TPHCM có đủ nguồn lực cần thiết để ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo. Còn chi bao nhiêu, cơ chế chi thế nào sẽ do Ban Xây dựng và Điều hành chương trình hợp tác nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo của Thành phố.
Đây là ý kiến của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khi phát biểu tại Hội thảo khoa học Nghiên cứu và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TPHCM giai đoạn 2019-2015 tổ chức ngày 20/3.
Hội thảo thu hút được sự quan tâm rất cao của giới khoa học cùng cộng đồng doanh nghiệp (DN). Theo đó, hầu hết các chuyên gia tin rằng AI là một cấu phần trọng yếu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo GS.TS. Hồ Tú Bảo, Viện trưởng Viện John Von Neumann (ĐHQG TPHCM), để hoàn thiện hệ sinh thái 4.0, bên cạnh hạ tầng về 5G, IoT, Big Data, học máy…, nhất định phải có bộ khung chính sách cho việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cùng cơ chế kết nối và chia sẻ.
PGS.TS. Thoại Nam, Trưởng Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính (ĐH Bách khoa TPHCM) cũng cho rằng “chuyện xây dựng hạ tầng tính toán và lưu trữ phải được Nhà nước chủ trì đầu tư vì không DN nào đủ sức làm”.
TS. Đinh Bá Tiến, Trưởng Khoa Công nghệ thông tin (ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM) tin rằng cơ sở dữ liệu dùng chung là “cửa ngõ” đầu tiên để xây dựng hệ sinh thái của ngành công nghiệp AI do toàn bộ các thuật toán AI phải chạy trên hệ dữ liệu đủ lớn, tức là cần phải có hạ tầng để lưu trữ lượng dữ liệu này. Cùng với đó là các chính sách về bảo vệ quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu để các sở, ngành, tổ chức… yên tâm chia sẻ dữ liệu cho nhau.
“Dữ liệu mở được cho là có đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP toàn cầu nhưng chúng ta chưa có khung pháp lý hay quy định đủ rõ ràng về việc chia sẻ dữ liệu. Ngay cả giữa các sở, ngành với nhau mà xin dữ liệu cũng khó, nhiều khi phải mua”, TS. Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học công nghệ TPHCM thừa nhận.
Ông Nguyễn Việt Dũng cũng khẳng định trước mắt TPHCM cần có nghiên cứu cụ thể và đề xuất lên Chính phủ, Quốc hội một số thay đổi quan trọng về khung pháp lý điều chỉnh sự xây dựng, chia sẻ và kết nối cơ sở dữ liệu. Còn hiện nay, “khâu chuẩn hóa dữ liệu ở các bộ ngành dường như chưa được chuẩn bị kỹ càng. Ví dụ bệnh án điện tử của ngành y tế không rõ là theo chuẩn nào. Chuẩn ấy có tương thích với các chuẩn phổ biến trên thế giới không để khi người ta chữa bệnh ở nước ngoài thì bên ấy cũng phải đọc được bệnh án đó”, ông Dũng nói.
Các chuyên gia còn nêu hàng loạt vấn đề cần luật hóa để con đường xây dựng hệ cơ sở dữ liệu được trơn tru hơn. Trong đó có các ràng buộc về những chương trình thử nghiệm, chính sách bảo vệ tính riêng tư, những giới hạn liên quan tới đạo đức xã hội…
Một mối quan tâm khác cũng lớn không kém của giới nghiên cứu là nguồn vốn đầu tư cho phát triển AI. Nói như TS. Nguyễn Hoàng Tú Oanh, Hiệu trưởng ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TPHCM) thì “thách thức của các trường đại học hiện nay là tiền. Có nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất thì mới có thể tiến hành các công trình thí nghiệm, nghiên cứu về AI. Ông Tú Oanh đề nghị xây dựng quỹ đầu tư phát triển hạ tầng cho AI với nguồn huy động không chỉ từ ngân sách. Quỹ này sẽ được phân bổ về cho các đơn vị chuyên nghiên cứu phát triển AI”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Việt Dũng cũng cho hay hiện chưa có hành lang pháp lý cụ thể nào để ngân sách có thể rót về các phòng thí nghiệm AI. Sở Khoa học- Công nghệ đang xem xét đề xuất TPHCM cho hình thành mô hình Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng công nghệ thông tin với hệ thống chân rết tại các viện, trường. Lúc ấy ngân sách mới có cơ sở để đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu”, đồng thời tin tưởng nếu được “bật đèn xanh” thì Sở hoàn toàn có thể tham mưu cho TPHCM về việc lập một quỹ đầu tư riêng cho chương trình phát triển AI.
Nhanh chóng giải tỏa mối quan ngại ấy, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định “TPHCM có đủ nguồn lực cần thiết để ưu tiên cho phát triển AI. Còn chi bao nhiêu hay cơ chế chi ra sao sẽ do Ban Xây dựng và Điều hành chương trình hợp tác nghiên cứu ứng dụng AI tại TPHCM đề xuất. TPHCM cũng sẽ báo cáo, kiến nghị Chính phủ mở ra cơ chế đặc thù cho vấn đề tài chính đối với phát triển AI để thí điểm trong 2 năm 2019-2020. Sau đó sẽ có sơ kết và lên lộ trình cho những bước tiếp theo”.
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng yêu cầu ngoài chiến lược dài hạn 2019-2025, Ban Tư vấn nói trên cũng cần xác định chương trình hành động giai đoạn 2019-2020 với trọng tâm là đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung gắn với chuẩn hóa và đảm bảo an toàn dữ liệu. Xác định phòng thí nghiệm AI của viện, trường nào sẽ được chọn là đầu mối chính để Thành phố tập trung phát triển.
Về chủ trương của TPHCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho hay sau khi Ban Xây dựng và Điều hành chương trình hợp tác nghiên cứu ứng dụng AI xác định được những sản phẩm có thể phục vụ ngay trong y tế, giáo dục, quản lý xây dựng, giao thông, cấp thoát nước, cơ quan chức năng sẽ tổ chức đấu thầu đặc biệt. Tức “Thành phố sẽ ra đầu bài trước, đơn vị nào có nguồn lực tốt nhất thì tham gia. Sẽ có thêm cả nhánh hỗ trợ khởi nghiệp lĩnh vực AI nữa. Mục tiêu là cuối tháng 5 tới, TPHCM sẽ công bố danh sách các ứng dụng cần đặt hàng và khuyến khích tất cả tổ chức, cá nhân cùng tham gia, nhất là các liên doanh giữa nhà nghiên cứu với DN.
Nói rõ thêm vấn đề này Giám đốc Sở Thông tin truyền thông TPHCM Dương Anh Đức cho hay cơ chế minh bạch để nguồn đầu tư chảy vào đúng các DN, các nhóm nghiên cứu tiềm năng, có thể làm ra sản phẩm có giá trị thực sự, chứ không phải làm theo phong trào hoặc mượn cớ giải ngân, lợi dụng ngân sách cho mục đích khác.
Như vậy, với các ứng dụng liên quan tới chương trình phát triển AI, TPHCM sẽ không làm theo cách “truyền thống” - để các nhóm nghiên cứu tự đề xuất rồi duyệt ngân sách thực hiện – vì có thể gây nên những ngờ vực về khả năng ứng dụng của đề tài trên thực tế. Thay vào đó, cuộc phát triển hệ sinh thái AI sẽ có “luật chơi” chung cho tất cả các bên tham gia.