Tăng giá trị nông nghiệp Đồng bằng sông Hồng: Cần ngân hàng tham gia mối liên kết “5 nhà”
Máy cấy lúa của tác giả Trần Đại Nghĩa (Thái Bình) được cho là phù hợp với mô hình dồn điền đổi thửa
Những mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao ở Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) gần đây đều có một điểm chung, đó là sự tham gia của nhà băng vào mối liên kết với nhà khoa học, Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông.
Phát triển chưa xứng với tiềm năng
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Ninh Bình Hoàng Trọng Lễ nêu một thực tế, ĐBSH là vùng sản xuất rau lớn nhất cả nước nhưng sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán nên giá thành cao, chất lượng thấp, tổn thất sau thu hoạch lớn... “Vì vậy, việc hỗ trợ, nâng cao năng lực ứng dụng và đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp an toàn trong vùng ĐBSH rất quan trọng” - ông Lễ nói.
Bà Trần Thị Hồng Lan - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN - cho biết, cũng như tình hình chung của cả nước, ĐBSH đang phải đối mặt với thách thức về năng suất lao động thấp, chất lượng tăng trưởng chưa cao và có xu hướng chậm lại. “Công tác nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới, chuyển giao công nghệ còn chậm, chưa tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị tăng thêm cho sản phẩm. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn chiếm tỷ lệ rất thấp. Việc sản xuất đại trà, quy mô lớn còn nhiều khó khăn và dường như chưa có chính sách hỗ trợ, đầu tư “đặc thù”, “đủ mạnh” và “tới ngưỡng” để nông nghiệp phát triển bền vững” - bà Lan nói.
Thiếu liên kết là nguyên nhân khiến năng suất lao động chưa cao. Theo bà Lan, một số lĩnh vực đã có công nghệ mới nhưng chậm hoặc ít được chuyển giao vào sản xuất, hoặc KH&CN chưa có tác động rõ nét như rau màu, cây ăn quả, chăn nuôi, chè, dâu tằm...
Ngân hàng phải vào cuộc
Tại Nam Định thời gian qua đã có nhiều mô hình hoạt động khá hiệu quả như mô hình thuê gom, tích tụ ruộng đất của Công ty TNHH Cường Tân để sản xuất giống lúa theo cánh đồng lớn. Lợi nhuận bình quân đạt 70-80 triệu đồng/ha mỗi năm (cao gấp 7-8 lần so với sản xuất lúa ngoài đại trà). Công ty TNHH Toản Xuân ký hợp đồng tiêu thụ 155ha lúa cho nông dân trong tỉnh trong vụ mùa 2016; dự kiến sản lượng chế biến và tiêu thụ khoảng 600 tấn lúa.
Mô hình liên kết sản xuất của Tập đoàn TH bắt đầu được triển khai từ năm 2017 tại Thái Bình với diện tích lên đến hàng nghìn hécta lúa chất lượng cao, được ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.
Tại Hải Dương, mô hình mẫu về sản xuất lúa trên cánh đồng sau dồn điền đổi thửa, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo mạ khay, cấy máy và thu hoạch bằng máy đã giúp tăng hiệu quả kinh tế từ 30,1-38,4%.
Điểm chung của các mô hình thành công này là có mối liên kết “5 nhà”. Do đó, bà Lan cho rằng: “Cần xây dựng cơ chế hợp tác liên kết 5 nhà (nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông và nhà băng) trong sản xuất nông nghiệp, từ đó thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất ở nông thôn ĐBSH”.
Ông Trần Văn Quang - Phó Vụ trưởng Vụ phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN - cho rằng, các tỉnh/thành phố trong vùng cần xây dựng các nhiệm vụ KH&CN liên kết để hình thành và phát triển sản xuất một số sản phẩm của vùng. Cần xác định rõ vai trò của KH&CN trong từng công đoạn phát triển của sản phẩm; hình thành các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhận dạng nhu cầu phát triển công nghệ của doanh nghiệp thông qua hình thức Nhà nước hỗ trợ chuyên gia, vốn, chuyển giao công nghệ, xây dựng và phát triển các tài sản sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt, cần chú trọng việc phát triển các sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị; tập trung ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, khai thác và phát triển du lịch.
Trong mục tiêu của Chính phủ về nông nghiệp, ĐBSH là địa bàn tiên phong thực hiện các “đột phá chiến lược”, tái cấu trúc kinh tế, đổi mới thành công mô hình tăng trưởng, trở thành đầu tàu về phát triển kinh tế. Trong đó, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là chìa khoá giúp ĐBSH tiếp tục thực hiện thành công chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, khẳng định vai trò là “động lực cho sự phát triển chung của cả nước". Và để ĐBSH bứt phá về trình độ công nghệ, việc tổ chức lại sản xuất để liên kết các khâu, các ngành theo chuỗi giá trị cần được thực hiện ngay từ lúc này.