Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 07:36 am
Cập nhật : 27/11/2013 , 14:11(GMT +7)
Sớm hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn để Luật KH&CN đi vào cuộc sống
Cơ chế tài chính được đổi mới để phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN
Tại Chương trình Giao lưu trực tuyến Triển khai Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN do Báo điện tử Đại biểu nhân dân và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN tổ chức mới đây, các khách mời tham dự đều cho rằng, để Luật KH&CN đi vào cuộc sống, cần sớm ban hành các văn bản dưới luật và tập trung thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong các cấp các ngành về những quy định của Luật.

Tập trung mọi đầu tư mọi nguồn lực cho phát triển KH&CN

Luật KH&CN (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm và sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2014. So với Luật KH&CN năm 2003, Luật KH&CN sửa đổi có nhiều điểm “đột phá”. Cụ thể, về chính sách đầu tư cho KH&CN, Luật nêu rõ “Nhà nước bảo đảm chi cho KH&CN từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp KH&CN”. Ngoài tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN), Luật cũng đề cập đến việc sử dụng có hiệu quả nguồn đầu tư cho KH&CN, huy động xã hội hóa đầu tư cho KH&CN, đặc biệt là của doanh nghiệp.

Cơ chế tài chính cũng được đổi mới để bảo đảm bố trí, sử dụng nguồn lực một cách chủ động, linh hoạt, có hiệu quả; phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN là một loại hình lao động mang tính sáng tạo rất cao. Một mặt phải thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, nhưng cần nâng cao thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN các cấp.

Cơ chế xác định nhiệm vụ KH&CN được đổi mới theo xu thế gắn chặt với nhu cầu, nhiệm vụ của phát triển kinh tế xã hội, tăng cường tính ứng dụng. Nhà nước bảo đảm đủ nguồn lực đầu tư những nhiệm vụ KH&CN trọng điểm trong những lĩnh vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đất nước.

Đồng thời, bổ sung quy định về cơ chế đặt hàng nhiệm vụ KH&CN; khuyến khích, hỗ trợ liên kết giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp để xác định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN nhằm thúc đẩy sự gắn kết chặt chẽ giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp.

Luật KH&CN sửa đổi đã làm rõ thêm quyền sở hữu, đại diện quyền sở hữu nhà nước, thẩm quyền quyết định giao quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với kết quả nhiệm vụ KH&CN được tạo ra bằng NSNN cho tổ chức có đủ điều kiện thực hiện việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu đó, ưu tiên tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN nhằm thúc đẩy thương mại hóa và chuyển giao, góp vốn bằng tài sản trí tuệ vào sản xuất kinh doanh; quyền tác giả đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phân chia lợi nhuận khi chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu được tạo ra từ NSNN.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, sử dụng và đãi ngộ cán bộ KH&CN. Có chế độ đặc biệt với nhà khoa học được giao nhiệm vụ KH&CN quan trọng của quốc gia, nhà khoa học đầu ngành và nhà khoa học có cống hiến đặc biệt xuất sắc. Tăng cường điều kiện tiếp cận KH&CN, tăng cường hoạt động cung - cầu công nghệ thông qua việc phát triển thị trường và dịch vụ KH&CN.

Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ, Bộ KH&CN Trần Xuân Hồng cho rằng, Luật KH&CN sửa đổi với khá nhiều thay đổi trong đó có một số thay đổi mang tính đột phá so với luật hiện hành và được kỳ vọng tạo bước phát triển mới cho KH&CN của Việt Nam. Luật KH&CN sửa đổi lần này không chỉ là sửa đổi, bổ sung mà là phiên bản mới với nhiều điểm đột phá (có thể nói là thay thế hẳn Luật cũ). Luật đã thể hiện rõ quan điểm đổi mới cơ bản toàn diện về chính sách phát triển KH&CN. Đây là khung pháp lý quan trọng, điều chỉnh mọi hành vi liên quan đến hoạt động KH&CN, từ góc độ quản lý nhà nước đến trách nhiệm nghĩa vụ và quyền lợi của từng tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực KH&CN.

Luật KH&CN bổ sung quy định về cơ chế đặt hàng nhiệm vụ KH&CN nhằm thúc đẩy sự gắn kết chặt chẽ giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp.

Đề xuất giải pháp đưa Luật sớm đi vào cuộc sống

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng, để Luật đi vào cuộc sống, điều đầu tiên cần hoàn thiện, ban hành các văn bản dưới luật gồm Nghị định, các thông tư hướng dẫn cụ thể hóa những quy định và những điều trong Luật giao Chính phủ quy định. Đồng thời, tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân. Ngoài ra, cần chuẩn bị tốt các nguồn lực bảo đảm cho quá trình triển khai các quy định của Luật như nguồn kinh phí, đội ngũ nhân lực, cơ sở vật chất, hệ thống cơ quan giám sát thực hiện, các chế tài bảo đảm cho Luật được thực hiện và kịp thời xử lý các vướng mắc.

Trong quá trình triển khai thực hiện, ngoài nhận thức của hệ thống chính trị về vai trò của KH&CN trong phát triển KT-XH của đất nước, cần nói đến kinh phí để có thể triển khai Luật. Trong đó, nguồn kinh phí đầu tư cho KH&CN phải được bảo đảm; thủ tục thanh quyết toán cần phải được đơn giản hóa. Theo quy định của Luật, chi cho KH&CN hàng năm bằng 2% tổng chi ngân sách, nhưng trong nhiều năm qua, các địa phương mới chỉ quyết toán được khoảng 82-83% dự toán chi. Do đó, mỗi năm thừa hàng trăm tỷ đồng trong khi kinh phí để triển khai các đề tài, các nhiệm vụ khoa học lại thiếu.

Hơn nữa, phần chi cho KH&CN của nước ta so với nhiều nước trên thế giới lại ở mức thấp. Có những quốc gia chi tới 2-3% GDP cho KH&CN. Ở các nước, NSNN chỉ bảo đảm 20-30% cho hoạt động KH&CN, còn lại 70-80% kinh phí cho hoạt động KH&CN được huy động từ các nguồn lực xã hội. Ở nước ta, việc huy động các nguồn lực xã hội ngoài NSNN cho KH&CN còn thấp, chỉ ở mức 20 - 30%.

Cùng quan điểm với ông Phùng Đức Tiến, Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ Trần Xuân Hồng cho rằng, để Luật KH&CN nhanh chóng đi vào đời sống xã hội, điều quan trọng là phải xây dựng được hệ thống văn bản dưới Luật hoàn chỉnh và đồng bộ. Để làm được điều đó, rất cần có sự đồng thuận của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.

Nhằm triển khai Luật KH&CN, Bộ KH&CN đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Nghị định hướng dẫn thi hành Luật và đang xây dựng, lấy ý kiến các Bộ, ngành về một số văn bản liên quan đến việc triển khai Luật. Với những điểm “đột phá” của Luật như đã nói ở trên, cùng với sự nỗ lực không ngừng của Bộ KH&CN, của ngành KH&CN và sự ủng hộ của Chính phủ, sự đồng thuận của các bộ, ngành, địa phương, Luật KH&CN sẽ sớm đi vào cuộc sống và những quy định của Luật chắc chắn sẽ đem lại "làn gió mới" cho nền KH&CN nước nhà.

Bài, ảnh: Nguyễn Hạnh


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner