Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 06:14 pm
Cập nhật : 12/12/2011 , 09:12(GMT +7)
Tăng cường xã hội hóa đầu tư cho KH&CN địa phương
Giống lúa Hương cốm của ĐH Nông nghiệp I Hà Nội trưng bày tại Techmart Việt Nam ASEAN+3
Thời gian qua, việc ứng dụng các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, lựa chọn và đổi mới công nghệ phù hợp... đã góp phần tạo ra những chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất sản phẩm hàng hóa, đóng góp lớn cho sự tăng trưởng kinh tế của các địa phương.

Tuy nhiên, để khoa học và công nghệ (KH&CN) phát huy vai trò là đòn bẩy phát triển kinh tế xã hội còn rất nhiều vấn đề cần được gỡ vướng, đặc biệt là vấn đề tài chính cho KH&CN.

Hiệu quả từ đầu tư lớn

Theo số liệu thống kê, 80% diện tích trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sử dụng giống do Viện Lúa ĐBSCL nghiên cứu, lai tạo góp phần đưa sản lượng lúa từ 4,2 triệu tấn năm 1976 lên hơn 20 triệu tấn ở thời điểm hiện tại. Với sản lượng như vậy, mỗi năm việc trồng bằng giống mới làm lợi cho sản xuất tối thiểu 1,6 - 2 triệu tấn lúa, nếu tính giá lúa 5.000đ/kg, giá trị làm lợi sẽ là 8.000-10.000 tỷ đồng/năm. Việt Nam từ một quốc gia luôn phải đi mua, đi vay lương thực đã trở thành quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo.

Các nhà lãnh đạo và chuyên gia kinh tế đều khẳng định, trong mức 25-26% giá trị TFP (năng suất các yếu tố tổng hợp) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm hiện nay, giá trị TFP trong ngành nông nghiệp cao nhất (33%). KH&CN có mức đóng góp 1/3 giá trị tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Cụ thể, giá trị gia tăng tổng sản phẩm nông nghiệp của năm 2008 so với năm 2007 là 93.919 tỷ đồng, trong đó KH&CN đóng góp 31.306 tỷ đồng. Ước tính đầu tư quốc gia cho phát triển KH&CN ngành nông nghiệp năm 2008 khoảng 5.200 tỷ đồng, như vậy hiệu quả đầu tư khoảng 6 lần.

Mô hình sản xuất hoa địa lan ở Tiên Du – Bắc Ninh cho thu nhập 110 triệu đồng/sào/vụ.

Trong công nghiệp, có thể kể đến việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công cẩu chân đế 180 tấn. Giá sản phẩm này nếu nhập khẩu từ Trung Quốc là 3,9 triệu USD trong khi Xí nghiệp cơ khí Quang Trung chế tạo với giá 2,7 triệu USD, bằng 70% giá nhập khẩu, tiết kiệm cho Nhà nước hàng chục triệu USD. Hoặc cẩu trục có sức nâng 1.200 tấn nếu nhập khẩu của Châu Âu là 20 triệu USD (Trung Quốc: 15 triệu USD), Xí nghiệp cơ khí Quang Trung thực hiện hợp đồng chế tạo với giá chỉ 10 triệu USD.

Bất cập trong sử dụng ngân sách

Tổng đầu tư cho hoạt động KH&CN từ doanh nghiệp hiện nay ở nước ta chỉ chiếm 12%. Trong khi, ở một số nước, tỷ lệ đầu tư cho KH&CN của khu vực doanh nghiệp lên tới 65 - 70% tổng đầu tư cho KH&CN. Ví dụ, ở Trung Quốc, năm 1995, tỷ trọng kinh phí của doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN là 31,71%, năm 2000: 55,24%; ở Hàn Quốc, tỷ trọng này dao động ở mức 70 - 75%.

Từ Nghị quyết Trung ương 2, Khoá VIII, kinh phí dành cho KH&CN được bảo đảm ở mức 2% chi ngân sách nhà nước. Trong tổng đầu tư 2% chi ngân sách nhà nước cho KH&CN, kinh phí dành cho đầu tư phát triển chiếm khoảng 43% tổng đầu tư, trong đó khoảng 22% được phân bổ thông qua ngân sách địa phương. Còn lại, dành cho kinh phí sự nghiệp khoảng 57% tổng đầu tư, trong đó khoảng 15% được phân bổ thống qua ngân sách địa phương. Như vậy, hàng năm Nhà nước dành khoảng 22% của 2% tổng chi ngân sách nhà nước làm kinh phí đầu tư phát triển cho KH&CN địa phương.

Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng kinh phí đầu tư phát triển cho KH&CN ở các địa phương hiện rất thấp (năm 2006, các địa phương thực hiện được 8,5% kinh phí đầu tư phát triển, năm 2007: 26,35%, năm 2008: 20,51%, năm 2009: 36,62%, năm 2010: 49,32%). Số địa phương sử dụng nguồn kinh phí này đúng mục đích không cao. Phần kinh phí còn lại một số địa phương sử dụng chi cho các lĩnh vực khác không đúng mục đích đầu tư phát triển cho KH&CN như xây dựng đường vào khu công nghiệp; xây dựng bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh; quy hoạch, xây dựng khu xử lý chất thải rắn, bãi rác thải; xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên dưới lòng đất...

Trong khi đó, tiềm lực KH&CN của địa phương còn đang èo uột. Bình quân mỗi Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường – Chất lượng và phòng thí nghiệm cũng chỉ có khoảng 3,3 tỷ đồng mà vốn đầu tư phát triển cho KH&CN địa phương không dùng hết. Đây thực sự là một bất cập.

Về kinh phí sự nghiệp khoa học, các tỉnh, thành phố chưa thống nhất trong việc phân bổ kinh phí sự nghiệp KH&CN hàng năm. Từ năm 2006, trong văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch của Bộ KH&CN đã đưa ra mức tối thiểu bố trí cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học là 60% kinh phí sự nghiệp khoa học. Tuy nhiên, mỗi địa phương lại phân bổ một cách khác nhau: các tỉnh Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) chỉ ở mức dưới 50%, các tỉnh ĐBSCL dành 60% cho nhiệm vụ này và các tỉnh Miền núi phía Bắc là gần 70%. Kinh phí sự nghiệp khoa học thường được các địa phương phân bổ nhỏ, lẻ, không có trọng tâm cho các sở, ban, ngành, nhiều đề tài chỉ dưới 10 triệu đồng/năm. Rất ít nhiệm vụ nghiên cứu triển khai được giao cho các doanh nghiệp.

Lý giải việc sử dụng chưa có hiệu quả cao, thậm chí không đúng mục đích nguồn kinh phí đầu tư phát triển KH&CN, TS. Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng, Trưởng Ban KH&CN Địa phương, Bộ KH&CN cho rằng, nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do lãnh đạo các tỉnh, thành phố chưa thực sự quan tâm thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về dự toán ngân sách để chỉ đạo sử dụng đúng và hiệu quả nguồn kinh phí này. Các địa phương cũng chưa thực sự chủ động trong việc xây dựng các dự án đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi giao dự toán ngân sách không ghi rõ mục chi đầu tư phát triển cho KH&CN theo yêu cầu của điểm b, khoản 1, Điều 15 Luật Ngân sách. Do đó, các Sở Kế hoạch và Đầu tư không tham mưu cho lãnh đạo địa phương để dành riêng khoản kinh phí đầu tư phát triển cho KH&CN cũng như chỉ đạo xây dựng, chuẩn bị các dự án đầu tư để bố trí kinh phí thực hiện.

Chung tay giúp KH&CN phát triển

Ngoài nguồn ngân sách nhà nước dành cho sự nghiệp KH&CN, các địa phương còn có thể khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN hoặc bổ sung thêm kinh phí. Nhưng hầu hết các địa phương hiện chỉ dành được khoảng 1% chi ngân sách của địa phương cho phát triển KH&CN, rất ít tỉnh/thành phố bổ sung thêm kinh phí. Mới đây, tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời gian tới cùng với kinh phí trung ương cân đối qua ngân sách địa phương, tỉnh sẽ bổ sung để có được khoảng 5% tổng chi ngân sách cho hoạt động KH&CN. Đây sẽ là con số kỷ lục trong việc chi ngân sách đầu tư cho KH&CN từ trước đến nay.

Để góp phần xã hội hóa trong đầu tư cho KH&CN, các địa phương đã thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động KH&CN; gắn kết nhà khoa học với doanh nghiệp, nghiên cứu và ứng dụng (kinh phí hỗ trợ thường không quá 30% tổng kinh phí chi cho việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp, hỗ trợ đổi mới công nghệ...). Một số địa phương đã làm tốt công tác này như: Thái Bình, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh...

Nhiều địa phương thành lập và đưa vào hoạt động Quỹ phát triển KH&CN nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức KH&CN vay để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, dự án sản xuất thử nghiệm, đổi mới công nghệ, đầu tư ứng dụng công nghệ mới. Đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp, công ty trích 10% lợi nhuận trước thuế theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để đầu tư vào hoạt động KH&CN, thành lập Quỹ phát triển KH&CN. Tuy nhiên, đến nay chưa đến 30 tỉnh, thành phố thành lập quỹ này. Nếu khuyến khích được nhiều doanh nghiệp thành lập quỹ này, đây sẽ là nguồn lực lớn hơn nhiều so với nguồn ngân sách tỉnh đầu tư cho phát triển KH&CN.

TS. Hồ Ngọc Luật cho rằng, các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN còn chưa cụ thể, thông thoáng và thiếu một cơ chế vĩ mô cho các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN trong việc tìm kiếm, khai thác nguồn tài chính khác nhau. Quy định về góp vốn đối ứng và tỷ lệ thu hồi kinh phí cho dự án thử nghiệm phù hợp với doanh nghiệp chủ trì thực hiện nhưng chưa phù hợp với các đơn vị sự nghiệp (trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm) bởi họ sẽ khó khăn trong việc huy động đối ứng trên 70% tổng kinh phí thực hiện dự án. Họ cũng không dám mạo hiểm thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm khi chưa đảm bảo chắc chắn 100% thành công vì thực tế đơn vị không có nguồn trả thu hồi khi dự án gặp rủi ro.

Bên cạnh những kết quả KH&CN đem lại, hoạt động KH&CN địa phương hiện nay cũng còn những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhìn nhận rõ xuất phát điểm của nền KH&CN nước nhà để thấy được những gì đã đạt được là không nhỏ. Hiện, ngành KH&CN đang tiếp tục nỗ lực đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động để KH&CN thực sự xứng đáng với vai trò là nền tảng, động lực đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới. Để làm được điều đó, đòi hỏi sự chung tay của các bộ, ban, ngành, lãnh đạo chính quyền các cấp ở Trung ương và địa phương hiểu rõ vai trò của KH&CN, tìm mọi biện pháp khả thi để huy động sự đầu tư từ mọi nguồn lực cho phát triển KH&CN.

Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động KH&CN

Theo thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ, khoảng giữa tháng 12.2011, Bộ sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc về tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN.

Dự kiến, một số nội dung cơ bản của Hội nghị sẽ là: kiểm điểm tình hình 7 năm thực hiện Đề án đổi mới cơ chế quản lý KH&CN (năm 2004); hoàn thiện cơ chế xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN; đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động của các tổ chức KH&CN; đổi mới cơ chế, chính sách đầu tư tài chính cho hoạt động KH&CN; đổi mới cơ chế quản lý nhân lực KH&CN; phát triển thị trường công nghệ; hoàn thiện cơ chế hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN.

Đây là dịp để tổng kết những kết quả đã đạt được trong 7 năm thực hiện Đề án, phân tích những khó khăn, tồn tại và đề xuất một số cơ chế đột phá trong quản lý, tổ chức và hoạt động KH&CN.

Nguyễn Hạnh

Nguồn tin: Lao động cuối tuần

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner