Theo báo cáo tổng kết hoạt động năm 2014 của Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) TP Hồ Chí Minh, tính đến nay, toàn thành phố có 85 doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển Khoa học Công nghệ, trong đó 31 doanh nghiệp đã trích và sử dụng Quỹ với tổng số tiền trích lập là 414 tỉ đồng.
Thông tin được đưa ra tại Lễ tổng kết hoạt động Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh năm 2014 tổ chức ngày 22/1/2015.
Theo báo cáo tổng kết, trong năm 2014, Sở KH&CN đã cấp kinh phí triển khai 250 dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó xét duyệt 103 đề tài, thực hiện giám định 52 đề tài, nghiệm thu 70 đề tài. Tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện của 76 đề tài/dự án nghiên cứu triển khai trong năm 2013. Kết quả kiểm tra cho thấy các chủ nhiệm đề tài đã thực hiện nghiêm túc các nội dung và tiến độ theo hợp đồng nghiên cứu, các cơ quan chủ trì thể hiện được trách nhiệm của mình và quan tâm hỗ trợ chủ nhiệm đề tài trong quá trình triển khai đề tài.
Bên cạnh đó, Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh tiếp tục thí điểm hợp đồng đặt hàng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đã ký hợp đồng thực hiện 25 đề tài đăng ký thí điểm hình thức hợp đồng đặt hàng, trong đó có 16 đề tài của năm 2013 và 9 đề tài theo hình thức đặt hàng năm 2014. Các đề tài đang trong giai đoạn triển khai nghiên cứu.
Triển khai thực hiện các đề án, chương trình theo nhu cầu của thành phố như đề án “Bảo tồn nguồn gen sinh vật phục vụ nhu cầu phát triển của thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực Nam bộ giai đoạn 2014 -2020”; nghiên cứu thành lập “Chương trình Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc TP.HCM” nhằm phục vụ cho “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc tại TP.HCM giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025”; triển khai dự án Hoàn thiện thiết kế, chế tạo máy cắt-vớt rong, cỏ dại, lục bình cỡ nhỏ trên kênh, mương cấp thoát nước khu vực TP.HCM, thiết bị hiện đang triển khai trục vớt trên 5 tuyến kênh do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất.
Trong năm 2014, Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai các chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố; Chương trình Nâng cao năng lực nghiên cứu thiết kế, chế tạo và chuyển giao thiết bị mới, Chương trình thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước thay thế nhập khẩu và Chương trình Robot công nghiệp nhằm cải thiện chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, một thực tế được đặt ra hiện nay, các đề tài nghiên cứu vẫn chỉ tập trung vào khối Viện nghiên cứu, Trường ĐH…, trong khi các doanh nghiệp vẫn còn rất hạn chế trong việc tham gia vào quá trình nghiên cứu khoa học này.
Lý do là bởi các doanh nghiệp vẫn còn khá thụ động trong việc xây dựng các đề án nghiên cứu khoa học phục vụ cho công tác sản xuất của cơ sở, hầu hết chỉ mua lại công nghệ đã có sẵn chứ chưa phát huy hết năng lực của các nhà khoa học đang làm việc tại bản thân doanh nghiệp.
Phát biểu tại lễ Tổng kết, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển Khoa học Công nghệ là điều hết sức đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là về mặt tài chính. Là người trong cuộc, hơn ai hết, những người làm khoa học công nghệ nên có những kiến nghị để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp trích lập và sử dụng hiệu quả nguồn quỹ này.Ngoài những ưu đãi do Chính phủ quy định, TP Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều chính sách thu hút các nhà khoa học về làm việc như chính sách trả lương lên tới 150 triệu đồng/tháng, hỗ trợ nhà ở, đi lại…. Sắp tới, TP sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước để đầu tư cho hoạt động đổi mới công nghệ, xây dựng TP.HCM là địa phương đi đầu trong cả nước về áp dụng KH&CN vào trong sản xuất, kinh doanh.
Minh Châu