Từ những đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh, TP.HCM sẽ có những hỗ trợ để nghiên cứu không chỉ dừng lại ở cuộc thi.
Ngày 16.1, tại TP.HCM đã diễn ra vòng chung kết Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học nghiên cứu khoa học năm học 2020 - 2021 cấp thành phố.
Chọn 6 đề tài thi cấp quốc gia
Theo đó, từ 863 đề tài đăng ký dự thi cấp thành phố trong đó có 395 đề tài của học sinh bậc THCS và 485 đề tài của học sinh bậc THPT, 4 đề tài của các đơn vị TTGDHN-TTGDTX của gần 1.600 học sinh thực hiện, ban tổ chức đã chọn ra 50 đề tài dự thi vòng chung kết.
Đó là 50 dự án của học sinh 27 trường THCS, THPT, bên cạnh các trường: THPT chuyên Lê Hồng Phong với (8 đề tài), THPT Gia Định (5 đề tài) còn có sự góp mặt của các trường mới như THPT Bình Chiểu (quận Thủ Đức), THCS Tân Nhựt (huyện Bình Chánh)…. Theo nhận xét của ban tổ chức thì những dự án năm nay có ý tưởng sáng tạo, gần gũi thực tế và tính ứng dụng cao. Cụ thể như: Thiết bị thông minh tích hợp chức năng nhận diện cảm xúc qua hình chụp camera và trợ lý ảo; Ứng dụng di động giúp khắc phục tâm lý trì hoãn của học sinh THCS trong việc hoàn thành nhiệm vụ học tập; Thử hàn the từ dịch chiết của củ hành tây; Thiết kế hệ thống đèn chiếu sáng thông minh chống ô nhiễm ánh sáng ứng dụng trong lớp học…
Sau vòng thi chung kết hôm nay, hội đồng giám khảo, ban tổ chức sẽ chọn ra 6 đề tài tham gia kỳ thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia tổ chức tại Huế vào tháng 3 tới. Được biết, ban giám khảo sẽ lựa chọn đề tài thi quốc gia và xét giải cấp thành phố dựa trên 3 tiêu chí chủ đạo bao gồm: Tính mới của đề tài; Tính khoa học, logic của đề tài và phương pháp nghiên cứu đề tài... Đồng thời, trong vòng chung kết, học sinh phải thể hiện năng lực, bản lĩnh của mình trong nghiên cứu khoa học.
"Sân chơi lý thú, bổ ích cho học sinh"
Phát biểu tại cuộc thi, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nói: “Qua nhiều năm tổ chức, cuộc thi đã thực sự trở thành sân chơi lý thú, bổ ích cho các em có niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Các em đã biết vận dụng kiến thức các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Từ đó sáng tạo các sản phẩm hữu ích cho cuộc sống. Điều đáng ghi nhận ở các đề tài nghiên cứu là đa số đều xuất phát từ nhu cầu, bức xúc của thực tiễn. Các đề tài không chỉ gắn với lĩnh vực khoa học tự nhiên, ứng dụng công nghệ mới, mà còn thể hiện tính nhân văn cao khi hướng tới các sản phẩm chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật, tìm hiểu và giải quyết các vấn đề xã hội gần gũi lứa tuổi, gắn với thực tế của thành phố. Sau cuộc thi, Sở sẽ có kế hoạch phối hợp, kết nối với các cơ quan, các viện nghiên cứu phù hợp để đưa những đề tài nghiên cứu của học sinh phát triển theo hướng ứng dụng thực tế chứ không chỉ để tham gia cuộc thi".
Chia sẻ cảm xúc tại cuộc thi, đại diện nhóm học sinh nghiên cứu khoa học của Trường THPT Trần Văn Giàu (quận Bình Thạnh) cho biết: "Cuộc thi không chỉ giúp học sinh phát huy đam mê khi nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm, đề tài gần gũi và mang tính ứng dụng vào đời sống, mà còn là nơi giúp chúng em gặp gỡ, học hỏi lẫn nhau, chia sẻ niềm đam mê nghiên cứu khoa học".