Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhận định việc ứng dụng công nghệ hạt nhân trong sản xuất nông nghiệp trong hơn 50 năm qua đã giúp ích rất nhiều cho ngành này.
Cụ thể là, từ việc lai tạo giống có năng suất cao, chống sâu bệnh cho cả cây trồng lẫn vật nuôi, đến cải thiện nguồn nước và chất đất để tăng sản lượng và cải thiện chất lượng các sản phẩm nông nghiệp.
IAEA cho rằng những thành công kể trên đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh toàn cầu đang tìm mọi cách để đảm bảo an ninh lương thực, và đây là cơ sở để IAEA tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề: "Lương thực của tương lai: Câu trả lời đến từ việc ứng dụng công nghệ hạt nhân”, dự kiến sẽ diễn tại Viên (Áo) trong nửa cuối tháng Chín này trong khuôn khổ hội nghị cấp cao của tổ chức trên.
Theo tính toán của Tổ chức Lương - Nông của LHQ (FAO), để nuôi sống được tất cả mọi người trên toàn hành tinh này, đến năm 2050, tổng sản lượng lương thực toàn cầu phải tăng ít nhất 70% so với hiện nay.
Và điều đó sẽ không thể thực hiện được nếu nhân loại không phát triển và đưa vào ứng dụng thật nhanh, thật nhiều các biện pháp và những tiến bộ khoa học-kỹ thuật tối ưu để nâng cao năng suất cây trồng và vật nuôi.
Hiện tại, công nghệ hạt nhân đang được ứng dụng khá rộng rãi để thực hiện mục tiêu này, trước hết là trong các lĩnh vực như chọn giống cây, giống con; nâng cao năng suất trồng trọt và chăn nuôi; cải tiến chất lượng thức ăn cho gia súc, và phòng chống, kiểm soát dịch bệnh cả cho cây trồng lẫn vật nuôi, cũng như tìm kiếm các nguồn nước ngầm phục vụ con người và sản xuất nông nghiệp.