Tại sao diễn biến của sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima gây ra những hậu quả trầm trọng, ảnh hưởng đến niềm tin của dư luận vào ngành điện hạt nhân? Ba tháng sau sự cố, bài học kinh nghiệm rút ra là do sai sót của con người.
Trước hết, thông tin về sự cố không được thông báo một cách minh bạch và chi tiết theo thời gian cho các cơ quan liên quan đến an toàn hạt nhân của Nhà nước. Sự cố ở Fukushima 1 xảy ra lúc 14g15 ngày 10.3, nhưng mãi đến hơn 17g, cơ quan NISA mới thông báo cho dân chúng biết về sự cố đã xảy ra ở Fukushima.
Với tin tức không chính xác cung cấp bởi TEPCO, cơ quan này đã tuyên bố “tình huống của Fukushima 1 không có gì lo ngại!”
Quá nhiều cái sai
Vào 22g ngày 11.3, những hệ thống phát điện cấp cứu diesel đã được đem tới Fukushima 1 để nạp điện cho những máy bơm, nhưng những máy bơm với thiết kế tiên tiến đã không dùng được vì dây cáp quá ngắn hoặc đầu lắp ráp không hợp nhau.
Một công nhân đang làm việc tại lò phản ứng số 3 của Nhà máy ĐNH DaiichiFukushima vào tháng 9/2010. (Ảnh: oregonlive)
Vào 1g30’ sáng ngày 12.3, TEPCO xin phép Thủ tướng Nako Kan cho xả khí qua ống khói ra môi trường. Mặc dù đã được phép nhưng mãi lúc 9g04 nhà vận hành TEPCO mới bắt đầu xả khí ô nhiễm qua ống khói của nhà lò ra môi trường. Tại sao lại có sự trậm trễ này? Bởi vì khi được lệnh xả khí nhà lò ra môi trường, 6 nhân viên của TEPCO đã mất nhiều thời gian tìm đến vị trí của 2 van xả (tại đó do hoạt độ phóng xạ ở trong khu vực nhà lò rất cao (trên 100 mSv/h) nên phải thay nhau), khi đến nơi việc mở van xả rất khó khăn do không được bảo dưỡng định kỳ.
Những sự kiện trên cho ta thấy rằng nhà vận hành TEPCO đã không có kiểm soát những trang thiết bị và tổ chức những buổi diễn tập ứng phó sự cố định kỳ theo quy định của một nhà máy điện hạt nhân.
TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam: Chúng tôi vẫn làm theo kế hoạch, các nội dung lộ trình Chính phủ đã đề ra. Để phát triển điện hạt nhân vấn đề trên hết là đảm bảo an toàn. Theo đó phải xây dựng luật pháp, các văn bản pháp quy, đào tạo con người, lựa chọn công nghệ… Tất cả các khâu này vẫn đang được rốt ráo thực hiện ở mức ưu tiên nhất.
Vào hồi 3g05’ ngày 12/3, Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản- METI (Ministry of Economy, Trade and Industry) mới công bố lệnh di dân trong vòng 3km và mãi 4g29’, dân chúng mới bắt đầu được di dời.
Sau khi xả khí của nhà lò ra môi trường một thời gian (khoảng 5g30’), nhà lò Fukushima 1 bị phá vỡ do nổ khí hydro. Trên thực tế, nếu khí hydro được xả ngay sau khi có lệnh vào lúc 1g30’ thì hiện tượng nhà lò bị phá vỡ sẽ không xảy ra. Phóng xạ sẽ không phát tán ra môi trường, trong nhà lò và turbin. Chuyên viên của TEPCO đã có thể can thiệp vào những trang thiết bị một cách an toàn và nhanh chóng.
Điều đó cho thấy, từ nhà vận hành TEPCO đến cơ quan an toàn NISA, và các cơ quan cấp nhà nước Nhật Bản không nắm được thông tin chính xác và quản lý một cách chặt chẽ sự diễn biến của tai nạn. Do không thu thập được chính xác thông tin cùng với sự chỉ đạo không đồng nhất của các cơ quan chức năng nên thời gian khắc phục sự cố đối với lò khác bị chậm trễ. Chính vì vậy, Fukushima 2, 3, 4 đã lâm vào tình trạng trầm trọng như Fukushima 1.
Từ các diễn biến cho ta thấy nhà vận hành cũng như các cơ quan quản lý đã không diễn tập các tình huống sự cố giả định, nên khi sự cố thật xảy ra họ đã không có những phương sách ứng phó phù hợp.
Kinh nghiệm từ sự cố
Từ đây đến năm 2020-2025, Việt Nam phải có it nhất 2000 chuyên viên, kỹ sư và chuyên gia trong các chuyên ngành liên quan để phục vụ cho đề án công nghệ hạt nhân của Ninh Thuận 1 và 2.
Trong đề án công nghệ hạt nhân của Ninh Thuận 1 và 2, Chính phủ Việt Nam phải có một đường lối quyết liệt bằng việc phải triển khai ngay tức thời việc đào tạo trong và ngoài nước một số nhân lực lớn cho tất cả các cơ quan liên quan đến công nghệ hạt nhân, từ cơ quan pháp quy như Cục ATBXHN đến nhà vận hành EVN...
Từ đây đến năm 2020, Việt Nam có thể cập nhật được các phản hồi kinh nghiệm của sự cố Fukushima mà các nhà thiết kế và các cơ quan quốc tế đưa ra nhằm đáp ứng và đảm bảo an toàn cho đề án Ninh Thuận 1 và 2 với điều kiện Việt Nam từ đó phải có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản.
-TS Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ): Ngay sau sự cố nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản, các cơ quan được giao trách nhiệm về lĩnh vực quản lý nhà nước về an toàn điện hạt nhân của Việt Nam cũng phải nhìn lại công tác chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Hiện chúng tôi đang kiểm điểm lại trong thời gian vừa qua Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- TS Lê Văn Hồng, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam: Ngành hạt nhân luôn luôn đặt vấn đề an toàn hạt nhân lên ưu tiên số một với 3 mục tiêu là: An toàn hạt nhân chung; bảo vệ bức xạ và an toàn kỹ thuật nhằm ngăn ngừa sự cố nhà máy điện hạt nhân với độ tin cậy cao. Song song với các biện pháp kỹ thuật là văn hóa an toàn tức là đội ngũ cán bộ chuyên môn có trình độ, có kiến thức, có hiểu biết cao về an toàn cộng với tính trách nhiệm cao và kỷ cương nghiêm ngặt của những người hoạt động trong ngành hạt nhân.