TP.HCM sẽ xây dựng nhiều mô hình điểm về áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng, hệ thống quản lý tiên tiến để nhân rộng ra cho nhiều doanh nghiệp
Sáng 29/7, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM đã tổ chức hội nghị phổ biến dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp TP.HCM đến năm 2020”.
Ông Trịnh Minh Tâm, Phó giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cho biết, với mục tiêu nâng cao chất lượng, tạo lập uy tín, tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, từ năm 1996, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra chương trình “Thập niên chất lượng” nhằm khẳng định hơn nữa vai trò và tầm quan trọng của năng suất và chất lượng trong phát triển kinh tế.
Trải qua 2 thập niên triển khai (1996 – 2005 và 2006 – 2015), chương trình đã tạo nên những bước tiến quan trọng trên chặng đường nâng cao chất lượng hàng hóa và hội nhập quốc tế.
Hưởng ứng phong trào chung của cả nước, TP.HCM đã triển khai nhiều hoạt động tập trung cho chủ đề chất lượng với chủ trương: Kết hợp hài hòa giữa chức năng quản lý nhà nước bằng pháp luật với việc áp dụng một cách thích hợp các chính sách phục vụ – hỗ trợ doanh nghiệp; Tăng cường tam giác liên kết giữa Nhà nước - Nhà nghiên cứu, đào tạo - doanh nghiệp với phương châm “bắt đầu từ đào tạo và kết thúc bằng đào tạo”...
Theo Ông Nguyễn Văn Hà, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM, trong Thập niên chất lượng lần thứ nhất, Sở KH&CN đã tổ chức được 459 lớp tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật; đào tạo về Hệ thống quản lý chất lượng, công cụ nâng cao năng suất chất lượng với khoảng 16.253 lượt người tham gia; hỗ trợ 374 lượt doanh nghiệp áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng, công cụ nâng cao năng suất chất lượng...
Từ năm 2006, TP lại tiếp tục triển khai mạnh mẽ Thập niên chất lượng Việt Nam lần thứ hai (2006-2015) với chủ đề "Năng suất - Chất lượng: Chìa khóa phát triển và hội nhập".
Qua 10 năm triển khai, đã hình thành được phong trào năng suất chất lượng rộng khắp trên địa bàn TP. Từ đó, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng hơn trong nhận thức cũng như hành động về Năng suất - Chất lượng - Hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo tiền đề phát triển bền vững và hội nhập thành công cho nền kinh tế cả nước.
Trong giai đoạn này, Sở cũng đã tổ chức 409 lớp cho hơn 14.272 lượt người về tuyên truyền, phổ biến, đào tạo về các hệ thống quản lý và các công cụ nâng cao năng suất. Xây dựng, đưa vào sử dụng trang web hướng dẫn đo lường năng suất cho các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng.
Bên cạnh đó là hỗ trợ 208 doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến (ISO 9000, 14000, ISO/IEC 17025, HACCP, SA 9000...). Hướng dẫn 510 doanh nghiệp thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm hàng hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng.
Sở KH&CN cũng đã tham mưu cho UBND phê duyệt Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp TP.HCM đến năm 2020”.
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của dự án này là tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước...
Để làm được điều đó, TP sẽ tập trung xây dựng các mô hình điểm về áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng, hệ thống quản lý tiên tiến và hỗ trợ nhân rộng kết quả ra cho doanh nghiệp. Từ đó, tạo động lực cho doanh nghiệp để chuyển mình từ giai đoạn phát triển theo hướng tập trung đầu tư vốn, sử dụng nguồn lao động giá rẻ sang giai đoạn phát triển với cách quản lý hiệu quả bên cạnh việc ứng dụng những tiến bộ khoa học để tăng cao giá trị hàng hóa.
“Nếu hoàn thành tốt những điều này, chúng ta sẽ xây dựng được hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và phương thức quản lý tiên tiến. Cùng với đội ngũ nhân lực có kỹ năng và chất lượng, sẽ là điểm tựa quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam hội nhập thị trường, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và yêu cầu của thị trường xuất khẩu”, ông Hà cho biết.