Dự án “Ứng dụng quy trình kỹ thuật nhân giống dê lai và xây dựng mô hình nuôi dê thương phẩm tại Sơn La” được triển khai tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Sơn La thuộc Chương trình Nông thôn miền núi do Bộ KH&CN chủ trì thực hiện đã đưa ra các giải pháp khắc phục những hạn chế trong chăn nuôi dê truyền thống tại địa phương.
Mục tiêu của Dự án là cho khoảng 200 giống dê cái địa phương phối hợp với 20 con dê lai thuần chủng, cung cấp cho 20 hộ dân với quy mô mỗi mô hình một dê đực, một dê cái. Qua đó nhằm chuyển giao cho các hộ nông dân và nhân rộng mô hình nuôi dê thương phẩm cho các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh, đống thời đào tạo được 20 kỹ thuật viên và 300 nông dân được tập huấn về sản xuất giống và nuôi dê thương phẩm, dê lai
Cùng với áp dụng một số quy trình kỹ thuật về chăn nuôi dê hậu bị, quy trình kỹ thuật lai giống dê các quy trình kỹ thuật chăn nuôi dê cái sinh sản, Dự án “Ứng dụng quy trình kỹ thuật nhân giống dê lai và xây dựng mô hình nuôi dê thương phẩm tại Sơn La” còn thực hiện các quy trình kỹ thuật về chăm sóc nuôi dưỡng dê con theo mẹ, quy trình kỹ thuật về chăm sóc nuôi dưỡng dê đực giống lai, quy trình kỹ thuật về chăm sóc nuôi dưỡng dê thương phẩm, quy trình kỹ thuật về tuyển chọn và nhân giống dê, quy trình về chuồng trại, thức ăn, thú y... Đây là những tiến bộ khoa học kỹ thuật được Trung tâm Nghiên cứu Dê và Thỏ Sơn Tây thực hiện thành công và áp dụng sản xuất tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh và tại các mô hình chăn nuôi dê được Cơ sở chuyển giao.
Nuôi dê góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình (Ảnh: Văn Nguyên)
Ngoài mục tiêu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất để xây dựng mô hình nuôi dê lai có năng suất, hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện chăn nuôi nông hộ tỉnh Sơn La, còn nhằm cung cấp giống năng suất cao cho người chăn nuôi, để góp phần xóa đói giảm nghèo. Dự án triển khai tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh đã giải quyết việc làm và dạy nghề, tạo nguồn thu, nâng cao đời sống cho học viên.
Hoàng Anh