Khoa học và công nghệ có vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất lao động, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, góp phần phát triển và tăng trưởng kinh tế-xã hội. Xác định rõ điều đó, trong những năm qua, tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm đến nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Sóc Trăng là tỉnh nằm ở cuối lưu vực sông Hậu, rất thuận lợi cả giao thông bộ lẫn giao thông thuỷ. Kinh tế tỉnh Sóc Trăng duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2021, GRDP trên địa bàn tỉnh đạt 35.415 tỷ đồng, tăng 1,67 lần so với năm 2010; tốc độ tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2011 - 2021 là 4,76%. Để phát huy lợi thế và tài nguyên sẵn có, tăng giá trị và sức cạnh tranh, phát triển bền vững; tại Sóc Trăng, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đã được tỉnh quan tâm lãnh đạo, từng bước đưa tiến bộ khoa học phục vụ sản xuất và đời sống, đưa KH&CN gắn kết chặt chẽ với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đóng góp thiết thực trong việc nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và trong phát triển các sản phẩm đặc thù của tỉnh; góp phần tích cực trong việc chuyển đổi mô hình kinh tế và tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương trên địa bàn tỉnh, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất, hỗ trợ người dân địa phương phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.
Từ năm 2018 đến nay, tỉnh triển khai 63 nhiệm vụ KH&CN (trong đó 06 nhiệm vụ KH&CN thuộc các Chương trình KH&CN cấp quốc gia; 57 nhiệm vụ cấp tỉnh). Trong thời gian qua, công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực xã hội và nhân văn tập trung vào nghiên cứu các giải pháp để bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian; các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử, phát triển du lịch, đã đạt được những kết quả khả quan, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng có bản sắc văn hóa đặc thù.
Đồng thời, tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng mô hình giáo dục tích hợp STEM cho học sinh phổ thông ở tỉnh Sóc Trăng, đã xây dựng được khung chương trình và chương trình chi tiết STEM tích hợp phẩm chất, kỹ năng, triển khai mô hình giáo dục STEM tích hợp tại 12 câu lạc bộ STEM của 03 điểm trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; Nghiên cứu xây dựng mô hình giáo dục kỹ năng sống ứng phó với biến đổi khí hậu cho học sinh Trung học cơ sở ở tỉnh Sóc Trăng, đã xây dựng được 02 tài liệu giáo dục kỹ năng sống ứng phó với biến đổi khí hậu cho giáo viên và học sinh.
Các nhiệm vụ KH&CN thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên tập trung vào việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống; thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường; chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Đóng góp vào đó là vệc ứng dụng các tiến bộ KH&CN để chọn tạo giống lúa thơm và lúa cao sản kháng rầy nâu, nghiên cứu Lai tạo và chọn các giống lúa thơm phục vụ các vùng trồng lúa thơm của tỉnh, từ các giống lúa này là nguồn vật liệu phục vụ công tác lai tạo ra các giống lúa ST có năng suất, chất lượng cao.
Năm 2021, công trình: “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa thơm Sóc Trăng: ST24 và ST25 giai đoạn 2008-2016” đã được Chủ tịch Nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN đợt 6. Đây là vinh dự chung cho lúa gạo Sóc Trăng và cũng là cơ hội để tỉnh Sóc Trăng phát huy tiềm năng, thế mạnh sản xuất các giống lúa, gạo thơm đặc sản trong thời gian tới.
Ngoài ra, tỉnh đã tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Tài nguyên Thạnh Trị” dùng cho sản phẩm gạo Tài nguyên của huyện Thạnh Trị. Ngoài cây lúa, rau màu và cây ăn trái cũng là cây trồng quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Sóc Trăng. Cây hành tím Vĩnh Châu Sóc Trăng gắn liền với truyền thống, văn hoá của đồng bào dân tộc Khmer vùng đất Vĩnh Châu, với diện tích trồng hàng năm dao động trong khoảng 6.000 ha - 6.500 ha, các loại rau đặc trưng cho cùng Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên; các loại cây ăn trái như bưởi, vú sữa tím, xoài, sầu riêng, .... đặc trưng cho vùng ngọt Kế Sách, Cù Lao Dung; Vĩnh Châu với cây nhãn, thanh long, mãng cầu (quả na); cây mãng cầu gai của vùng đất Ngã Năm.
Ngày 28/5/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 2665/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm hành tím của tỉnh Sóc Trăng. Đây là cơ sở để phát huy lợi thế, tăng sức cạnh trạnh trên thị trường cũng như khẳng định danh tiếng của hành tím Vĩnh Châu.
Trong thời gian qua, tỉnh đã và đang đầu tư xây dựng các nhà lưới, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, các quy trình sản xuất tiên tiến,... vào các mô hình sản xuất rau nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của các loại rau đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà màng kết hợp với tưới nhỏ giọt tại huyện Châu Thành và Trại Thực nghiệm Công nghệ Sinh học thuộc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN tỉnh Sóc Trăng; Mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ tưới tự động tại huyện Thạnh Trị; Mô hình trồng hành tím xen canh gối vụ ớt sừng vàng Châu Phi trong nhà lưới ứng dụng công nghệ tưới tự động tại thị xã Vĩnh Châu; …
Từ năm 2018 đến nay, tỉnh Sóc Trăng có 574 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (02 đơn sáng chế, 01 đơn giải pháp hữu ích, 22 đơn kiểu dáng công nghiệp, 547 đơn nhãn hiệu, 02 đơn chỉ dẫn địa lý), có 309 văn bằng được cấp (02 sáng chế, 01 giải pháp hữu ích, 18 kiểu dáng, 286 nhãn hiệu, 02 chỉ dẫn địa lý).
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội ổn định của tỉnh, ngành KH&CN đã và đang nỗ lực hết sức mình nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. KH&CN đã cùng với các ngành, các địa phương từng bước đưa KH&CN vào thực tiễn sản xuất, đời sống.
Bài, ảnh: PV