Hiện tại, ngoài giải pháp cụ thể tăng cường đầu tư trang thiết bị cho các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KHCN), Bộ cũng đang có những giải pháp để phân nhóm, phân vùng và tích cực phối hợp giữa các bộ, ngành địa phương tìm cách tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động cho các trung tâm khoa học.
Thứ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh đã cho biết như vậy bên lề hội nghị các trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ V vừa diễn ra tại Lạng Sơn.
Nghị quyết Trung ương 6, khóa XI đã khẳng định vai trò của khoa học công nghệ trong sự nghiệp phát triển đất nước. Như vậy các trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN sẽ giữ một vai trò nền tảng thực hiện nhiệm vụ này. Vậy ông có thể đánh giá về hoạt động của các trung tâm này trong những năm qua?
Theo Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ, Bộ KHCN, tính từ đầu năm 2011 đến nay, các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN đã và đang thực hiện 113 đề tài và 227 dự án trong các lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghệ sinh học, thủy sản, an toàn bức xạ, công nghệ thực phẩm, tiết kiệm năng lượng, xử lý môi trường, vật liệu. Đặc biệt, đã có 33 trung tâm thực hiện hợp đồng dịch vụ - tư vấn và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học, môi trường,… với tổng số 2.432 hợp đồng. Tổng giá trị các hợp đồng dịch vụ - tư vấn và chuyển giao công nghệ đạt 49 tỷ đồng.
|
Trong thời gian qua, chúng ta có thể thấy sự tiến bộ, vươn lên cả về tiềm lực, hạ tầng, nhân lực và sự đóng góp đối với kinh tế xã hội trên các địa bàn của các đơn vị trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN. Số liệu thống kê cho thấy, số hợp đồng tư vấn, chuyển giao dịch vụ công nghệ tăng mạnh về số lượng và quan trọng hơn tăng gần như gấp đôi doanh thu của các hợp đồng. Đấy là một minh chứng cho sự tiến triển trong thời gian gần đây của đầu mối này. Nhưng chúng tôi cho rằng, việc này vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của hoạt động kinh tế xã hội trên địa bàn của các địa phương. Các trung tâm gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc tổ chức triển khai các hoạt động; kinh phí hoạt động phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách nhà nước mà chưa thu hút, khai thác hiệu quả nguồn lực ngoài ngân sách. Vì vậy Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên các địa bàn quan tâm làm sao để chúng ta có những giải pháp thúc đẩy thực sự cả về tiềm lực, nguồn nhân lực cũng như là năng lực cụ thể của các trung tâm này trong hướng phát triển tiếp theo.
Nghị quyết Trung ương 6, khóa XI đã khẳng định, phát triển KHCN là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điều này, đã đặt ra một hành lang và những điều kiện hết sức thuận lợi cho sự chỉ đạo chung của các cấp ủy đảng, chính quyền và đặc biệt là thuận lợi cho các sở KHCN địa phương cũng như các đầu mối trực tiếp chuyển giao các ứng dụng KHCN tiên tiến vào đời sống xã hội tỉnh nhà. Các trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN sẽ có nhiều hơn các cơ hội được lãnh đạo địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ tham gia vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.
Thực tế, hiện nay nhiều trung tâm vẫn đang tiến hành nghiên cứu và chuyển giao sản phẩm theo cách thăm dò từng bước, do các trang thiết bị của họ còn thiếu, và đối tượng chuyển giao công nghệ chủ yếu là người nông dân nên gặp khó khăn do khả năng tiếp nhận KHCN của nông dân hạn chế. Vậy, chúng ta sẽ có những chính sách như thế nào để các trung tâm này phát huy được hết vai trò và khả năng chuyển giao KHCN vào đời sống?
Việc tăng cường tiềm lực, đến nay đã có giải pháp cụ thể thông qua Quyết định 317 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường đầu tư tiềm lực cho các trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN và các trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2012 – 2015, 100% trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN, trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng được đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở, nhà xưởng, phòng thí nghiệm, trại thực nghiệm và các trang thiết bị kỹ thuật tối thiểu để hoạt động; Tối thiểu 60% cán bộ quản lý, kỹ thuật viên có trình độ đại học trở lên; 100% cán bộ quản lý, kỹ thuật viên được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực có liên quan… Đây là nền tảng để các trung tâm này có thể yên tâm cho sự phát triển tiếp của mình, đáp ứng đúng yêu cầu phát triển của địa phương.
Tính đến nay, đã có 83 dự án đầu tư, chủ yếu tập trung vào các nội dung đầu tư mới trụ sở, nhà xưởng, phòng thí nghiệm và các trang thiết bị và một số dự án về kiện toàn tổ chức, bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ... với tổng số vốn đầu tư khoảng trên 1.600 tỷ đồng, trong đó kinh phí thực hiện năm 2013 sẽ là 549,941 tỷ đồng.
Các trung tâm hiện cũng rất băn khoăn về cái mốc 2014, khi đó toàn bộ các tổ chức sẽ tiến hành tự chủ, tự chịu trách nhiệm, trong điều kiện kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất khó khăn. Bộ có hướng như thế nào để tháo gỡ?
Chúng ta biết tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức nghiên cứu, phát triển KHCN là một chủ trương lớn, quan trọng, đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Trong quá trình thực hiện thì có lúc, có nơi chưa làm tốt. Vì thế, chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương để bàn về những giải pháp để làm sao với thời hạn chúng ta đưa ra thì chúng ta sẽ giải quyết một cách hiệu quả nhất, và phù hợp nhất với tình hình của các tổ chức khoa học ở các địa phương. Do đó, chúng tôi cũng yêu cầu các trung tâm nên góp nhiều hơn tiếng nói để chúng tôi có những giải pháp kịp thời và hữu hiệu để sau thời điểm 2014, chúng ta có thể nói đến sự đi lên của các trung tâm KHCN sau khi thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Tôi cho rằng giai đoạn sắp tới, các trung tâm ứng dụng có 2 việc cần làm nhất: một là làm sao ổn định để phát triển bằng chính nguồn lực và chức năng nhiệm vụ của mình, hai là chủ động và phát huy trên nền tảng mình có. Ngoài Quyết định 317, Nghị quyết Trung ương khóa 6, chúng tôi cũng đang có những giải pháp để phân nhóm, phân vùng để tăng cường hiệu quả của các trung tâm.
Xin cảm ơn ông!