Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 08:36 pm
Cập nhật : 29/12/2023 , 10:12(GMT +7)
Tăng cường phối hợp trong xác định ưu tiên về KH,CN&ĐMST vì mục tiêu phát triển bền vững
Toàn cảnh Phiên họp.
Chiều ngày 29/12/2023, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức phiên họp của Ủy ban về khoa học và công nghệ (Ủy ban) thuộc Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững (PTBV) và Nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo báo cáo, năm 2023, các thành viên của Ủy ban đã tham gia tham vấn một số vấn đề quan trọng liên quan đến xây dựng và thực hiện chiến lược, chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) để thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV. Cụ thể, tham vấn sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy cung - cầu công nghệ; tài trợ thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao của doanh nghiệp; chuyển giao, hoàn thiện công nghệ sản xuất sản phẩm chủ lực, trọng điểm, công nghệ cao; áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến. Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) đầy đủ cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội, hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng, phát triển đội ngũ nhân lực KH&CN, đẩy mạnh triển khai chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN.

Bên cạnh đó, các thành viên của Ủy ban tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến các dự thảo báo cáo quốc gia về PTBV; nghiên cứu, xây dựng báo cáo chuyên đề về kinh nghiệm quốc tế và đề xuất với Việt Nam kiện toàn Hội đồng Quốc gia về PTBV và nâng cao năng lực cạnh tranh; cơ hội và thách thức của ĐMST xanh đối với Việt Nam.
 
Đồng thời, tổ chức, tham gia hội nghị, hội thảo, diễn đàn về KH,CN&ĐMST vì các mục tiêu PTBV như phối hợp với Chương trình Aus4Innovation thuộc Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy ĐMST xanh - giải pháp thực hiện các mục tiêu PTBV của Việt Nam đến năm 2030”; tổ chức phiên họp của Ủy ban thảo luận về các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa giữa các bộ, ngành, tổ chức KH&CN, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và các bên liên quan.
 
Báo cáo cũng chỉ rõ, hiện nay, bối cảnh quốc tế và trong nước về chính trị, kinh tế, công nghệ, toàn cầu hoá, thực hiện các mục tiêu PTBV… đã tạo cơ hội cho KH,CN&ĐMST của các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam tiếp cận các thành tựu mới từ bên ngoài, gợi mở cách thức giải quyết các vấn đề mới nhằm tăng cường năng lực KH,CN&ĐMST, thực hiện các bước để rút ngắn khoảng cách với các nước. Các quốc gia đang phát triển như Việt Nam sẽ gặp những khó khăn nhất định trong thực hiện các mục tiêu PTBV. Do vậy, đòi hỏi phải có phân tích, đánh giá về năng lực KH,CN&ĐMST, trong đó chính sách KH,CN&ĐMST đóng vai trò quan trọng.
 
Thời gian tới, để thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV, Ủy ban đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực cho hệ sinh thái ĐMST phục vụ thực hiện các mục tiêu PTBV như xây dựng, ban hành các cơ chế khuyến khích, thúc đẩy nghiên cứu, sử dụng công nghệ mới, ít tiêu hao nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính và thân thiện với môi trường; tạo dựng khuôn khổ pháp lý triển khai các cơ chế thí điểm, thử nghiệm, đặc thù với các loại hình/mô hình kinh tế mới dựa trên ĐMST xanh; xây dựng, thúc đẩy triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực phức tạp hơn và xanh hơn; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực thực hiện các hoạt động dự báo công nghệ tương lai, hỗ trợ thông tin cho các kế hoạch hành động KH,CN&ĐMST phù hợp với các mục tiêu PTBV; phát triển nguồn nhân lực cho ĐMST xanh; phát triển hạ tầng kỹ thuật số, hệ thống sở hữu trí tuệ về ĐMST xanh...
 
Đồng thời, tiếp cận tổng thể, bao trùm trong phối hợp giữa các bên liên quan; xác định đúng vai trò của các bên liên quan trong quá trình thực hiện các mục tiêu PTBV; các cơ quan báo chí, truyền thông cần tích cực tham gia thông qua việc truyền tải thông tin về các mục tiêu PTBV, về các sáng kiến tốt (cũng như thất bại) trong quá trình thực hiện các mục tiêu PTBV; xây dựng nền kinh tế tri thức mở, hợp tác và toàn diện... 
 
Tại Phiên họp, các thành viên Hội đồng và các đại biểu tham dự đã tập trung góp ý hoàn thiện báo cáo. Cùng với đó, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa các bộ, ngành, tổ chức KH&CN, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, các bên liên quan về xây dựng, thực hiện chiến lược, chính sách, chương trình về KH,CN&ĐMST để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia.
 
Phát biểu tại Phiên họp, ông Trần Văn Nghĩa - Phó Giám đốc phụ trách Học viện KH,CN&ĐMST nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan đầu mối của Ủy ban về KH&CN, Bộ KH&CN đã phối hợp với một số bộ, ngành, tổ chức nghiên cứu, đào tạo, hiệp hội ngành nghề, tổ chức quốc tế để triển khai một số hoạt động, trong đó tập trung tư vấn, tổ chức nghiên cứu, xây dựng các báo cáo chuyên đề về xây dựng, thực hiện chiến lược, chính sách, các chương trình, nhiệm vụ và giải pháp về KH,CN&ĐMST; xây dựng các báo cáo quốc gia về PTBV; tổ chức, tham gia hội nghị, hội thảo, diễn đàn KH,CN&ĐMST vì các mục tiêu PTBV. 

Ông Trần Văn Nghĩa - Phó Giám đốc phụ trách Học viện KHCN&ĐMST phát biểu tại Phiên họp. 
 
Với những nỗ lực đó, vai trò của KH,CN&ĐMST trong thực hiện các mục tiêu PTBV của Việt Nam ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện đúng lộ trình đặt ra, xét trong bối cảnh 17 mục tiêu PTBV có mối liên hệ chặt chẽ, đòi hỏi cần có sự chuyển đổi từ cách tiếp cận đạt từng mục tiêu riêng lẻ sang cách tiếp cận tổng thể. Trong bối cảnh của quốc gia đang phát triển như Việt Nam với kinh phí đầu tư cho KH,CN&ĐMST còn hạn hẹp, nghịch lý của ĐMST vẫn đang hiện hữu, việc giải quyết những vấn đề xuyên suốt phức tạp của các mục tiêu PTBV đòi hỏi tư duy vấn đề rộng hơn. Cần sự phối hợp hiệu quả của nhiều bên liên quan trong đánh giá thực trạng và các yêu cầu đặt ra với KH,CN&ĐMST và xác định các chương trình, nhiệm vụ KH,CN&ĐMST ưu tiên để thực hiện các mục tiêu PTBV. Đồng thời, Việt Nam cần xây dựng các lộ trình KH,CN&ĐMST trung và dài hạn vì các mục tiêu PTBV để định hướng các chính sách PTBV không chỉ đến năm 2030 mà còn đến năm 2050 dựa trên nguyên tắc “không để ai bị bỏ lại phía sau”.  
 
Theo ông Trần Văn Nghĩa, thời gian tới, với vai trò quan trọng trong thực hiện các hoạt động KH,CN&ĐMST, các cơ quan, tổ chức cần phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp về KH,CN&ĐMST, thúc đẩy cơ chế đối thoại, phối hợp hoạt động giữa các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và người dân trong xác định, triển khai các giải pháp kịp thời, khả thi, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn PTBV đất nước. 
Bài, ảnh: Linh Chi

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner