Ngày 22/11/2023, tại Hà Nội, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ phối hợp với Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo (Aus4Innovation) tổ chức Hội thảo “Tăng cường hiệu quả của chính sách đổi mới sáng tạo: Kinh nghiệm của Australia và đề xuất cho Việt Nam”.
Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy chủ trì, với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp khối thịnh vượng chung Australia (CSIRO), các nhà khoa học và doanh nghiệp.
Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của các nhà hoạch định chính sách Việt Nam về đánh giá chính sách đổi mới sáng tạo (ĐMST), sự đa dạng của các công cụ đánh giá chính sách ĐMST cũng như yêu cầu về cách tiếp cận toàn diện và đa diện để đánh giá chính sách ĐMST.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như chuyển đổi số diễn ra ngày càng mạnh mẽ, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay chuyển đổi mô hình phát triển từ tận dụng lao động giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên sang mô hình dựa trên KH,CN&ĐMST. Theo đó, Chính phủ, các bộ, ngành trong đó có Bộ KH&CN đã liên tục cập nhật, thay đổi chính sách hướng tới thúc đẩy KH,CN&ĐMST trong khu vực tư nhân và công nghiệp.
Trong những năm qua, Việt Nam có sự đồng hành của một số đối tác quốc tế, như Ngân hàng Thế giới (WB), Phần Lan, Israel… Những năm gần đây là Australia với Chương trình Đối tác ĐMST, việc hợp tác với Australia trong lĩnh vực này đã giúp Việt Nam thích ứng nhanh với quá trình chuyển đổi số của thế giới. Cùng với đó, cũng giúp Việt Nam xây dựng hệ thống chính sách quan trọng về KH,CN&ĐMST.
Thứ trưởng cho biết, trong tất cả các báo cáo đánh giá, kể cả báo cáo của WB, đều nhấn mạnh rằng, Việt Nam muốn phát triển nhanh điều quan trọng hiện nay là cần đổi mới hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp chứ không phải phát triển công nghệ mới, tận dụng toàn bộ công nghệ hiện đại mới nhất của thế giới cộng với quá trình hấp thụ, quá trình đổi mới quản trị tạo ra sản phẩm mới.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, nhiều thông tin và kinh nghiệm xây dựng, triển khai các chính sách về ĐMST của Australia đã được các chuyên gia chia sẻ và trao đổi, làm rõ một số vấn đề quan trọng trong quản lý KH,CN&ĐMST tại Việt Nam.
Theo bà Lucy Cameron và các chuyên gia đến từ Australia, Chương trình Aus4Innovation được thiết kế với mục tiêu đóng góp vào sự phát triển bền vững dựa trên ĐMST của Việt Nam. Trong giai đoạn 1, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành điểm sáng trong hợp tác quốc tế về KH&CN, đóng góp thiết thực vào việc nhận diện và đưa ra nhiều đề xuất có giá trị trong định hướng phát triển công nghệ và ĐMST của Việt Nam. Đây là tiền đề và nền tảng quan trọng để thiết kế giai đoạn 2 của Chương trình với nhiều nội dung chuyên sâu, trong đó một trong các trụ cột quan trọng nhất là tạo ra nền tảng đối thoại chính sách KH,CN&ĐMST (Innovation Policy Dialogue Platforms - IPDP). Nền tảng này là không gian để các chuyên gia Australia và Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác nghiên cứu, triển khai các công cụ đánh giá nhằm đưa ra các luận cứ khoa học và thực tiễn để hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến KH,CN&ĐMST phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
Bên cạnh đó, các chuyên gia, đại biểu cũng chia sẻ và thảo luận nhiều nội dung liên quan đến khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong xây dựng và thực thi chính sách cũng như đưa ra các vấn đề cần tiếp tục được làm rõ. Theo các chuyên gia, với chủ trương đúng đắn lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia, trong thời gian qua tiềm lực KH&CN của đất nước được tăng cường, hiệu quả hoạt động KH&CN được nâng lên, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng, các ngành, lĩnh vực nói chung. Tuy nhiên, để KH,CN&ĐMST thực sự trở thành động lực phát triển, một trong các vấn đề cấp thiết được đặt ra là triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hiện có và bổ sung các giải pháp để hoàn thiện hệ thống ĐMST quốc gia.
Đây là những thông tin quan trọng và là cơ sở để Bộ KH&CN tiếp thu, nghiên cứu xây dựng, bổ sung, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động KH,CN&ĐMST trong giai đoạn sắp tới.
Các đại biểu chụp ảnh tại Hội thảo.
Tin, ảnh: Diệu Huyền