Tại hội thảo “Sử dụng nhiên liệu sạch vì sức khỏe cộng đồng” mới đây, Giám đốc điều hành Liên minh Toàn cầu về Bếp lò sạch Radha Muthiah cho rằng khói độc từ bếp lò đứng thứ năm trong số các nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong tại các quốc gia đang phát triển.
Vì vậy, với nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống, cải thiện sinh kế, trao quyền cho phụ nữ và chống lại tình trạng biến đổi khí hậu bằng cách tạo ra một thị trường tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn cầu cho các giải pháp đun nấu sạch, Liên minh Toàn cầu về Bếp lò sạch có một vị thế tốt để giúp thúc đẩy và đạt được mục tiêu sử dụng bếp lò và nguyên liệu liệu sạch trên toàn cầu, bà Radha Muthiah khẳng định
Xin bà cho biết mục đích của việc tổ chức hội thảo liên minh bếp sạch toàn cầu tại Việt Nam lần này?
Bà Radha Muthiah: Việt Nam là nước mà Liên Toàn cầu về Bếp lò sạch minh muốn hướng tới để làm việc với Chính phủ và các đơn vị liên quan về vấn đề bếp sạch. Ở tất cả các nước, Liên minh muốn đưa ra vấn đề được ưu tiên và tổ chức hội thảo để có thể hiểu được những thách thức, rào cản nào là cần thiết để quảng bá vấn đề bếp sạch.
Mục đích của hội thảo là để lắng nghe ý kiến từ những người tham gia, Chính phủ, các đơn vị tư nhân, các nhà nghiên cứu, học viện…. xem đâu là yêu cầu cần thiết nhất ở Việt Nam để tiếp cận phương thức nấu bếp hiện đại.
Bà đánh giá thế nào về tác động của bếp đun truyền thống tại Việt Nam hiện nay? Việc sử dụng nhiên liệu sạch để đun nấu sẽ mang lại hiệu quả đối với đời sống con người ra sao?
Hiện nay, tại Việt Nam 75% dân số nông thôn sử dụng bếp đun truyền thống. Với bếp đun truyền thống, phụ nữ phải mất nhiều giờ để nấu, thu nhặt nhiên liệu. Mỗi ngày họ mất từ 6 đến 7 tiếng để nấu nướng và không có thời gian để làm những việc khác. Kết quả từ việc sử dụng này gây ra các bệnh mạn tính và tác động cấp tính lên sức khỏe như viêm phổi, viêm phế quản…
Bên cạnh đó, việc sử dụng chất thải nông nghiệp để đun nấu cũng gây ảnh hưởng đến môi trường và làm gia tăng áp lực đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên và góp phần tạo ra biến đổi khí hậu ở cấp khu vực và toàn cầu.
Do vậy, nếu họ sử dụng bếp đun nhiên liệu sạch thì sẽ tiết kiệm thời gian và hiệu quả hơn. Hơn nữa sức khoẻ của họ sẽ được cải thiện.
Đun nấu theo cách truyền thống sẽ tác động đến môi trường vì người dân sẽ phải chặt cây lấy củi và nếu sử dụng cách đun nhiên liệu sạch thì sẽ bảo vệ được môi trường, không phải phá rừng.
Theo bà cần phải thực hiện những nhiệm vụ cụ thể nào để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có 100 triệu hộ gia đình lựa chọn và sử dụng bếp sạch cũng như nhiên liệu sạch và hiệu quả ở các quốc gia?
Tôi cho rằng cần phải có tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia về việc xác định nhiên liệu sạch và hiệu quả, an toàn. Từ đó các tổ chức phải phát triển vấn đề này.
Trước tiên là huy động các nguồn lực tài chính để sản xuất các nhiên liệu sạch. Các tổ chức phải giúp người dân chuyển từ đun nấu truyền thống sang sử dụng phương thức nấu hiện đại. Cùng với đó là hiểu người tiêu dùng muốn gì, họ cần nhiên liệu gì để đun nấu. Trên cơ sở đó giúp nhà nghiên cứu, nhà sản xuất, sản xuất ra những sản phẩm người tiêu dùng cần.
Vậy sự kết hợp giữa cộng đồng nghiên cứu, người tiêu dùng, nhà đổi mới, doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với việc thực hiện chiến lược này ra sao?
Không chỉ nhà sản xuất, nhà nghiên cứu mà cả Chính phủ và người tiêu dùng cũng đóng vai trò quan trọng. Chính phủ phải hỗ trợ về những quy định, chính sách, thuế quan, thúc đẩy kinh doanh giúp quảng bá phương thức mới.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Liên minh Toàn cầu về Bếp lò sạch là một sáng kiến quan hệ đối tác công tư đang phát triển với khoảng 300 tổ chức phi chính phủ, quỹ tài trợ, chính phủ, doanh nghiệp cung cấp bếp lò, các nhóm phụ nữ và môi trường, trường đại học, lãnh đạo các công ty và các tổ chức thuộc Liên hiệp quốc với tham vọng đạt được mục tiêu khuyến khích sử dụng các loại bếp lò sạch hiệu quả tại 100 triệu hộ gia đình vào năm 2020. |
Bài, ảnh: Phương Nga