Với mục tiêu nghiên cứu, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp; Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp và mục tiêu quản lý Nhà nước; Thi hành các cam kết về loại bỏ rào cản kỹ thuật đối với thương mại trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết tham gia và đang đàm phán, việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 86/2012/NĐ-CP rất cần thiết.
Ngày 17/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1258/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020 (Quyết định số 1258/QĐ-TTg). Theo đó, tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định số 1258/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và Nghị định số 86/2012/NĐ-CP.
Đối với Nghị định số 86/2012/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định và văn bản hướng dẫn theo hướng: Chuyển việc phê duyệt mẫu đối với phương tiện đo nhóm 2 thực hiện sau thông quan (trước khi đưa vào sản xuất, lưu thông tại thị trường nội địa) nhằm giảm thời gian thông quan hàng cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Những kết quả đạt được
Nghị định số 86/2012/NĐ-CP đã quy định cụ thể về trách nhiệm kiểm tra nhà nước về đo lường đối với phương tiện đo, lượng của hàng đóng gói sẵn nhập khẩu tại Điều 13 Nghị định số 86/2012/NĐ-CP. Cụ thể: Quy định rõ trách nhiệm kiểm tra nhà nước về đo lường đối với Bộ Khoa học và Công nghệ, trong đó có quy định trách nhiệm của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Quy định rõ trách nhiệm kiểm tra nhà nước về đo lường đối với Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
Quy định rõ trách nhiệm kiểm tra nhà nước về đo lường đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã; Quy định rõ trách nhiệm kiểm tra nhà nước về đo lường đối với Thanh tra khoa học và công nghệ, Hải quan, Công an, Quản lý thị trường và cơ quan, tổ chức khác.
Bên cạnh đó, thông qua báo cáo đánh giá thực trạng thi hành Nghị định 86/2012/NĐ-CP của bộ, ngành, địa phương, trách nhiệm quản lý nhà nước về đo lường được đánh giá: Rõ ràng, không chồng chéo; Thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương trong hoạt động quản lý của mình; Phát huy hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước về đo lường.
Hàng năm, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện kiểm tra thường xuyên, đột xuất theo yêu cầu của cơ quan cấp trên hoặc khi phát hiện có hành vi vi phạm về chuẩn đo lường, phương tiện đo, phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn; các hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường trên địa bàn tỉnh.
Công tác kiểm tra nhà nước về đo lường ở cấp xã chưa thực hiện được, do chưa có cán bộ theo dõi và quản lý thực hiện nhiệm vụ công tác đo lường tại địa phương.
Ngoài ra, đã quy định về việc phối hợp kiểm tra nhà nước về đo lường tại Điều 17 Nghị định số 86/2012/NĐ-CP: Quy định về hình thức phối hợp kiểm tra nhà nước về đo lường bao gồm cử cán bộ tham gia hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đo lường; cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý vi phạm pháp luật về đo lường; Chủ trì, phối hợp kiểm tra liên ngành theo chỉ đạo của cơ quan cấp trên hoặc theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, địa phương; Quy định về việc phối hợp kiểm tra phương tiện đo nhóm 2, lượng của hàng đóng gói sẵn nhóm 2 nhập khẩu;
Quy định về việc phối hợp kiểm tra phương tiện đo, chuẩn đo lường, lượng của hàng đóng gói sẵn tại nơi sản xuất;
Quy định về việc phối hợp kiểm tra phép đo, phương tiện đo, chuẩn đo lường, lượng của hàng đóng gói sẵn trong lưu thông, buôn bán, sử dụng.
Đối với hoạt động phối hợp kiểm tra phương tiện đo, chuẩn đo lường, lượng của hàng đóng gói sẵn trong lưu thông, buôn bán, sử dụng và tại nơi sản xuất: đã thực hiện tốt, phát huy được hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về đo lường.
Nghiên cứu, xem xét điều chỉnh Nghị định số 86/2012/NĐ-CP
Thông qua báo cáo đánh giá thực trạng thi hành Nghị định 86/2012/NĐ-CP của bộ, ngành, địa phương, quy định về việc phối hợp kiểm tra phương tiện đo, chuẩn đo lường, lượng của hàng đóng gói sẵn có thể thấy, đối với hoạt động phối hợp kiểm tra phương tiện đo nhóm 2, lượng của hàng đóng gói sẵn nhóm 2 nhập khẩu: đã có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về đo lường với cơ quan hải quan tại các cửa khẩu. Tuy nhiên, sau 8 năm thực hiện, đã bộc lộ một số bất cập như sau:
Thời gian thử nghiệm mẫu để làm thủ tục phê duyệt mẫu thường kéo dài hơn 30 ngày, thậm chí có một số mặt hàng lên đến 60 - 90 ngày, làm kéo dài thời gian thông quan hàng hóa, gây khó khăn cho doanh nghiệp;
Không đủ kho, bãi để lưu giữ phương tiện đo;
Phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp.
Với những bất cập nêu trên, cùng với kiến nghị giải quyết vấn đề: Chuyển việc phê duyệt mẫu đối với phương tiện đo nhóm 2 thực hiện sau thông quan (trước khi đưa vào sản xuất, lưu thông tại thị trường nội địa) nhằm giảm thời gian thông quan hàng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86/2012/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn.
Cụ thể, quy định về việc phối hợp kiểm tra nhà nước về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2, lượng của hàng đóng gói sẵn nhóm 2 nhập khẩu quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 86/2012/NĐ-CP.
Kể từ khi Nghị định số 86/2012/NĐ-CP có hiệu lực, công tác quản lý nhà nước về đo lường đã có nhiều chuyển biến tích cực, trong đo có hoạt động về đăng ký phê duyệt mẫu phương tiện đo nhập khẩu. Hàng năm, số lượng phương tiện đo đăng ký phê duyệt mẫu tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhận được ý kiến phản ánh của một số doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc liên quan đến kiểm tra phương tiện đo nhóm 2 nhập khẩu quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 86/2012/NĐ-CP. Thời gian thử nghiệm mẫu để làm thủ tục phê duyệt mẫu thường kéo dài hơn 30 ngày, thậm chí có một số mặt hàng lên đến 60 - 90 ngày, làm kéo dài thời gian thông quan hàng hóa, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đối với lượng của hàng đóng gói sẵn nhóm 2 nhập khẩu, hiện tại Bộ Khoa học và Công nghệ chưa thể ban hành được Danh mục hàng đóng gói sẵn nhóm 2 vì các nước ASEAN cũng như các quốc gia khác trong Tổ chức đo lường pháp định quốc tế (OIML) còn đang nghiên cứu, chưa thống nhất về việc ban hành Danh mục này.
Về công tác kiểm tra tăng cường, không có hồ sơ phát sinh do Bộ Khoa học và Công nghệ không nhận được ý kiến phản ánh của các cơ quan có liên quan, các doanh nghiệp hay người tiêu dùng. Vì vậy, hoạt động kiểm tra tăng cường đối với phương tiện đo nhóm 2, lượng của hàng đóng gói sẵn giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với các Bộ, ngành có liên quan và cơ quan Hải quan không thực hiện trong suốt thời gian qua mà chủ yếu được chuyển sang thành hoạt động kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất do đơn vị Thanh tra Khoa học và Công nghệ thực hiện.