Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ hai, 25/11/2024 , 01:34 pm
Cập nhật : 12/09/2015 , 01:09(GMT +7)
TS. Trần Trung Duy: Môi trường cho nghiên cứu khoa – chìa khóa tạo nên thành công
Các nhà khoa học trẻ chụp ảnh lưu niệm cùng Thủ tướng Chính phủ tại buổi gặp mặt năm 2015
Yêu thích lĩnh vực điện tử viễn thông từ thuở cắp sách đến trường, Trần Trung Duy khi đó chỉ xác định điện tử viễn thông là ngành sẽ đăng ký để thi đại học và ra trường kiếm được công việc phù hợp với chuyên môn. Thế rồi từ yêu thích đến đam mê, và như cơ duyên đã định sẵn, anh gắn bó với nghiên cứu và sớm thành danh với nhiều công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực điện tử viễn thông. Anh là một trong số những nhà khoa học trẻ có mặt trong buổi gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ vào ngày 11/9/.

Đam mê công nghệ từ thời học phổ thông

TS. Trần Trung Duy sinh năm 1984, là nhà khoa học trẻ nhưng đã sớm gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học điện tử viễn thông. Anh cho biết, ngay từ thời còn học phổ thông, bản thân đã có sự yêu thích đối với các nghành kỹ thuật và công nghệ.  Động lực ấy khiến anh quyết định thi vào khoa Điện - Điện tử của Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, mặc dù lúc bấy giờ các lĩnh vực như  kinh tế, ngân hàng hoặc ngoại thương đang là những ngành nghề nóng, thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đồng trang lứa.

Với thành tích học tập thời phổ thông và kết quả thi xuất sắc, khi thi đỗ vào Đại học Bách khoa TP. HCM. Duy được nhận vào học chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, chương trình Việt - Pháp (PFIEV). Đây là chương trình liên kết giữa 4 trường đại học của Việt Nam và các trường đại học nổi tiếng của Cộng hòa Pháp.

TS. Trần Trung Duy tại buổi gặp mặt các nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2015

Khoảng thời gian học đại học, Trần Trung Duy đã tích luỹ thêm nhiều kiến thức, đam mê đối với chuyên nghành điện tử viễn thông. Sau khi tốt nghiệp đại học, Duy quyết định tìm kiếm học bổng du học để có thể lĩnh hội thêm nhiều kiến thức, tiếp cận kỹ thuật mới, có cơ hội nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực yêu thích của bản thân.

Niềm vui đến với Duy vào năm 2008, khi anh nhận được học bổng chương trình học Tiến sĩ tại đại học Ulsan (Hàn Quốc) với sự hướng dẫn của giáo sư Hyung-Yun Kong. Sang Hàn Quốc, anh có điều kiện tiếp xúc môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp, được tham gia nghiên cứu trong phòng thí nghiệm thông tin vô tuyến của giáo sư Hyung-Yun Kong, tiếp cận với các công nghệ viễn thông thế hệ mới như mạng 4G, 5G, mạng vô tuyến thông minh, truyền thông cộng tác,…

Cũng trong thời gian làm nghiên cứu sinh tại đại học Ulsan. TS. Trần Trung Duy đã có 18 công bố quốc tế thuộc ISI và 22 công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế và trong nước khác. Sau khi kết thúc chương trình nghiên cứu, bỏ qua các lời mời ở lại Hàn Quốc tiếp tục làm việc và nghiên cứu, TS. Trần Trung Duy quay trở lại Việt Nam làm việc với tâm nguyện mang những kiến thức và kinh nghiệm học tập được về phục vụ đất nước.

Ngay cả khi về nước và hiện đang công tác tại Học viện Công nghệ bưu chính – Viễn thông cơ sở TP. HCM. TS. Trần Trung Duy vẫn dành phần lớn thời gian cho nghiên cứu và hướng dẫn những sinh viên có niềm đam mê khoa học. “Đối với những nhà khoa học trẻ, nếu cứ nhìn vào tiền lương hay cơ chế đãi ngộ làm thước đo thu nhập thì khó có thể trụ được với nghề. Làm nghiên cứu khoa học không khó nếu biết kiên trì và nhẫn nại”. TS. Trần Trung Duy chia sẻ.

Ước mơ có nhiều phòng Lab hiện đại

TS. Trần Trung Duy cho biết, điều băn khoăn lớn nhất của anh và có lẽ cũng là của những nhà khoa học trẻ hiện nay chính là môi trường cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Theo anh, tại các trường đại học, doanh nghiệp ở Việt Nam, những nhà khoa học trẻ khá năng động, thích tìm tòi, học hỏi những cái mới nên đối tượng này phù hợp với những nghiên cứu cơ bản về công nghệ mới. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng các phòng Lab nghiên cứu còn hạn chế đã gây khó khăn không nhỏ cho sinh viên và giáo viên. “Để hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu sinh nghiên cứu từng mảng khoa học mới, cần xây dựng những phòng Lab trọng điểm với sự dẫn dắt của những giáo sư đầu ngành”. TS. Duy cho hay.

Nhận xét về môi trường làm việc, nghiên cứu hiện tại của mình, TS. Trần Trung Duy chia sẻ, qua 2 năm công tác tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông (TP. HCM), nhà trường đã tạo điều kiện tốt nhất cho Duy có thể chuyên tâm nghiên cứu. Mỗi khoa của trường đều có các phòng Lab nghiên cứu mà ở đó các bạn sinh viên năm cuối, các học viên cao học cũng như các nghiên cứu sinh đều có thể tham gia dưới sự hướng dẫn của các giáo viên nhiều kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, TS. Trần Trung Duy còn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Bộ KH&CN thông qua Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted) tài trợ cho đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực khoa học thông tin và máy tính. Đây là sự khích lệ rất lớn, tạo cho anh thêm nghị lực để phấn đấu.

“Việc tài trợ từ quỹ Nafosted là rất cần thiết đối với những Tiến sĩ mới về nước công tác như tôi. Điều này không những tạo sự ổn định về mặt tài chính cho những nghiên cứu mà còn tạo động lực giúp các nhà khoa học trẻ có thể tiếp tục theo đuổi đam mê của mình”. Anh nhấn mạnh.

Trần Trung Duy được trao giải bài báo xuất sắc tại hội nghị ChinaCom2014.

Cũng theo TS. Duy, thời gian qua, Bộ KH&CN đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để thu hút, trọng dụng các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực KH&CN, như chính sách về đầu tư, cơ chế tài chính,… Điều này đã thể hiện sự quan tâm và đãi ngộ của nhà nước đối với các nhà khoa học trẻ Việt Nam. Đồng thời, Bộ KH&CN đã đề xuất thành lập Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (V – KIST); xây dựng các khu ươm tạo khoa học công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon của Hoa Kỳ; thành lập các quỹ mạo hiểm cho hoạt động KH&CN,….  “Đây là cơ hội giúp các nhà khoa học trẻ có thể tham gia hoạt động nghiên cứu, tạo sự liên kết, nâng cao trình độ, trao đổi học thuật cũng như việc hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu”. TS Duy phấn khởi chia sẻ.

Trong ngày 11/9, TS. Trần Trung Duy vinh dự là một trong số hơn 70 gương mặt nhà khoa học trẻ trên cả nước có buổi gặp gỡ Thủ tướng Chính phủ tại Hà Nội. Qua đó, anh mong muốn có thể bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của bản thân trong hoạt động nghiên cứu khoa học và cũng là tiếng nói của hầu hết các nhà nghiên cứu trẻ, những sinh viên, học sinh đã đang theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu khoa học.

Nói về định hướng nghiên cứu của mình, TS. Trần Trung Duy chia sẻ: “Mục tiêu lớn nhất của tôi là tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu ở lĩnh vực điện tử viễn thông, đồng thời tiếp học tập nâng cao trình độ để có thể trở thành một giáo sư, một nhà nghiên cứu giỏi, xây dựng thêm nhiều phòng Lab hiện đại và đào tạo được nhiều nhà khoa học cho đất nước”.

Bài, ảnh: Ngũ Hiệp


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner