11 doanh nghiệp khởi nghiệp đã trình bày, giới thiệu ý tưởng sản phẩm, mô hình kinh doanh,… trước các nhà quản lý, nhà đầu tư trong nước và quốc tế tại sự kiện Ngày hội đầu tư – Demo Day 2016 diễn ra sáng 16/7, do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức.
Tham dự sự kiện có các đồng chí: nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân; Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Nghiêm Vũ Khải; đại diện Đại sứ quán Anh tại Việt Nam; các nhà đầu tư trong nước và quốc tế;…
Sự kiện này nằm trong chuỗi chương trình năm 2016 của Đề án “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam - Vietnam Silicon Valley (VSV) của Bộ KH&CN nhằm tạo điều kiện cho các nhóm khởi nghiệp thuộc Đề án gặp gỡ trực tiếp, tìm kiếm cơ hội từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế.
Trong năm thứ hai tổ chức, Demo Day 2016 có 11 nhóm khởi nghiệp tham gia thuyết trình, giới thiệu các dự án, những gì họ đã, đang và sẽ làm để giúp cuộc sống tiện nghi, tốt đẹp hơn nhằm thu hút các nhà đầu tư. Trước khi tham dự Demo Day, 11 nhóm khởi nghiệp đã được tuyển chọn kỹ lưỡng từ hàng trăm hồ sơ đăng ký. Họ đã nhận được vốn đầu tư 10.000 USD từ Đề án và trải qua 4 tháng huấn luyện trong Tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Sau quá trình tập huấn nói trên, các nhóm khởi nghiệp đã hoàn thiện ý tưởng, mô hình kinh doanh, đã có sản phẩm, thị trường và sẵn sàng nhận đầu tư để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.
Ngoài việc kết nối và nhận được nhiều hỗ trợ từ các cố vấn có nhiều kinh nghiệm, thông qua Đề án, các nhóm khởi nghiệp cũng tạo lập được mối quan hệ với những đối tác, được huấn luyện kỹ năng gọi vốn, quản lý công ty,...
Theo đánh giá của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân, trong 3 năm qua với những cố gắng, nỗ lực, VSV đã đạt được một số kết quả nhất định và tạo dựng được một số startup thành công. Tuy nhiên theo ông, nếu chỉ VSV thì chưa đủ. Chúng ta cần có hàng ngàn VSV. Một quốc gia khởi nghiệp phải có hàng trăm ngàn doanh nghiệp khởi nghiệp thành công từ nền tảng nghiên cứu và ứng dụng phát triển KH&CN. Chỉ những doanh nghiệp ấy mới có thương hiệu cạnh tranh, mới làm nên một Việt Nam đổi mới sáng tạo. Vì thế, cùng với VSV chúng ta cần có rất nhiều vườn ươm, trung tâm ươm tạo,… mới hy vọng có hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu doanh nghiệp thành công, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Demo Day 2016.
Phát biểu tại Demo Day 2016, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, khi Đề án VSV tổ chức Demo Day lần đầu tiên năm 2014, hơn 100 nhà đầu tư và các doanh nghiệp đã tham dự để theo dõi 9 nhóm startup được VSV đầu tư thuyết trình. Sau đó, 4 nhóm khởi nghiệp đã tiếp tục được các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư thiên thần lựa chọn và cung cấp vốn. Kết quả này đã giúp quỹ Thúc đẩy doanh nghiệp 2014 của VSV tạo ra lợi nhuận gấp 5 lần cho nhà đầu tư chỉ sau 12 tháng.
“Chúng tôi hy vọng những sự kiện như Demo Day sẽ tạo tiền đề cho sự kết nối kinh doanh thành công giữa các nhà đầu tư, quỹ đầu tư với các doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này phát triển những dự án khả thi trong tương lai”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.
Đề án VSV do Bộ KH&CN giao Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN và Văn phòng Phối hợp phát triển môi trường KH&CN nghiên cứu, triển khai từ năm 2013. Mục tiêu cơ bản của Đề án là tạo ra một hệ sinh thái gồm các startup được đào tạo, tư vấn trong chương trình đào tạo hỗ trợ khởi nghiệp (BA) để thu hút vốn đầu tư mạo hiểm nhằm xây dựng hệ thống doanh nghiệp KH&CN thành công. Theo đó, doanh nghiệp phải có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, mô hình, chiến lược kinh doanh khả thi, có đội ngũ đủ năng lực thực hiện. Đồng thời tạo môi trường để thu hút chất xám thông qua xây dựng hệ thống BA, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, kết hợp nguồn vốn ngân sách để thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm tư nhân, đặc biệt từ nước ngoài.
Box: 11 nhóm khởi nghiệp được Đề án hỗ trợ bao gồm:
- Utimai - mạng xã hội di động xử lý các vấn đề thường xuyên phát sinh trong cuộc sống thông qua việc tận dụng các mối quan hệ của một cá nhân và biến những mối quan hệ đó thành lợi ích kinh tế;
- School bus - nền tảng truyền hình trực tiếp trên Internet dành cho giáo viên và học sinh phổ thông trung học;
- Kera – hệ thống học trực tuyến (e-learning) dành cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp đào tạo nhân viên bằng cách tạo ra các khóa đào tạo trực tuyến sử dụng trong nội bộ;
- Social Resource Allocation (SORA) – hệ thống trao đổi, giao dịch hoạt động dựa trên hợp đồng, giúp các bên liên quan không bị phụ thuộc quá nhiều vào vấn đề tài chính;
- Torki Kebap – mô hình nhượng quyền dành cho các cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh bánh mỳ Doner Kebab;
- EZ4Home – một showroom trực tuyến về nội thất xây dựng, tạo ra những không gian nội thất 3D trên nền tảng Web và di động;
- Vocap – giải pháp giúp người học có thể nhớ được 1.000 từ chỉ trong 30 ngày với việc chỉ dành 30 phút mỗi ngày;
- Caganu – một trong 4 công ty thương mại điện tử thành công với mô hình B2C ở Việt Nam;
- Booknhanh – nền tảng đặt lịch trực tuyến tốt nhất trong việc tìm kiếm những địa điểm và trung tâm chăm sóc sắc đẹp;
- Regen – một nền tảng để kết nối nhanh nhất giữa những người có nhu cầu về máu và những người có thể hiến máu;
- VNDream – dịch vụ tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng online.
|
Tin, ảnh: Hạnh Nguyên – Ngũ Hiệp