Nhóm nghiên cứu trẻ thuộc Bộ môn Thuốc phóng thuốc nổ, Khoa Vũ khí, Học viện Kỹ thuật Quân sự do TS. Phan Đức Nhân làm chủ nhiệm đề tài đã nghiên cứu chế tạo thành công quy trình công nghệ tinh chế bột gỗ nhà máy giấy, nhằm làm nguyên liệu điều chế Nitroxenlulo (NC) cho sản xuất thuốc phóng thay thế bột gỗ nhập ngoại.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn
Được điều chế bằng cách nitro hóa nguyên liệu xenlulo đã tinh chế (bông, gỗ…), NC được sử dụng khá phổ biến trong dân sự và quân sự như dùng chế tạo thuốc phóng, chất kết dính, chất tạo màng… Hiện nay, để sản xuất mác Nitroxenlulo (NC), Việt Nam đang phải sử dụng nguồn nguyên liệu xenlulo đã tinh chế và đều nhập ngoại như bột gỗ Canada và Mỹ, bông Trung Quốc. Ngoài ra, nguyên liệu xenlulo dùng để điều chế NC cho sản xuất thuốc phóng yêu cầu chất lượng cao (hàm lượng α-xenlulo trên 92% đối với bột gỗ và trên 96% đối với bông, các chỉ tiêu chất lượng khác rất chặt chẽ).
TS. Phan Đức Nhân cho biết, nhóm đã bắt đầu nghiên cứu tinh chế xenlulo gỗ đạt các yêu cầu kỹ thuật dùng làm nguyên liệu điều chế NC cho sản xuất thuốc phóng trong quy mô phòng thí nghiệm từ đầu năm 2010. Kết quả nghiên cứu cho thấy, bằng nội lực trong nước hoàn toàn có thể tinh chế xenlulo gỗ Việt Nam thành sản phẩm thỏa mãn các yêu cầu kỹ thuật đối với bột gỗ dùng để sản xuất NC thay thế bột gỗ nhập ngoại.
Từ thực tế trên, nhóm đã đề xuất và được Bộ KH&CN giao cho nhiệm vụ thực hiện đề tài tiềm năng “Nghiên cứu sử dụng nguồn xenlulo gỗ Việt Nam dùng để điều chế nitroxenlulo cho sản xuất thuốc phóng thay thế xenlulo gỗ nhập ngoại” với mục tiêu chính nhằm tinh chế bột gỗ nhà máy giấy (bột trắng) thành sản phẩm thỏa mãn các yêu cầu kỹ thuật đối với bột gỗ dùng để điều chế nitroxenlulo cho sản xuất thuốc phóng nhằm thay thế bột gỗ nhập ngoại.
Chủ động nguyên liệu sản xuất hàng quốc phòng
TS. Nhân chia sẻ, trong quá trình thực hiện đề tài tiềm năng, nhóm đã khảo sát và đưa ra chế độ công nghệ tinh chế phù hợp hợp nhằm thu được sản phẩm bột gỗ tinh chế thỏa mãn các yêu cầu kỹ thuật đối với bột gỗ dùng để điều chế NC, đánh giá so sánh bột gỗ tinh chế với bột gỗ Canada về chất lượng và giá thành. Đồng thời khảo sát và đưa ra chế độ công nghệ nitro hóa phù hợp nhằm thu được sản phẩm NC thỏa mãn yêu cầu kỹ thuật về hàm lượng đối với NC số 2; khảo sát và đưa ra chế độ công nghệ ổn định phù hợp nhằm thu được sản phẩm NC số 2 thỏa mãn đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật đối với NC số 2 dùng để sản xuất thuốc phóng và đánh giá so sánh chất lượng NC số 2 điều chế từ bột gỗ tinh chế và NC số 2 chế tạo từ bột gỗ Canada.
Bên cạnh đó, nhóm cũng đã lựa chọn đối tượng nghiên cứu, phương pháp sẽ sử dụng, cách thức giải quyết một vấn đề thực tế mới phát sinh hoặc một nhiệm vụ cụ thể. Vì vậy, Bột gỗ tinh chế của Việt Nam sau khi được gửi đi phân tích chất lượng và chụp phổ theo các phương pháp tiêu chuẩn trên Phòng KCS, Nhà máy Z195 và Trung tâm Kỹ thuật Vũ khí, Học viện Kỹ thuật Quân sự đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật đối với bột gỗ đưa vào nitro hóa để điều chế NC, có chất lượng tương đương với bột gỗ Canada và có giá thành thấp hơn. Do vậy, việc sử dụng bột gỗ tinh chế của Việt Nam thay thế bột gỗ Canada sẽ góp phần hạ giá thành sản phẩm và chủ động được nguyên liệu sản xuất hàng quốc phòng.
Hiện nay, Đề tài đã nghiên cứu thành công quy trình công nghệ tinh chế bột gỗ nhà máy giấy; quy trình công nghệ điều chế NC số 2 từ bột gỗ tinh chế; quy trình công nghệ ổn định NC số 2 điều chế từ bột gỗ tinh chế.
Tuy nhiên, theo TS. Nhân, để phát triển, chuyển giao, ứng dụng kết quả của đề tài nhóm nghiên cứu đã đề nghị cơ quan chức năng các cấp cho phép mở đề tài ở cấp cao hơn. Qua đó nhằm nghiên cứu hoàn thiện các chế độ công nghệ tinh chế bột gỗ nhà máy giấy, sử dụng bột gỗ tinh chế để chế tạo mác NC số 1 và NC số 2, chế thử thuốc phóng cầu 2 gốc mác C-LP100 và thuốc phóng pirocxilin mác 11/7 ở quy mô nhà mày để có thể ứng dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất NC và thuốc phóng, từng bước tiến tới thay thế hoàn toàn bột gỗ Canada nhập ngoại.
Mai Chi