Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Năng lượng nguyên tử Thứ tư, 04/12/2024 , 12:03 am
Cập nhật : 23/11/2023 , 15:11(GMT +7)
Sửa đổi, bổ sung, chính sách pháp luật về năng lượng nguyên tử phù hợp với thực tiễn
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái phát biểu tại Hội thảo.
Sau 15 năm thi hành, Luật Năng lượng nguyên tử (NLNT) đã khẳng định vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) là cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực NLNT, an toàn bức xạ và hạt nhân. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nhiều nội dung của Luật NLNT cho thấy không còn phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế nên cần thiết sửa đổi, bổ sung, chính sách, pháp luật về NLNT.

Ngày 22/11/2023, tại Trụ sở Bộ KH&CN đã diễn ra Hội thảo khoa học “Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật NLNT”. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái đã đến dự và phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các đại biểu đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện các bộ, ban, ngành có liên quan, lãnh đạo Sở KH&CN một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội NLNT Việt Nam, các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN và các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực NLNT.

Hội thảo khoa học “Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật NLNT”.

PGS.TS. Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và TS. Trần Bích Ngọc, Cục trưởng Cục NLNT đồng chủ trì Hội thảo.

Luật NLNT - Góp phần đẩy mạnh ứng dụng NLNT 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Hồng Thái cho biết, chính sách đẩy mạnh ứng dụng NLNT đã được đề ra từ Hội nghị Trung ương 2 (khóa VIII), được cụ thể hóa tại Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình, với việc thông qua Luật NLNT năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã góp phần thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua đó hình thành nên hệ thống pháp luật về NLNT ngày một hoàn thiện. 

Sau hơn 15 năm thi hành, Luật NLNT đã thực sự phát huy được vai trò là cơ sở pháp lý để các tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tiến hành các hoạt động trong lĩnh vực NLNT tại Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh ứng dụng NLNT, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các ngành, các cấp, cơ sở bức xạ, cơ sở hạt nhân và người dân về ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như là căn cứ để các cơ quan, tổ chức liên quan ở trung ương và địa phương quản lý an toàn, an ninh, chủ động phòng ngừa, kiểm soát và ứng phó với sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân.

Thứ trưởng Trần Hồng Thái nhận định, Luật NLNT đã khẳng định vai trò quản lý nhà nước của Bộ KH&CN là cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực NLNT, an toàn bức xạ và hạt nhân (Điều 7, Điều 8 của Luật) và căn cứ pháp lý vững chắc để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các Sở KH&CN tham mưu thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực NLNT trên địa bàn tỉnh, tạo lập hệ thống quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương về năng lượng ngyên tử.

Luật NLNT là căn cứ pháp lý để Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (Nghị quyết số 41/NQ-QH12 ngày 25/11/2009) và Chính phủ đàm phán, ký kết Hiệp định hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 với Chính phủ Liên bang Nga, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 với Chính phủ Nhật Bản trong các năm 2010, 2011 và hiện nay là Dự án Trung tâm Nghiên cứu KH&CN hạt nhân với lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nhiều nội dung của Luật NLNT cho thấy không còn phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của KH&CN nói chung và công nghệ bức xạ, công nghệ hạt nhân nói riêng, cũng như việc sửa đổi, bổ sung của nhiều đạo luật có liên quan đến việc thi hành Luật NLNT phát sinh sự chồng chéo trong chức năng quản lý của một số bộ ngành; thiếu tính khả thi, chưa phù hợp tình hình mới, gây khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện.

Sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về NLNT phù hợp thực tiễn

Giải quyết những bất cập nêu trên, theo đề xuất của Bộ KH&CN, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ KH&CN lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật NLNT (sửa đổi). Chính phủ cũng đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa dự án Luật NLNT (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội năm 2026. Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký Quyết định số 1794/QĐ-BKHCN ngày 15/8/2023 ban hành Kế hoạch chi tiết lập Đề nghị xây dựng Luật NLNT (sửa đổi). Hội thảo khoa học “Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật NLNT” là một nội dung công việc của Kế hoạch, với mục đích nhằm tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện, những vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện và đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về NLNT.

Tại Hội thảo, ông Đinh Ngọc Quang, Trưởng phòng Pháp chế và Chính sách, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật NLNT. Trong đó trình bày về chính sách, pháp luật về NLNT; tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện cũng như bất cập, hạn chế trong thi hành Luật NLNT. Các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật NLNT nhằm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của ứng dụng NLNT trong một môi trường an toàn, an ninh cũng được đề xuất.

Ông Đinh Ngọc Quang, Trưởng phòng Pháp chế và Chính sách, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật NLNT.

Tiếp đó, TS. Trần Bích Ngọc, Cục trưởng Cục NLNT báo cáo về tình hình phát triển ứng dụng NLNT ở Việt Nam trong thời gian qua. Báo cáo trình bày một số kết quả rà soát, đánh giá việc xây dựng và thực hiện các chính sách, quy định pháp luật về phát triển ứng dụng NLNT; các khó khăn, vướng mắc đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và một số đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển, ứng dụng NLNT.

PGS.TS. Vương Hữu Tấn, Chủ tịch Hội NLNT Việt Nam trình bày tại Hội thảo một số bất cập trong Luật NLNT năm 2008, và nhấn mạnh việc sửa đổi Luật NLNT 2008 là cần thiết đồng thời nêu ra một số định hướng trong chỉnh sửa Luật NLNT 2008 theo hướng dẫn Luật NLNT mẫu của Cơ quan NLNT quốc tế (IAEA).

Hội thảo cũng được nghe các báo cáo về: đánh giá tình hình thực hiện Luật NLNT của Viện NLNT; định hướng sửa đổi bổ sung chính sách pháp luật về bảo vệ chống phóng xạ và an toàn bức xạ; sửa đổi bổ sung chính sách pháp luật về an ninh, thanh sát hạt nhân và ứng dụng bức xạ và bảo vệ chống phóng xạ trong y tế.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đều thống nhất việc sửa đổi, bổ sung pháp luật NLNT, định hướng xây dựng Luật NLNT (sửa đổi) và hệ thống các văn bản thi hành Luật NLNT (sửa đổi) phải phù hợp với thực tiễn.

Việc hoàn thiện chính sách, pháp luật NLNT đóng góp thiết thực cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển hơn nữa các ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình, tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm bảo đảm an toàn, an ninh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, môi trường và duy trì phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Hà Chi, Văn Nguyên


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner