài chính với các cơ chế thích hợp để có hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp. Nhà nước xây dựng môi trường pháp lý, môi trường về thông tin, tài trợ để khuyến khích liên kết giữa các tổ chức KHCN (viện, trường) với các doanh nghiệp và người sản xuất.
Các tập đoàn các tổng công ty nhà nước phải đóng vai trò là lực lượng chủ và tiên phong trong việc đầu tư cho đào tạo, nghiên cứu làm chủ những công nghệ chiến lược và công nghệ mũi nhọn để sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao theo định hướng xuất khẩu.
Các doanh nghiệp chủ động đưa ra các yêu cầu về đổi mới công nghệ và kết hợp với các nhà khoa học để tập trung nghiên cứu đáp ứng nhu cầu của sản xuất, của doanh nghiệp, các hoạt động nghiên cứu của tổ chức KHCN phải hướng theo nhu cầu của khách hàng.
Xây dựng tiềm lực KHCN quốc gia
Hợp tác ký kết tại chợ thiết bị công nghệ.
Bộ KHCN xác định, nhanh chóng xây dựng cơ ở hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng đựơc nhu cầu nghiên cứu phát triển và tạo ra công nghệ mới trong giai đoạn tới: Xây dựng các chương trình quốc gia về tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho nghiên cứu - triển khai một cách tương đối đồng bộ từ các viện, các trường đại học đến các đơn vị nghiên cứu triển khai ở các địa phương, các doanh nghiệp. Chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập và xây dựng các tổ chức KHCN, phát triển doanh nghiệp KHCN.
Bên cạnh đó, Bộ chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực KHCN: nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ở các cơ sở đào tạo bậc đại học. Đồng thời đa dạng hoá các hình thức đào tạo lại, trong đó ưu tiên thực hiện giải pháp đào tạo theo êkíp trong nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, đổi mới cơ chế quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của nhà nước cho KHCN nói chung cũng như vốn đầu tư phát triển cho KHCN nói riêng để sao cho vốn đầu tư phát triển KHCN được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Hàng năm Bộ KHCN sẽ dành một phần thích đáng kinh phí đầu tư phát triển để có thể trực tiếp hỗ trợ các bộ, ngành và địa phương tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị , đáp ứng nhiệm vụ đột xuất của nền kinh tế và yêu cầu của Chính phủ.
Xã hội hoá hoạt động KHCN và đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Bộ KHCN xác định xã hội hoá KHCN là bước quan trọng trong việc phát triển KHCN. Do đó, xây dựng và thực thi các cơ chế chính sách huy động được nhiều nguồn lực tham gia vào các hoạt động KHCN.
Trong đó lưu ý là các chính sách về hỗ trợ tài chính, về ưu đãi tín dụng, ưu đãi về thuế và điều kiện khác cho các doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và đổi mới công nghệ chính sách về khuyến khích phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, khơi dậy sức sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân.
Bộ cũng sẽ tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế thành lập các tổ chức KHCN, huy động các doanh nghiệp trích lợi nhuận trước thuế đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Đối với việc hợp tác KHCN trong giai đoạn tới không chỉ là để tranh thủ hỗ trợ về chuyên gia, về đào tạo cán bộ, về tài chính của thế giới phục vụ cho sự phát triển KHCN trong nước mà cần chú trọng hơn tới việc hợp tác nghiên cứu các vấn đề cùng quan tâm, hợp tác mua bán trao đổi công nghệ, hợp tác đầu tư phát triển các tổ chức, các doanh nghiệp KHCN.
Bộ sẽ xây dựng các chính sách thu hút các nhà khoa học nước ngoài, đặc biệt là người VN ở nước ngoài đến làm việc tại các tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập và đưa vào hoạt động các tổ chức KHCN có vốn nước ngoài ở VN, từng bước đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực KHCN.
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Mục tiêu đặt ra đến năm 2020, nước ta phải cơ bản đứng vào nước công nghiệp phát triển ở mức trung bình tiên tiến, do đó ngành KHCN cần tập trung giải quyết một số những vấn đề để tạo sự chuyển biến ngay từ bây giờ. KHCN cần đổi mới và hoàn chỉnh các chính sách và cơ chế quản lý phục vụ phát triển KHCN.
Để KHCN mang lại nhanh giá trị, hiệu quả kinh tế cho đất nước thì KHCN cần phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo ra những sản phẩm thiết thực đáp ứng nhu cầu xã hội. Các chương trình KHCN trọng điểm quốc gia phải nhanh chóng được triển khai để đưa vào cuộc sống, từng bước giải quyết những khó khăn trong thực tế.
Bên cạnh đó ngành KHCN cần tập trung thúc đẩy các hoạt động hình thành và phát triển các doanh nghiệp KHCN, hợp tác quốc tế, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học của thế giới, tôn vinh các nhà khoa học có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển KHCN.