Hoạt động khai thác, phát triển tài sản trí tuệ gắn với sản phẩm chủ lực đang được triển khai mạnh mẽ ở nhiều địa phương. Các sản phẩm đặc thù gắn với địa danh là những “thương hiệu” mang tính cộng đồng, có danh tiếng và uy tín chất lượng từ lâu truyền lại; mang đến giá trị tiềm năng không chỉ về mặt kinh tế mà còn ở cả mặt xã hội.
Vì vây, việc đưa ra các chính sách, biện pháp thúc đẩy hoạt động này nhằm tạo động lực cho sự phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tham gia hiệu quả, chủ động vào thị trường; đồng thời giữ gìn, phát huy được danh tiếng và uy tín chất lượng “thương hiệu” của các đặc sản địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước là rất quan trọng.
Nằm cách Hà Nội hơn 300 kilomet, Sơn La là miền đất còn hoang sơ thuần khiết của thiên nhiên, của những con suối trong veo, của những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và cả tấm lòng chân thật, hiếu khách của người dân bản xứ. Những năm qua, Sơn La có nhiều chuyển biến sâu sắc, nhất là trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cuộc sống nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và cuộc sống của nhân dân.
Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La, trong những năm qua, hoạt động KH&CN của tỉnh luôn được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo. Từ những chỉ đạo đó, Sở KH&CN đã đặt hàng với các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh hướng tới cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế.
Với hơn 20 sản phẩm gắn với địa danh được cấp văn bằng bảo hộ thương hiệu như: Chè Shan tuyết, nhãn Sông Mã, cam Phù Yên, Na Mai Sơn, Xoài tròn Yên Châu, cà phê, cá tầm và cá sông Đà.v.v, Sơn La đang khai thác một cách hiệu quả giá trị kinh tế của những sản phẩm này. Các sản phẩm sau khi đăng ký thương hiệu, góp phần nâng tầm giá trị và thương hiệu, khẳng định uy tín, chất lượng trên thị trường, nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản địa phương. Ngoài xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Campuchia, sản phẩm nông sản của Sơn La hướng đến các thị trường khó tính như Anh, Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ngoài xoài tròn Sơn La, hiện các sản phẩm đặc sản các của tỉnh sau khi đăng ký thành công thương hiệu đã bước đầu phát huy hiệu quả, giá trị sản phẩm tăng lên khẳng định uy tín, chất lượng trên thị trường.
Nhắc đến cà phê không thể không nhắc đến cà phê Aberica – loại cà phê có giá trị nhất trong các loại cà phê. Tại Việt Nam, những nơi trồng nhiều cà phê Arabica phải kể đến Đà Lạt, Điện Biên, Quảng Trị và Sơn La. Trong đó, Sơn La được coi là thủ phủ trồng cà phê Arabica của cả nước với sản lượng khoảng 30.000 tấn mỗi năm. Toàn tỉnh có trên 20.000 ha, chiếm 2/3 diện tích cà phê Arabica của cả nước. Hiện Sơn La đã quy hoạch vùng trồng cà phê tập trung ở những vùng lợi thế, chú trọng đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chế biến. Khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, liên kết và phát triển cà phê tại Sơn La theo hướng bền vững và gia tăng giá trị thông qua chế biến.
Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Sơn La với 3 loại sản phẩm cà phê là cà phê nhân, cà phê rang xay và cà phê bột. Cà phê Sơn La hiện cũng là sản phẩm cà phê rang xay duy nhất có chỉ dẫn địa lý. Từ đây, cà phê Sơn La bắt đầu hành trình xuất khẩu đến nhiều quốc gia như Nga, Mỹ, Nhật, EU, UAE và một số thị trường khác.
Ông Mai Văn Dũng, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, việc tăng cường các hoạt động bảo hộ SHTT của tỉnh là biện pháp tốt để tạo cơ sở pháp lý cho sản phẩm, tạo ra một công cụ quảng bá, quản lý và phát triển sản phẩm.
Gia đình đình bà Đặng Thị Điệp ở xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn trồng cà phê từ năm 1989 đến nay đã được hơn 30 năm. Trước đây gia đình bà Điệp trồng giống cà phê Bourbon – một trong những chủng cà phê thuộc dòng Arabica, tuy nhiên do năng suất thấp nên gần đây gia đình bà đã kết hợp với công ty TNHH Cà phê Sơn La một trong 4 đơn vị được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La để trồng và khai chủng cà phê Catimor. Gia đình bà Điệp chỉ là một trong số rất nhiều hộ gia đình mà công ty TNHH Cà phê Sơn La phối hợp để khai thác hiệu quả sản phẩm này. Đây cũng là một trong những hướng phát triển mà công ty ưu tiên thực hiện để có nguồn nguyên liệu sạch, phục vụ hoạt động sản xuất.
Ông Đặng Văn Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Sơn La cho biết, Công ty luôn đồng hành với nông dân để đưa năng suất và chất lượng của các thí sinh tới một cái chất lượng cao nhất. Qua quá trình canh tác nhiều năm nông dân của Sơn La cũng đang là canh tác theo thói quen truyền thống. Vậy thì với sự hợp tác của doanh nghiệp đã hướng cho người nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật tự chăm sóc từ từ chậm đến chăm sóc, thu hái, đảm bảo chất lượng.
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, đưa sản phẩm cà phê “Sơn La” nói riêng và các sản phẩm chủ lực của địa phương phát triển một cách bền vững, ngày càng được nhiều người biết đến, Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển hiệu quả việc khai thác phát triển tài sản trí tuệ gắn với sản phẩm chủ lực địa phương.
Không chỉ phát triển các sản phẩm nông nghiệp, những năm qua ngành thủy sản Sơn La cũng chứng tỏ được hướng đi hiệu quả trong việc phát triển các sản phẩm đặc sản như cá tầm. Hiện cá tầm Sơn La đang từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Lòng hồ thủy điện Sơn La phía hạ lưu thuộc bản Lả, xã Mường Trai là khu vực khuất gió, nguồn nước rất sạch, thuận lợi cho việc nuôi cá tầm. Từ năm 2012, tỉnh Sơn La đã triển khai nuôi thử nghiệm, cho thấy kết quả loài cá tầm được nuôi ở môi trường này phát triển tốt, tỷ lệ cá sống khá cao. Đơn vị tiên phong trong nghề nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện Sơn La là Công ty TNHH một thành viên cá tầm Việt Nam – Sơn La. Đến nay đã có gần 200 lồng, trên diện tích 3 ha, tổng sản lượng khoảng 170 tấn. Bình quân mỗi tháng công ty xuất bán từ 15-25 tấn cá thịt ra thị trường, đồng thời có trên 40 con cá mẹ đang có tứng chuẩn bị khai thác để phục vụ xuất khẩu. Công ty đã tạo công ăn việc làm cho 22 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4 - 7 triệu đồng/tháng, cùng với bảo đảm chế độ bảo hiểm cho người lao động.
Có thể thấy việc khai thác, phát triển tài sản trí tuệ gắn với sản phẩm chủ lực địa phương là hướng đi đúng đắn, mang lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cho Sơn La nói riêng và nhiều địa phương trong cả nước nói chung. Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, không chỉ riêng Sơn La, hoạt động này vẫn chưa phát huy được kết quả như mong đợi ở các địa phương. Cụ thể, những khó khăn như: chưa khai thác được lợi thế từ các sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ, sản xuất manh mún; khâu chế biến, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm nông sản yếu; nhiều sản phẩm vẫn bí đầu ra, người sản xuất thiếu vốn, công nghệ đã và đang gây cản trở không nhỏ đối với hoạt động này. Vì vậy, một trong những yêu cầu đặt ra là các địa phương phải phát huy thế mạnh, khai thác các sản phẩm chủ lực, hình thành các chuỗi liên kết, từ đó tạo sức bật cho tăng trưởng.
PV